• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Làm giàu từ đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi

Nguồn tin:  Báo An Giang, 05/03/2019
Ngày cập nhật: 6/3/2019

Chịu khó học hỏi, dám nghĩ, dám làm, nông dân Nguyễn Văn Dũng (xã Vĩnh Châu, TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang) đã áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đa dạng hóa cây trồng và vật nuôi để nâng cao thu nhập gia đình và mở ra hướng sản xuất nông nghiệp mới.

Xuất phát từ 15 công đất trồng lúa như bao nông dân khác, nhưng do giá cả bấp bênh nên năng suất không cao, anh Nguyễn Văn Dũng không thu lại lợi nhuận nhiều từ sản xuất lúa. Nhận thấy cây xoài Đài Loan thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng, anh Dũng mạnh dạn chuyển đổi lập vườn trồng xoài. Bằng sự chăm chỉ và ý chí vươn lên, có thu nhập ổn định từ trồng xoài, anh Dũng tích góp mua đất mở rộng diện tích vườn. Đến nay, gia đình anh đã có 3ha đất vườn để chăn nuôi và trồng các loại cây như: xoài, dừa, mít siêu sớm, sầu riêng, nuôi cá tra bột, nuôi heo rừng… Dù thực hiện nhiều mô hình cùng lúc nhưng sản xuất theo kiểu luân phiên, bố trí khoa học, linh hoạt và tận dụng triệt để thời gian nhàn rỗi nên anh Dũng có thể chăm sóc tốt cây trồng, vật nuôi của mình và cho thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Anh Dũng (bìa trái) trong vườn dưa lưới ứng dụng công nghệ cao

Anh Dũng cho biết, muốn sản xuất hiệu quả và cho lợi nhuận cao, bản thân phải có phương án sản xuất thích hợp với mô hình mình đã lựa chọn, sản xuất theo quy hoạch, đồng thời nắm bắt thông tin và tiếp cận thị trường. Để “lấy ngắn nuôi dài” xoay đồng vốn chăm sóc cho cây ăn trái, anh Dũng đã nghiên cứu cách ương nuôi cá tra bột. Hiện, anh Dũng đào 3 ao ương nuôi cá tra bột theo kiểu xoay vòng liên tục với tổng diện tích khoảng 6.000m2, đây được xem là nguồn thu nhập ổn định. Bên cạnh đó, thấy phần đất trống dưới tán các cây xoài, anh Dũng thử nghiệm mô hình nuôi heo rừng dưới tán xoài. Nhờ nuôi heo rừng dưới tán xoài theo mô hình bán hoang dã nên có nguồn phân chuồng bón cho vườn xoài phát triển và nhẹ công làm cỏ. Anh còn tận dụng thức ăn từ tự nhiên trong vườn như: rau, cỏ và xoài rụng dưới vườn xoài nhằm tiết kiệm chi phí, bảo đảm chất lượng thịt heo. Nhờ cách làm này, sản phẩm heo rừng của anh Dũng được thương lái chọn mua với giá cao. Đến nay, việc nuôi heo rừng dưới tán xoài đã mang lại kết quả “kép”, đàn heo rừng ban đầu chỉ có 5 con, nay đã lên đến 30 con và vườn xoài phát triển tốt, cho thu nhập ổn định. Không chỉ vậy, anh Dũng còn tìm hòi, học hỏi các nhà vườn ở Tiền Giang cách thức, phương pháp và trồng xen gần 200 gốc sầu riêng vào 1.000 gốc mít Thái siêu sớm. “Mít Thái siêu sớm từ lúc trồng đến khoảng 18 tháng sau là có thể thu hoạch trái, còn cây sầu riêng đến hơn 3 năm mới bắt đầu cho trái, như vậy sẽ tận dụng được diện tích đất, mang hiệu quả kinh tế gấp đôi…” - anh Dũng lạc quan.

Chăm sóc đàn heo rừng

Hiện tại, anh Dũng đang tất bật chuẩn bị cho lứa dưa lưới thứ 2 trồng trong nhà màng. Trước Tết Nguyên đán, ngoài sự hỗ trợ 30% chi phí làm nhà màng của TP. Châu Đốc, anh Dũng đã đầu tư gần 500 triệu đồng để trồng thử nghiệm và thành công với 1.000m2 dưa lưới ứng dụng hệ thống tưới tự động và theo dõi quá trình phát triển của cây trên thiết bị di dộng. Thấy mô hình có hiệu quả kinh tế cao, anh Dũng đã đầu tư thêm 1 nhà màng với diện tích 1.000m2 để tiếp tục phát triển dưa lưới. “Sắp tới, tôi sẽ tìm hiểu quy trình, phương pháp nuôi bò và trùn quế để tạo mô hình khép kín tận dụng mọi phụ phẩm từ cây trồng và vật nuôi trong vườn. Qua đó, hạn chế thấp nhất việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hướng đến tiêu chuẩn VietGAP cho các sản phẩm để dễ dàng xuất bán với giá thành cao”.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Châu Nguyễn Nhựt Thắng cho biết, việc tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi để tránh rủi ro, biến động của thị trường cũng như tận dụng tối đa thời gian sản xuất và có thể sử dụng hiệu quả các phế phẩm trong quá trình trồng trọt, chăn nuôi của anh Nguyễn Văn Dũng mang lại hiệu quả kinh tế về nhiều mặt. Sắp tới, Hội Nông dân xã Vĩnh Châu sẽ tiếp tục kiến nghị các cấp, ngành chuyên môn tạo điều kiện, hỗ trợ về vốn cũng như kỹ thuật cho các hộ nông dân mở rộng những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao và phù hợp với mục đích chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Bên cạnh đó, sẽ hướng các tổ hợp tác, hộ nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm.

TRỌNG TÍN

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang