• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Các tỉnh Nam bộ cần khẩn trương có giải pháp hữu hiệu ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn và nguy cơ dịch hại tấn công cây trồng

Nguồn tin:  Cổng TTĐT tỉnh Tiền Giang, 16/12/2019
Ngày cập nhật: 17/12/2019

Ngày 13/12, tại tỉnh Tiền Giang, Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam (Cục Bảo vệ thực vật) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai kế hoạch năm 2020 các tỉnh Nam bộ.

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật đánh giá, năm 2019, công tác bảo vệ thực vật tại các tỉnh Nam bộ thực hiện khá tốt, có thuận lợi và đạt kết quả thể hiện qua việc dịch hại xuất hiện ít hoặc giảm hơn, trong đó, trên cây lúa thì bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá do rầy nâu gây ra, muỗi hành,… có xuất hiện nhưng giảm so với năm trước. Tương tự, trên các cây trồng khác dịch hại cũng trong tầm kiểm soát.

Tuy nhiên, ông Lê Văn Thiệt cảnh báo trong vụ Đông xuân 2019 - 2020 và cả năm 2020, tình hình sản xuất tại các tỉnh Nam bộ đối mặt không ít thách thức, nguy cơ cần các địa phương phối hợp với Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam và bà con có giải pháp chủ động khắc phục ngay từ bây giờ, nhất là hạn hán và xâm nhập mặn diễn biến phức tạp, nguy cơ dịch bệnh tấn công trên cây trồng gây thiệt hại cho sản xuất và đời sống.

Theo ông Lê Quốc Cường, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, mùa khô 2019 - 2020 có nguy cơ thiếu nước và xâm nhập mặn trên diện rộng tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện nay, ngưỡng mặn từ biển Đông theo sông Tiền đã xâm nhập vào tận thành phố Mỹ Tho, sớm hơn cùng kỳ khoảng 40 ngày. Do vậy, các địa phương cần triển khai ngay những biện pháp chủ động ứng phó để bảo vệ trà lúa Đông xuân 2019 - 2020, không để thiên tai gây thiệt hại. Ông cũng khuyến cáo, trong những ngày tới có khả năng bùng phát dịch hại trên các cây trồng chủ lực tại các tỉnh phía Nam, cần đặc biệt chú ý rầy nâu gây hại trên trà lúa Đông xuân thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán; sâu năn có thể bùng phát gây hại trên trà lúa gieo sạ trễ trong tháng 12/2019 và bệnh đạo ôn diễn biến phức tạp do thời tiết lạnh, nhiệt độ thấp trong tháng 12/2019, rầy cánh phấn có thể bùng phát trong các tháng 2 và 3 năm 2020. Đối với các cây trồng khác thì cần đề phòng bệnh khảm virus trên cây sắn, bọ xít muỗi và bệnh thán thư gây hại trên cây điều ở các tỉnh Đông Nam bộ.

Ông Lê Quốc Cường cũng cho biết, đơn vị đặt ra mục tiêu cho năm 2020 là kiên quyết bảo vệ an toàn cho các vụ lúa Đông xuân, Hè thu, Thu đông; chủ động điều tra, dự tính, dự báo ngay từ đầu các vụ sản xuất, đưa ra các biện pháp phòng trừ hiệu quả trước tác động phức tạp của biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ cùng các tỉnh nắm bắt kịp thời tình hình dịch hại để phòng chống hữu hiệu trên từng loại cây trồng; thông báo kịp thời diễn biến dịch hại đến nông dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; tập huấn, chuyển giao cho nông dân kết quả các mô hình quản lý sâu bệnh gây hại đạt hiệu quả cao, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm, đồng thời với đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học ứng dụng có hiệu quả trong quá trình sản xuất, giúp bà con giành những vụ mùa bội thu.

Trong năm 2019, các tỉnh Nam bộ gieo sạ trên 4.246.000 ha, trồng trên 236.000 ha rau màu các loại, gần 372.000 ha cây ăn trái, gần 1,184 triệu ha cây công nghiệp khác. Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam đã thực hiện tốt công tác điều tra, dự tính, dự báo dịch hại trên các loại cây trồng phục vụ sản xuất nên đã phát hiện và quản lý tốt dịch hại ngay ở giai đoạn đầu khởi phát, không để gây những thiệt hại lớn cho sản xuất. Trong đó, các dịch hại mới nổi như sâu keo mùa thu trên cây bắp, bệnh khảm lá sắn trên cây sắn, bọ cánh cứng hại dừa, sâu năn hại lúa, bệnh chổi rồng hại nhãn, sâu đục trái trên cây có múi… được kiểm soát tốt.

Mặt khác, Trung tâm cũng tham mưu Cục Bảo vệ thực vật ban hành các quy trình kỹ thuật quản lý các đối tượng sâu bệnh để nông dân áp dụng quản lý sâu bệnh hại gắn với công tác đào tạo, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật canh tác tiên tiến như: IPM, "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm", công nghệ sinh thái… vào sản xuất, giúp nông dân được mùa bội thu.

Minh Trí

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang