• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Cơ hội rõ ràng cho ngành tôm từ EVFTA, nhưng… không dễ

Nguồn tin: Báo Sóc Trăng, 18/02/2020
Ngày cập nhật: 21/2/2020

Chiều 12-2, Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu thông qua Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với Việt Nam (viết tắt là EVFTA), chính thức mở đường cho hàng hóa của 2 bên thâm nhập thị trường của nhau. Đây thật sự là cơ hội tốt mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng nhìn thấy, nhưng để tranh thủ, nắm bắt, nhằm tạo nền tảng cho sự tăng trưởng hay bứt phá không hẳn doanh nghiệp nào cũng làm được.

Trong kinh doanh, cơ hội có thể đến với doanh nghiệp bất kỳ lúc nào mà theo ông Hồ Quốc Lực – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần thực phẩm Sao Ta, đó có thể là do tình cờ, là một bản tin dự báo thời tiết tưởng chừng như vô thưởng, vô phạt, hay những cơ hội xuất hiện một cách công khai như EVFTA chẳng hạn… nhưng đa phần doanh nghiệp phải biết động não để đãi cát tìm vàng từ các cơ hội, dù là nhỏ nhất. Việc không ngừng tìm kiếm cơ hội đối với doanh nghiệp là một yêu cầu bắt buộc để duy trì sự phát triển và tăng trưởng ổn định.

Cần siết chặt công tác quản lý chất Ethoxyquin trong thức ăn và các vật tư phục vụ nuôi tôm.

Đối với ngành tôm, năm 2020 được các doanh nghiệp lẫn nhà quản lý nhận định là có khá nhiều cơ hội tốt. Đó là 2 sự kiện thể thao lớn mang tầm quốc tế và châu lục, là: Olympic Tokyo và giải bóng đá vô địch các quốc gia châu Âu EURO 2020 và EVFTA vừa được Nghị viện châu Âu thông qua vào chiều ngày 12-2 mới đây. Đây đều là những cơ hội rất rõ ràng mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng có thể nhìn thấy và vấn đề còn lại là ai sẽ tranh thủ, nắm bắt được các cơ hội trên để biến nó thành hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp mình, đặc biệt là EVFTA, vốn được đánh giá sẽ là động lực cho xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có ngành tôm.

Tuy nhiên, phía sau mỗi một cơ hội đều ẩn chứa những rủi ro, thách thức mà nếu không nhận diện chính xác và hiểu đúng chẳng những không thể giúp gia tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh, mà đôi khi còn đẩy doanh nghiệp đến khó khăn nhiều hơn. EVFTA vốn là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với độ mở khá lớn nhưng cũng có không ít những ràng buộc mà doanh nghiệp phải tuân thủ nếu muốn tham gia, tận dụng cơ hội tốt từ sân chơi lớn này. Nếu nhìn vào các ưu đãi về thuế suất của EVFTA có thể, con tôm Việt Nam sẽ có rất nhiều lợi thế so với một số đối thủ cạnh tranh chính như: Thái Lan hay Indonesia. Điều này ai cũng dễ dàng nhìn thấy, nhưng để bán được con tôm vào thị trường EU với thuế suất ưu đãi từ EVFTA vẫn còn nhiều thứ mà doanh nghiệp phải làm. Bởi thế, TS. Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương mới cho rằng, các doanh nghiệp, cơ quan quản lý Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm để tận dụng được các cơ hội từ hiệp định này, bởi “EVFTA không phải là mâm cỗ bày sẵn” mà mình chỉ có việc ngồi vào ăn.

Cả người nuôi tôm, doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý vẫn còn nhiều việc phải làm nếu muốn tận dụng tốt cơ hội từ EVFTA.

Nói không dễ dàng bởi EVFTA đặt ra rất nhiều điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm, sở hữu trí tuệ và lao động… Trong đó, đối với con tôm, ngoài việc không còn chất Ethoxyquin (áp dụng từ đầu tháng 4-2020) ra còn phải đạt chứng nhận ASC, phải được truy xuất nguồn gốc rõ ràng và khó khăn nhất được các doanh nghiệp nhận định chính là các chính sách xã hội (lao động, môi trường…). Để đáp ứng yêu cầu trên, hiện các cơ quan quản lý đang chung tay cùng doanh nghiệp trong việc siết chặt công tác quản lý chất Ethoxyquin trong thức ăn và các vật tư phục vụ nuôi tôm; vận động người nuôi tôm liên kết thực hành nuôi theo tiêu chuẩn ASC; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ đăng ký, cấp mã số ao nuôi, vùng nuôi ngay trong năm 2020 này.

Liên quan đến chứng nhận ASC theo các doanh nghiệp cũng là một vấn đề khó khi hiện tại, số diện tích nuôi tôm đạt chứng nhận này chỉ chiếm một tỷ lệ khá khiêm tốn tại các tỉnh thành nuôi tôm lớn trên cả nước. Bởi thế, hầu hết các doanh nghiệp trong tỉnh đều phải bỏ ra một số tiền lớn để đầu tư các khu nuôi riêng hoặc liên kết hỗ trợ người nuôi trong việc thực hành, tư vấn đánh giá đạt tiêu chuẩn ASC. Tuy đã rất nỗ lực, nhưng số diện tích liên kết nuôi tôm đạt chuẩn ASC trong tỉnh đến nay vẫn còn thấp, mà nguyên nhân chủ yếu là do diện tích hộ nuôi còn nhỏ lẻ, tính liên kết chưa cao… Ngay cả những diện tích nuôi theo mô hình CPF – Combine được đánh giá là đủ điều kiện để đạt chứng nhận ASC, nhưng các doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận do diện tích của hộ nuôi là quá nhỏ, chưa tương xứng với chi phí đầu tư cho tư vấn, đánh giá.

Bên cạnh độ khó từ các quy định do EU đặt ra, theo các doanh nghiệp, để nắm bắt và tận dụng tốt cơ hội từ EVFTA, các doanh nghiệp còn phải biết “đãi cát tìm vàng”, như: nắm bắt kịp thời, chính xác thông tin về nhu cầu kích cỡ tôm từ thị trường; sản lượng, kích cỡ tôm thế giới mà đặc biệt là từ các đối thủ cạnh tranh chính… để đưa ra các quyết định kịp thời và đúng đắn nhất. Đơn cử như trường hợp thiếu hụt tôm thẻ cỡ lớn trong năm 2019 do vùng nuôi của Ấn Độ gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp nắm bắt kịp thời ký được hợp đồng giá tốt, nhưng cũng có doanh nghiệp lao đao vì không có đủ tôm để giao dù đã đẩy giá thu mua lên rất cao.

Cũng theo ông Hồ Quốc Lực, nói chung, cơ hội kinh doanh tốt là nền tảng cho sự tăng trưởng, thậm chí bứt phá. Cơ hội kinh doanh tới bất kỳ lúc nào, nhưng muốn nhận diện được nó cần những cái đầu có chủ định, nhạy bén, biết đãi cát tìm vàng. Ông Lực chia sẻ: “Tóm lại, thời buổi này hết sức coi trọng mọi cơ hội kinh doanh. Muốn vậy, doanh nhân tôm Việt Nam phải lao tâm tổn sức nhiều hơn. Phải am hiểu nhiều lĩnh vực, từ nuôi, chế biến, khai thác; từ diễn biến tình hình các thị trường tiêu thụ; từ diễn biến xu thế người tiêu dùng; các vấn đề không riêng lĩnh vực kinh tế mà phải tỏa ra các lĩnh vực tài chánh, chính trị, xã hội... Tất cả trên phạm vi thế giới”!

Tích Chu

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang