• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Xuất khẩu khả quan, giá tôm khởi sắc

Nguồn tin: Báo Cà Mau, 03/06/2020
Ngày cập nhật: 5/6/2020

Sau thời gian gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thị trường xuất khẩu tôm của tỉnh Cà Mau đang có dấu hiệu phục hồi. Hiện giá tôm nguyên liệu trên địa bàn tỉnh cũng đã tăng trở lại và đang duy trì khá ổn định. Những tín hiệu tích cực từ thị trường tôm khiến người dân, doanh nghiệp đều phấn khởi.

Tín hiệu vui từ xuất khẩu

Theo Sở Công thương Cà Mau, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm của tỉnh giảm khoảng 20% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại tình hình đã khả quan hơn, kim ngạch xuất khẩu ước đạt khoảng 299 triệu USD, chỉ còn thấp hơn khoảng 10% cùng kỳ.

Xuất khẩu tôm được dự báo sẽ khởi sắc trong thời gian tới.

Thực tế tại Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thuỷ sản Minh Cường (xã Tắc Vân, TP Cà Mau) trong tháng 3 vừa qua, giá trị hàng xuất khẩu chưa đạt 1 triệu USD. Nhưng từ tháng 4 đến nay, đơn vị này đã xuất lượng hàng trị giá khoảng 4 triệu USD, bằng cùng kỳ năm ngoái.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thuỷ sản Minh Cường, cho biết: Các thị trường lớn của công ty là Trung Quốc, EU, đã nhập hàng trở lại. Thêm vào đó, công tác phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả ở nước ta đã tạo lợi thế cho doanh nghiệp xuất khẩu nói chung và doanh nghiệp xuất khẩu tôm nói riêng trong việc cạnh tranh với các nước khác. Cũng từ đó, công ty Minh Cường giữ nguyên kế hoạch đạt giá trị xuất khẩu 35 triệu USD trong năm nay. Tuy nhiên, sau vài tháng cầm cự, hiện đa phần các doanh nghiệp vừa và nhỏ đều gặp khó khăn trong việc thiếu vốn để thu mua nguyên liệu.

Nguyên nhân tình hình xuất khẩu chuyển biến được Phó giám đốc Sở Công thương Cà Mau Dương Vũ Nam lý giải: "Do một số thị trường truyền thống của mặt hàng tôm nước ta nói chung, Cà Mau nói riêng, như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và một số các nước châu Âu... có động thái nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, cho phép nhập khẩu trở lại. Ngoài ra, các nhà cung cấp lớn là Ấn Độ, Indonesia... đang chịu tác động mạnh từ dịch Covid-19, dự báo sản lượng tôm thế giới giảm trong thời gian tới nên sẽ tạo cơ hội cho con tôm nước ta. “Chúng ta có lợi thế lớn tại thị trường quan trọng là EU do Hiệp định EVFTA dự kiến sẽ có hiệu lực vào tháng 7 tới. Các doanh nghiệp sẽ có lợi thế về thuế quan. Tuy nhiên, yêu cầu của thị trường này rất khó tính nên cũng tiềm ẩn những rủi ro. Doanh nghiệp và người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh cần liên kết chặt chẽ để đảm bảo các tiêu chuẩn. Ngoài ra, trước cơ hội thị trường hồi phục, chúng ta cần nắm bắt thời cơ, đảm bảo các phương án sản xuất để vươn lên”, ông Nam khuyến cáo.

Giá tôm chuyển biến tích cực

Cũng nhờ tình hình xuất khẩu mặt hàng tôm dần ổn định trở lại mà hiện giá tôm nguyên liệu trên địa bàn tỉnh tăng lên. Số liệu từ Sở NN&PTNT Cà Mau cho thấy, hiện tôm sú loại 20 con/kg có giá 175.000 đồng; loại 30 con giá 145.000 đồng, tăng nhẹ so với thời điểm giữa tháng 3. Còn tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg đang được thu mua với giá 86.000 đồng/kg. Mức giá này ổn định từ đầu tháng 5 đến nay. So với thời điểm giá tôm bị giảm sâu nhất do ảnh hưởng của Covid-19 thì đã cao hơn gần 20%. “Các nhà máy đang nâng giá thu mua để dự trữ. Thêm vào đó, nguồn nguyên liệu hiện nay khan hiếm do thời gian vừa qua giá thấp, ít người nuôi. Đặc biệt, độ mặn trong mùa khô tăng cao, nuôi cũng khó thành công nên diện tích thực tế thả nuôi thấp. Theo dự báo, thời gian tới giá tôm sẽ còn tăng”, ông Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc HTX Dịch vụ Nuôi trồng thuỷ sản Cái Bát (xã Hoà Mỹ, huyện Cái Nước) cho biết.

Để ngành thuỷ sản phục hồi, phát triển thời gian tới, trong hội nghị kiểm điểm chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội tháng 4 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải chỉ đạo các sở, ngành liên quan và cấp chính quyền địa phương triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách để thúc đẩy nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh và quảng canh cải tiến. Trong đó, lưu ý dự báo sát nhu cầu, giá cả thị trường đối với từng loại tôm để người dân sản xuất hiệu quả.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước trên địa bàn tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp để thu mua tôm nguyên liệu, kích cầu thị trường. Ngoài ra, việc chủ động tìm đầu ra cho xuất khẩu tôm cũng được lưu ý. "Có những nước dịch bệnh được kiểm soát sớm thì chúng ta cần sớm kết nối lại thị trường. Nhưng cũng có những nước diễn biến dịch vẫn phức tạp, có thể kéo dài hơn nữa thì chúng ta không thể ngồi trông chờ mà phải tìm kiếm thị trường mới. Vấn đề này đòi hỏi sự năng động của ngành công thương và bản thân các doanh nghiệp”, ông Nguyễn Tiến Hải chỉ đạo./.

Vào ngày 23/5 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải tiếp tục ban hành Chỉ thị 05/CT-UBND để khắc phục những hạn chế, khó khăn và thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng nhanh và bền vững. Trong đó, nhấn mạnh vai trò chủ lực của con tôm, khi có liên quan đời sống khoảng 70% dân số trong tỉnh.

Khánh Hưng

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang