• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Vẫn có nhiều điểm sáng xuất khẩu trong thời dịch COVID-19

Nguồn tin: Tuổi trẻ, 05/08/2020
Ngày cập nhật: 7/8/2020

Dù COVID-19, nhiều sản phẩm của VN vẫn tăng trưởng xuất khẩu, doanh nghiệp tăng tuyển dụng lao động.

Vùng nguyên liệu ổn định giúp các nhà máy chế biến tôm ở Sóc Trăng đủ hàng xuất khẩu - Ảnh: KHẮC TÂM

Bên cạnh các ngành như điện tử, máy tính và linh kiện, nhiều sản phẩm nông nghiệp như hạt điều, tôm, gạo... cũng có xuất khẩu tăng trưởng.

Tận dụng được cơ hội từ Covid-19

Theo lãnh đạo Sở Công thương Sóc Trăng, tỉnh này có gần 10 công ty sản xuất, chế biến tôm xuất khẩu. Trong khi nhiều ngành hàng cả nước bị ảnh hưởng tơi bời từ dịch bệnh COVID-19, hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu tôm tại Sóc Trăng đều tăng trưởng tốt, trong đó có không ít doanh nghiệp tăng trên 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo ông Võ Văn Phục - tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản sạch VN (Khu công nghiệp An Nghiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng), có được kết quả này đầu tiên là nhờ VN phòng ngừa tốt dịch bệnh COVID-19.

Một thuận lợi nữa, theo ông Phục, do ảnh hưởng dịch bệnh, nhiều đối thủ cạnh tranh với VN phải vật lộn với dịch bệnh nên khách hàng những nước này chuyển sang nhập khẩu tôm của VN.

Tuy vậy, điều quan trọng, theo ông Phục: "Sóc Trăng có nhiều nhà máy chế biến tôm có thương hiệu tốt, xây dựng được hệ thống quản lý chất lượng. Ngoài ra, các doanh nghiệp ở Sóc Trăng thực hiện tốt chuỗi giá trị, từ khâu nuôi đến điều kiện nhà xưởng, quản lý... do vậy khi có biến động vẫn không sao. 7 tháng đầu năm, công ty xuất khẩu tôm được 65 triệu USD, tăng trên 26% so với cùng kỳ 2019".

Để sản phẩm, hàng hóa VN nói chung và con tôm nói riêng xuất khẩu tốt, theo ông Phục, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo quyết liệt phòng ngừa dịch bệnh COVID-19. Chỉ cần khâu xuất khẩu bị gãy sẽ ảnh hưởng đến chuỗi giá trị, người nuôi tôm lao đao theo.

Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta cũng là đơn vị đạt giá trị xuất khẩu tôm tăng trưởng gần 9% ở Sóc Trăng so với cùng kỳ năm trước. Ông Hồ Quốc Lực - chủ tịch HĐQT công ty - cho biết dịch bệnh gây nhiều thách thức, đồng thời cũng tạo cơ hội cho những doanh nghiệp làm ăn chuẩn bứt phá, có thêm nhiều khách hàng mới.

"Tình hình tiêu thụ tôm những tháng trong mùa dịch tương đối tốt, đặc biệt tăng mạnh trong tháng 6, tháng 7. Điều này dự báo một bức tranh xuất khẩu tôm của các doanh nghiệp VN sắp tới đủ gam màu tươi tắn hơn. Thị trường xuất khẩu tôm của các nhà máy ở Sóc Trăng chủ yếu là Mỹ, Nhật và châu Âu. Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực, rộng cửa cho tôm VN vào thị trường châu Âu hơn", ông Lực nói.

Tăng trưởng thuộc dạng "khủng" nhất thuộc về Công ty cổ phần Thủy sản Sóc Trăng. Bảy tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu của công ty này đạt 160 triệu USD, tăng 40% so với cùng kỳ.

"Nếu tình hình dịch bệnh êm ái, thị trường xuất khẩu thuận lợi, tăng trưởng cuối năm sẽ ổn định..." - ông Trần Văn Phẩm, tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Sóc Trăng, chia sẻ.

Cơ hội việc làm cho người lao động

Ông Võ Văn Chiêu - giám đốc Sở Công thương Sóc Trăng - cho biết xuất khẩu tôm tăng trưởng tốt không chỉ bù lại cho những lĩnh vực tăng trưởng âm mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động. Ông nói: "Nhiều người lên Sài Gòn hoặc Bình Dương làm ăn, vừa qua do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, họ trở về xin làm công nhân nhà máy chế biến tôm".

Chị Thạch Thị Út (ngụ xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) là một trong số đó. Cách đây 5 năm, vợ chồng chị lên TP.HCM, gửi con cho bà ngoại nuôi, xin vào làm tại một xí nghiệp da giày xuất khẩu. Mỗi tháng dư được khoảng 8 triệu đồng nhưng tháng 2 vừa rồi, do dịch bệnh, xí nghiệp của chị ngừng sản xuất.

"May mà nhà máy chế biến tôm gần nhà nhận vợ chồng tui vào làm. Giờ việc làm ổn định gần nhà, sẽ không đi đâu làm nữa", chị Út khoe.

Ông Hồ Quốc Lực cho biết trước đây, thời điểm này những năm trước, dù kêu rêu rát họng, có chính sách xe đưa đón, hỗ trợ tiền ăn trưa nhưng vẫn không tuyển được lao động. Nhưng năm nay thì khác nên công ty mạnh dạn nhận công nhân vào làm. Chỉ riêng quý 2 này, công ty đã nhận thêm 500 lao động, nâng số lao động của công ty lên con số 5.000", ông Lực nói.

Tương tự, ông Võ Văn Phục cho biết cũng có rất nhiều người nộp hồ sơ xin việc. "Dù đã tuyển đủ 2.000 công nhân, nhưng tiêu thụ tốt, công ty tuyển thêm khoảng 500 người nên tiền đóng bảo hiểm xã hội tháng 6 tăng thêm khoảng 1 tỉ đồng. Nhưng không sao, công ty làm ăn được, người lao động địa phương có việc làm, có thu nhập, hai bên đều vui", ông Phục cho hay.

***

Xuất khẩu gạo tăng nhưng gặp thách thức

Nhiều doanh nghiệp lớn kinh doanh ngành hàng lúa gạo tỉnh An Giang cho biết giá gạo xuất khẩu cũng như trong nước đang tăng mạnh, thậm chí đứng đầu thế giới nhưng... khó tìm thị trường.

Ngày 4-8, đại diện Công ty Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex) cho biết giá gạo VN hiện thuộc "top" đầu: loại 5% tấm có giá khoảng 470 USD/tấn, trong khi các nước khác chỉ 445-450 USD/tấn. Vì vậy, gạo VN khó bán so với các nước khác. Gạo hiện nay xuất được bình thường nhưng nhu cầu thị trường không nhiều.

"Một là giá cao, hai là các nước đã "ăn" đợt VN cấm xuất khẩu gạo hồi tháng 4 vừa qua, nhu cầu không còn nhiều như trước. Từ đây đến cuối năm lợi thế gạo thuộc về Thái Lan và Ấn Độ vì họ đang vào vụ" - vị đại diện này nói.

Còn lãnh đạo Sở Công thương tỉnh An Giang cho biết giá gạo nguyên liệu trên địa bàn tỉnh An Giang tăng so với cùng kỳ. Cụ thể, lúa IR50404 giá bán từ 5.350 - 5.600 đồng/kg, tăng khoảng 1.000 đồng/kg so với cùng kỳ. Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu gạo của An Giang đạt trên 302.000 tấn, so với cùng kỳ tăng 4% về sản lượng.

"Xuất khẩu mặt hàng gạo trong tháng 7 có sự sụt giảm nhẹ. Giá nguyên liệu nội địa đang ở mức cao, giá xuất khẩu cao nên các khách hàng có động thái chờ giá xuất khẩu giảm" - đại diện Sở Công thương thông tin.

BỬU ĐẤU

***

23 nhóm hàng xuất khẩu trên 1 tỉ USD

Theo số liệu về tình hình xuất nhập khẩu 7 tháng qua vừa được Tổng cục Thống kê công bố, VN có 23 nhóm mặt hàng trong nhóm xuất khẩu trên 1 tỉ USD. Trong đó, xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện 7 tháng qua vẫn đạt 23,1 tỉ USD, tăng 24,3%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 12,4 tỉ USD, tăng 27,1%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 6,1 tỉ USD, tăng 6,2%...

Dù kim ngạch xuất khẩu của đa số các mặt hàng nông sản đều giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn có điểm sáng. Như hạt điều đạt 1,7 tỉ USD, dù giảm 4% về giá trị nhưng tăng 10,4% về lượng; gạo đạt 1,9 tỉ USD, tăng 10,9% trong khi lượng giảm 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái...

L.THANH

***

Có chuyển dịch nhập hàng từ VN?

Đánh giá về trị giá xuất khẩu những tháng đầu năm vẫn khả quan, giảm nhẹ dù tác động của dịch bệnh, ông Nguyễn Xuân Thành, chuyên gia kinh tế, cho rằng lý do vì VN vẫn tăng được xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc. Chúng ta xuất khẩu chủ yếu các mặt hàng chủ lực như điện tử, máy móc thiết bị sang Mỹ, còn xuất điện thoại di động sang Trung Quốc, đã bù đắp cho sự suy giảm của những thị trường khác như EU, ASEAN và những mặt hàng khác như may mặc, giày dép, thủy sản...

Điều này cho thấy xuất khẩu của VN vẫn không yếu đi quá nhiều trong những tháng đầu năm là do chúng ta được hưởng lợi từ cuộc chiến tranh thương mại. Thực tế có sự chuyển dịch nhập mặt hàng điện tử, máy móc thiết bị từ VN. Bởi nếu nhập từ Trung Quốc thì Hoa Kỳ sẽ đánh thuế cao. Mặt khác, cũng có sự dịch chuyển sản xuất từ những nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 sang VN do nhà máy bị đóng cửa hoặc giảm công suất. Nên họ đã tăng sản lượng, đơn hàng đối với VN.

L.THANH

***

Tìm kiếm đơn hàng trong gian khó

Đưa gạo lên tàu để chuyển đi xuất khẩu tại cảng Mỹ Thới, TP Long Xuyên, An Giang - Ảnh: BỬU ĐẤU

Vừa từ Bến Tre lên TP.HCM để gửi dừa mẫu cho một khách hàng Hà Lan, ông Phùng Văn Hiền, giám đốc Công ty Toàn cầu trái cây tươi, cho hay công ty đang nỗ lực tìm kiếm các thị trường mới để đảm bảo kinh doanh trong đại dịch Covid-19.

Sau thời gian đánh giá, ông Hiền quyết định bỏ chôm chôm và sầu riêng để thay thế bằng dừa xiêm xuất khẩu. Ông Hiền cho biết công ty vừa mới xuất khẩu được một đơn hàng dừa tươi qua Nhật Bản, ngoài ra khách hàng tại Úc, New Zealand và châu Âu cũng liên hệ đặt hàng. "Đây cũng là loại cây thích ứng với hạn mặn và biến đổi khí hậu tốt nên sẽ là định hướng tập trung của công ty trong thời gian tới", ông Hiền cho biết.

Theo Bộ NN&PTNT, trong 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu nông lâm sản của VN ước đạt 22,3 tỉ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, tín hiệu khả quan là xuất khẩu tháng 7-2020 đạt 3,4 tỉ USD, tăng 4,6% so với tháng 6-2020.

Những tháng cuối năm, bất ổn liên quan dịch Covid-19, chính sách thương mại, căng thẳng địa chính trị tại một số khu vực, xu hướng bảo hộ, yêu cầu mới về truy xuất nguồn gốc sản phẩm... nhưng theo Bộ NN&PTNT, cũng có những thông tin tích cực từ EVFTA. Hay những quy định về chứng nhận gỗ có nguồn gốc có hiệu lực như VPA/FLEGT là cơ hội lớn để gia tăng xuất khẩu các sản phẩm gỗ của Việt Nam...

Bộ NN&PTNT cho hay sẽ phấn đấu tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2020 khoảng 41 tỉ USD.

TRẦN MẠNH

***

Xuất khẩu thủy sản nhiều hứa hẹn

Theo Bộ NN&PTNT, xuất khẩu tôm trong 7 tháng đầu năm nay ước đạt 2 tỉ USD, tăng 12,1% so với cùng kỳ. Ông Trương Đình Hòe, tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), cho biết ngành thủy sản đang nỗ lực để đạt mục tiêu xuất khẩu 8,6 tỉ USD trong năm 2020. Trong đó, kỳ vọng lớn nhất vẫn là con tôm với mức 3,8 tỉ USD, hải sản các loại trên 3 tỉ USD. Cá tra chỉ đặt mục tiêu 1,6 tỉ USD, giảm nhiều so với năm 2019.

Ông Hòe cho hay thủy sản là mặt hàng thực phẩm thiết yếu, thậm chí một số quốc gia còn tăng mua để dự trữ. Năm nay do kiểm soát tốt dịch bệnh nên nguyên liệu và sản xuất tôm của VN khả quan, cạnh tranh tốt với tôm từ Indonesia, Thái Lan, Ecuador, Ấn Độ... nên có sự tăng trưởng tốt.

KHẮC TÂM

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang