• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bình Định: Ngành thủy sản trên đà phát triển

Nguồn tin: Báo Bình Định, 13/01/2020
Ngày cập nhật: 15/1/2020

Những năm qua, ngành thủy sản tỉnh Bình Định từng bước phát triển vượt bậc, luôn giữ vững nhịp độ tăng trưởng trên tất cả các lĩnh vực khai thác, nuôi trồng và chế biến, xuất khẩu, góp phần tích cực thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh.

Theo Sở NN&PTNT, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản giai đoạn 2016 - 2018 của tỉnh tăng bình quân 6,05%/năm. Đây cũng là giai đoạn khai thác thủy sản tiếp tục phát triển với mức tăng 9,4%/năm, nuôi trồng thủy sản cũng tăng 7,6%/năm.

Chế biến cá ngừ đại dương xuất khẩu tại Công ty CP Thủy sản Bình Định.

Toàn tỉnh hiện có khoảng 6.115 tàu cá, trong đó có 3.300 tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên hoạt động tại vùng khơi. Thời gian qua, tỉnh thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển ngành thủy sản nói chung và giúp ngư dân vươn khơi bám biển nói riêng. Ông Nguyễn Việt Hằng, ở phường Hải Cảng (TP Quy Nhơn), chia sẻ: “Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ vốn vay ưu đãi, hỗ trợ nhiên liệu, chi phí mua bảo hiểm tàu cá, đào tạo nghề… giúp ngư dân có điều kiện phát triển đội tàu cá công suất lớn. Tôi có 4 tàu cá đánh bắt xa bờ, trong đó có 1 tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67, đều được trang bị các thiết bị đánh bắt hiện đại giúp tăng sản lượng, nâng cao hiệu quả kinh tế”.

Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản cũng từng bước phát triển, thu hút nhiều DN đầu tư các dự án nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Ông Lương Thanh Văn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Việt - Úc, cho biết: “Chúng tôi đã đầu tư khu phức hợp sản xuất tôm chất lượng cao tại Phù Mỹ với tổng diện tích 300 ha và sắp được tỉnh cho chủ trương mở rộng quy mô lên tới 406 ha, gồm: Khu nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao trong nhà kính và khu nhà máy chế biến xuất khẩu. Đây sẽ là nơi sản xuất ra con tôm đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm soát được vùng nuôi và dịch bệnh, giảm thiểu tối đa những ảnh hưởng đến môi trường xung quanh”.

Mặc dù bị tác động bởi “thẻ vàng” của EC, nhưng các DN xuất khẩu thủy sản trong tỉnh đã tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và tìm kiếm cơ hội tại các thị trường mới để duy trì đà tăng trưởng. Bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Bình Định, cho hay: “Để giảm thiểu rủi ro do “thẻ vàng” của EC, chúng tôi đã giảm xuất khẩu sang châu Âu, tăng xuất khẩu sang thị trường Mỹ và các nước Trung Đông; đồng thời tham dự các đợt hội chợ, quảng bá sản phẩm để tìm kiếm đối tác tiềm năng tại thị trường châu Mỹ. Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu của DN chúng tôi trong năm 2019 đã đạt 68 triệu USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2018 và vượt 5% so với kế hoạch đề ra”.

“Ngành thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn trong nông nghiệp của tỉnh. Riêng sản phẩm cá ngừ đại dương đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) chứng nhận nhãn hiệu “Cá ngừ đại dương Bình Ðịnh”. Tỉnh đã phê duyệt dự án đầu tư của Công ty TNHH Thực phẩm Mãi Tín (Nhật Bản) để triển khai thực hiện chế biến, bảo quản sản phẩm thủy sản (chủ lực là cá ngừ đại dương) kết hợp với dịch vụ du lịch văn hóa của Nhật Bản. Qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả chuỗi liên kết khai thác, thu mua, chế biến cá ngừ đại dương tại Bình Ðịnh”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh TRẦN CHÂU

Năm 2019, tổng sản lượng thủy sản của tỉnh đạt hơn 257 nghìn tấn, tăng 5,6% so với năm 2018. Trong đó, thủy sản khai thác đạt hơn 245 nghìn tấn, thủy sản nuôi trồng đạt hơn 12.000 tấn. Riêng cá ngừ đại dương khai thác đạt 11.323 tấn, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng thủy sản của tỉnh ước đạt 81,2 triệu USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2018.

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản bền vững của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, kế hoạch thực hiện giai đoạn 2021 - 2025, Giám đốc Sở NN&PTNT Phan Trọng Hổ cho biết: Định hướng và mục tiêu chung phát triển ngành thủy sản của tỉnh là tập trung đầu tư hạ tầng các cảng cá, phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá; chuyển giao ứng dụng KHKT trong lĩnh vực khai thác thủy sản, hình thành chuỗi liên kết đánh bắt, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm. Khuyến khích DN đầu tư lĩnh vực chế biến thủy sản, các khu nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao… nhằm thúc đẩy phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững, gắn các dịch vụ kinh tế biển và phục vụ du lịch.

ĐOÀN NGỌC NHUẬN

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang