• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bảo tồn và phát triển sinh vật ở Vườn quốc gia Cúc Phương

Nguồn tin: Báo Ninh Bình, 20/09/2020
Ngày cập nhật: 20/9/2020

Cúc Phương là Vườn quốc gia đầu tiên được thành lập ở Việt Nam (năm 1962) dựa trên những giá trị độc đáo về lịch sử địa chất, cảnh quan và sự đa dạng của hệ thực, động vật. Cùng với việc bảo tồn nguyên vẹn tài nguyên rừng, hệ sinh thái vùng núi đá vôi, thời gian qua Ban Quản lý Vườn đã có nhiều nỗ lực trong cứu hộ, bảo tồn và phát triển các loài động, thực vật hoang dã, quý hiếm đang bị đe dọa nguy cấp ở Việt Nam.

Nhân viên Trung tâm Cứu hộ và bảo tồn linh trưởng (Vườn quốc gia Cúc Phương) chuẩn bị thức ăn cho các loài linh trưởng. Ảnh: Anh Tuấn

Để bảo tồn nguồn gen các loài thực vật, từ năm 1985, Vườn quốc gia Cúc Phương đã xây dựng vườn cây thực vật, với diện tích 167 ha. Đến nay, vườn cây này đã trồng và sưu tập được 811 loài cây quý hiếm phục vụ lưu giữ và bảo tồn nguồn gen. Trong đó có 210 loài cây gỗ Cúc Phương, 85 loài cây gỗ ở các vùng khác của Việt Nam, 5 loài nhập nội, 25 loài cây thuộc họ ráy của Cúc Phương, 20 loài cây ăn quả, 15 loài tre trúc, 15 loài cau dừa, 296 loài cây thuốc và 140 loài lan. Hiện nhiều loài cây sinh trưởng và phát triển tốt, nhiều loài đã ra hoa, quả. Đây là một trong ba vườn thực vật đầu tiên của Việt Nam được ghi trong danh mục Vườn thực vật quốc tế.

Đặc biệt, thực hiện công tác nghiên cứu bảo tồn loài cây quý, hiếm, các nhà khoa học của Vườn đã nghiên cứu, điều tra thành phần và phân bố các loài lan ở Vườn quốc gia Cúc Phương. Kết quả đã xây dựng được một bộ sưu tập lan có hơn 140 loài hiện đang được lưu giữ, chăm sóc bảo tồn tại Vườn. Ngoài ra, để bảo vệ nhiều loài gỗ quý, hiếm đang bị đe dọa tuyệt chủng như tuế, đinh hương… các nhà khoa học đã tiến hành sưu tập loài cây này về trồng tại Vườn, hiện sinh trưởng và phát triển tốt, trong đó có 6 loài tuế đã ra hoa, quả phục vụ cho việc nhân giống bảo tồn nguồn gen.

Thực hiện cứu hộ, bảo tồn các loài động vật hoang dã, năm 2013, Vườn quốc gia Cúc Phương đã hợp tác với Hội Động vật Frankfurt (CHLB Đức) triển khai dự án bảo tồn các loài thú linh trưởng quý hiếm của Việt Nam. Phó Giám đốc Vườn quốc gia Cúc Phương Đỗ Văn Lập cho biết: Đến nay, dự án đã hợp tác triển khai sang giai đoạn thứ 5 (2019-2023), một trong những kết quả của dự án là thành lập một Trung tâm Cứu hộ và bảo tồn các loài linh trưởng quý hiếm tại Việt Nam. Tại đây, hiện đang cứu hộ gần 200 cá thể của 16 loài và phân loài linh trưởng quý hiếm. Tất cả các cá thể linh trưởng tại Trung tâm được chăm sóc tốt. Có 10 loài đã cho sinh sản thành công, trong đó có 3 loài lần đầu tiên được sinh sản trong điều kiện nuôi nhốt trên thế giới đó là: voọc Mông trắng, voọc Hà Tĩnh và voọc Chà vá chân xám.

Bên cạnh Trung tâm Cứu hộ và bảo tồn linh trưởng, tại Vườn quốc gia Cúc Phương còn có 2 trung tâm cứu hộ khác là: Trung tâm Bảo tồn thú ăn thịt và tê tê; Trung tâm Bảo tồn rùa. Trung tâm Bảo tồn rùa có diện tích 7 nghìn m2, bao gồm các khu chuồng nuôi, bể nước, các khu chuồng nuôi riêng biệt phục vụ cho công tác nhân nuôi bảo tồn. Tới thời điểm hiện tại, Trung tâm có 1.700 cá thể rùa gồm 22 loài bản địa và quý hiếm như rùa trán vàng, rùa sa nhân, rùa đầu to và rùa Trung bộ đặc hữu của Việt Nam. Riêng Trung tâm Bảo tồn thú ăn thịt và tê tê thời gian qua đã cứu hộ và phục hồi thành công 11 loài thú ăn thịt và tê tê, bao gồm: tê tê Java, tê tê vàng, cầy vằn, cầy mực, cầy tai trắng, cầy vòi mốc, cầy vòi hương, mèo rừng, cầy hương, chồn bạc má Nam, chồn bạc má Bắc. Đây là đơn vị đi đầu trong công tác nghiên cứu và chăm sóc tê tê trong môi trường nuôi nhốt, được thế giới ghi nhận, đánh giá cao.

Ngoài ra, Vườn quốc gia Cúc Phương còn đang thực hiện nhân giống nguồn gen để phục hồi loài hươu sao, nai và các loài như nhím, gà lôi trắng, gà rừng… Qua đó, cung cấp nguồn giống cho cộng đồng dân cư để phát triển kinh tế, mở ra hướng đi mới phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng.

Được biết, trong thời gian tới, để tăng cường công tác bảo tồn và phát triển sinh vật, Ban Quản lý Vườn quốc gia Cúc Phương tiếp tục phối hợp chính quyền địa phương trong phân định ranh giới, tổ chức bảo vệ nguyên vẹn rừng tự nhiên. Nâng cao chương trình đào tạo đội ngũ cán bộ nhân viên làm công tác bảo tồn, để có khả năng giám sát đa dạng sinh học nói chung và các loài nguy cấp nói riêng. Đồng thời, ưu tiên nguồn lực đầu tư nâng cấp và xây dựng Trung tâm sưu tập nguồn gen động, thực vật đang có nguy cơ bị đe dọa hoặc tuyệt chủng. Tiến hành nghiên cứu về quần thể một số loài có nguy cơ bị tuyệt chủng, phạm vi phân bố, số lượng để đề xuất phương án bảo vệ tốt nhất.

Hà Phương

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang