• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Kết quả mô hình trình diễn khuyến nông 'Trồng thâm canh bưởi theo GAP' tạI Huyện Củ Chi

Nguồn tin:  Khuyến Nông TPHCM, 19/11/2019
Ngày cập nhật: 21/11/2019

Ấp Bốn Phú, xã Trung An, huyện Củ Chi có diện tích tự nhiên khoảng 400ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp chiếm trên 130ha, là vùng có truyền thống lâu đời với những vườn cây ăn trái lâu năm như: chôm chôm, sầu riêng, măng cụt và đặc biệt là bưởi.... Bưởi là loại trái chứa nhiều vitamin C, rất có lợi cho sức khỏe như: giúp tăng cường miễn dịch, rút ngắn thời gian bị cảm lạnh, giảm lượng cholesterol xấu cho cơ thể… được các chuyên gia dinh dưỡng khuyên dùng.

Để góp phần phát triển nông nghiệp TP theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và bền vững; đồng thời khuyến khích sản xuất nông nghiệp theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP); từ tháng 11/2018 đến tháng 10/2019, Trạm Khuyến nông Củ Chi thuộc Trung tâm Khuyến nông TP xây dựng mô hình “Trồng thâm canh bưởi theo GAP” cho 10 hộ/5ha tại ấp Bốn Phú, xã Trung An, huyện Củ Chi với tổng kinh phí thực hiện trên 80 triệu đồng, trong đó Khuyến nông hỗ trợ 100% chi phí mua giống bưởi (2.625 cây) và 30% vật tư, phân bón; còn lại 70% vật tư, phân bón là nông dân tự đối ứng. Ngoài ra, các hộ còn được tham dự lớp tập huấn kỹ thuật trồng cây ăn trái các loại theo quy trình VietGAP để áp dụng vào thực tiễn sản xuất cây ăn trái ở địa phương.

Qua một năm theo dõi cho thấy, giống do Trung tâm Khuyến nông cung cấp được dân đánh giá đạt yêu cầu, cây khỏe, lá xanh mướt, tỷ lệ sống đạt trên 90%, cây thích nghi tốt với điều kiện thỗ nhưỡng địa phương và các chỉ tiêu về mặt kỹ thuật đều đạt yêu cầu như: chiều cao trung bình đạt khoảng 1,36m, mỗi cây 2 -3 cành nhánh. Nhiều hộ tham gia mô hình đã bắt đầu tỉa cành, tạo tán cho cây. Trong thời gian chăm sóc, cây bưởi cũng xuất hiện một số bệnh như sâu vẽ bùa, ốc sên. Các hộ đã được cán bộ kỹ thuật theo dõi mô hình khuyến cáo sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ… Bưởi là cây trồng lâu năm, từ khi trồng đến 3 - 4 năm sau mới bắt đầu cho thu hoạch nên hiện nay chưa đánh giá được hiệu quả kinh tế mô hình. Để tăng nguồn thu nhập trong giai đoạn bưởi còn nhỏ, nhiều hộ đã chủ động trồng xen canh “lấy ngắn nuôi dài” các loại cây trồng khác như sả, chuối, ổi .. và đặc biệt là rau móp – một loại rau đặc sản của địa phương thật sự cải thiện đời sống và có tích lũy để mua vật tư phân bón cho cây bưởi.

Theo Ông Nguyễn Văn Buồm, ấp Bốn Phú, xã Trung An, huyện Củ Chi: Hiện nay nhiều nông dân địa phương đang mở rộng diện tích cây ăn trái, trong đó có bưởi để đón đầu khi tuyến du lịch tại xã Trung An chính thức hoạt động. Với mô hình bưởi mà Khuyến nông chuyển giao cho bà con đã đáp ứng đúng định hướng của địa phương và nguyện vọng của người dân. Đến nay mô hình được đánh giá là đạt, bà con rất hoan nghênh. Thời gian tới đề nghị Khuyến nông cần chuyển giao nhiều mô hình có giá trị kinh tế cao phù hợp thổ nhưỡng và thị trường chấp nhận giúp nông dân nâng cao thu nhập.

Phát biểu tại buổi tổng kết, ông Võ Ngọc Đẹp – Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông nhấn mạnh: Từ năm 2016, Cục Trồng trọt đã khuyến cáo diện tích bưởi da xanh ở các tỉnh miền Đông Nam bộ tăng quá nhiều, khả năng thị trường tiêu thụ không đảm bảo, tuy nhiên với xã Trung An, huyện Củ Chi chúng tôi vẫn chuyển giao giống và kỹ thuật trồng, vì đây là địa bàn thuận lợi sẽ phát triển du lịch sinh thái cây ăn trái và là địa phương của TP. Hồ Chí Minh nên lượng sản phẩm cây ăn trái chưa đáp ứng đủ một phần nhu cầu của người tiêu dùng thành phố, hiện nay sản phẩm nông nghiệp chủ yếu nhập từ các tỉnh. Tuy nhiên, chúng tôi không khuyến khích tăng diện tích mà phải tăng cường khâu chăm sóc, bón phân để tăng chất lượng sản phẩm theo nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng là thành công. Với ý kiến cần phát triển mở rộng thêm đối tượng cây trồng là cây rau Móp, đề nghị bà con trong ấp họp lấy ý kiến và tham mưu cho UBND xã tổ chức hội thảo từ đó xã sẽ có định hướng xác định đối tượng cây trồng phù hợp trên địa bàn. Về nguồn lao động phục vụ cho nông nghiệp ngày càng khan hiếm hướng tới xã và UBND huyện và các cấp ban ngành cần tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Ngoài ra, cần tăng cường ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp để giảm được công lao động, giảm chi phí, giúp nông dân phát triển sản xuất, hình thành tổ chức sản xuất áp dụng quy trình sản xuất tạo sản phẩm chất lượng và các dịch vụ sản xuất.

Trúc Minh

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang