• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Yên Thế (Bắc Giang): Chuyện con gà đồi và tư duy mới trong sản xuất

Nguồn tin:  Báo Công Thương, 28/10/2019
Ngày cập nhật: 30/10/2019

Được người dân chăn nuôi đã mấy chục năm, nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, gà đồi Yên Thế (Bắc Giang) mới được tiêu thụ rộng rãi với sản lượng lớn, mang lại thu nhập cao cho hàng chục nghìn hộ gia đình. Từ hiệu quả trông thấy của sản phẩm gà đồi, Yên Thế đã và đang tập trung phát triển một số sản phẩm thế mạnh, dựa trên điều kiện tự nhiên thuận lợi của địa phương. Khi chính quyền đồng hành cùng người chăn nuôi

Là người dành nhiều tâm huyết cho vấn đề phát triển kinh tế của huyện Yên Thế nên ông Vũ Trí Hải – Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Yên Thế - rất tự hào khi chia sẻ về các sản phẩm chăn nuôi hàng hoá của địa phương, đặc biệt là sản phẩm gà đồi Yên Thế.

Với tổng đàn gà duy trì ổn định 4-4,5 triệu con/năm, mỗi năm, Yên Thế xuất bán ra thị trường trên 14 triệu con gà thương phẩm. Nhờ giá gà thương phẩm tương đối ổn định nên giá trị từ chăn nuôi gà của Yên Thế tăng hàng năm, riêng năm 2019 ước tính khoảng 1.500 tỷ đồng.

Chăn nuôi gà đồi đã trở thành một nghề với nhiều hộ nông dân ở Yên Thế; giúp nhiều hộ xóa được đói, giảm được nghèo và vươn lên làm giàu. Đến nay, số hộ nuôi gà ở Yên Thế lên tới hơn 12.000 hộ. Hộ ít nhất cũng vài trăm con, hộ nhiều lên tới vài nghìn con, một số trang trại chăn nuôi lớn còn có quy mô trên 10.000 con.

Gà đồi Yên Thế có chất lượng thơm ngon nhờ được chăn thả tự nhiên ngoài vườn đồi theo hướng an toàn sinh học

“Sau khi gà đồi Yên Thế - vật nuôi đầu tiên trong cả nước - được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận nhãn hiệu (năm 2011), Yên Thế đã triển khai nhiều đề án nâng cao chất lượng gà đồi, đẩy mạnh xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm… Trong đó, điểm nhấn là Hội nghị Xúc tiến tiêu thụ gà đồi Yên Thế năm 2017. Những chương trình này đã dần tạo cho người chăn nuôi gà ở Yên Thế có ý thức lựa chọn từ chất lượng con giống đến chăn nuôi sinh học, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGap. Đặc biệt, việc hình thành các chuỗi “sản xuất – chế biến – tiêu thụ” với sự tham gia của nhiều công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân đã đưa gà thương phẩm của Yên Thế đến được với hệ thống siêu thị và nhà hàng lớn trên cả nước. Nhãn hiệu gà đồi Yên Thế cũng đã được bảo hộ sở hữu công nghiệp tại 3 nước Lào, Trung Quốc và Singapore” – ông Vũ Trí Hải cho biết.

Với những cố gắng này, đến nay, gà đồi Yên Thế không chỉ là sản phẩm chủ lực của huyện Yên Thế, mà đã trở thành sản phẩm đặc trưng của tỉnh Bắc Giang. Ông Nguyễn Xuân Hiếu - chủ một trong những trang trại gà lớn ở Yên Thế - chia sẻ: “Hai mươi năm nuôi gà, tôi đã chứng kiến rất nhiều thăng trầm của người nuôi gà ở Yên Thế. Nay có sự đồng hành của chính quyền, của các cơ quan, ban ngành… người nuôi gà ở Yên Thế rất yên tâm vì nếu chăn nuôi đảm bảo an toàn, chất lượng thì sẽ không còn phải lo về đầu ra cho sản phẩm”.

Nông nghiệp gắn với du lịch – Chuyện hôm nay…

Từ hiệu quả thu được sau những bước đi đúng với sản phẩm gà đồi, mấy năm trở lại đây, huyện Yên Thế tiếp tục xây dựng thành công nhãn hiệu cho các sản phẩm có thế mạnh như: Chè Yên Thế, chè xanh Bản Ven, dê núi Hồng Kỳ, mật ong hoa rừng Yên Thế. Trong đó xác định, cơ cấu lại sản xuất theo hướng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chất lượng cao, gắn với sơ chế, chế biến và tiêu thụ nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Hiện, Yên Thế đã có tổng đàn dê hơn 13.000 con, sản lượng đạt 800 tấn/năm, doanh thu đạt trên 130 tỷ đồng. Tổng đàn ong đạt trên 8.000 đàn, sản lượng mật an toàn, tự nhiên là trên 90 tấn. Sản phẩm chè xanh 530ha, diện tích chè kinh doanh là 480ha, năng suất đạt 9-10 tấn/ha/năm, tổng sản lượng chè búp tươi đạt trên 4.300 tấn/năm. Nhiều sản phẩm của Yên Thế đã đến được với các thị trường tiêu thụ lớn như: Quảng Ninh, Ninh Bình, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hà Nội…

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường tham quan các gian hàng giới thiệu sản phẩm của Yên Thế

Việc hình thành được những vùng sản xuất lớn, sản phẩm chất lượng, cùng với những tiềm năng du lịch sẵn có, chính là nền tảng để Yên Thế tính tới vấn đề phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái, miệt vườn, trải nghiệm, nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân.

Tại Diễn đàn Xúc tiến đầu tư phát triển nông nghiệp, du lịch và tiêu thụ gà đồi Yên Thể tổ chức mới đây tại Yên Thế, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - ông Nguyễn Xuân Cường - bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ với định hướng phát triển nông nghiệp gắn với du lịch của Yên Thế. Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Yên Thế có tới 120 di tích lịch sử, có Lễ hội gắn với người anh hùng áo vải Hoàng Hoa Thám… Cùng với đó là nhiều công trình văn hoá dân gian, các điểm du lịch sinh thái hấp dẫn. Đây chính là điều kiện để Yên Thế có thể phát triển du lịch gắn với trải nghiệm và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. “Lễ hội cũng là một hoạt động bán hàng thời đại. Khách du lịch cũng chính là những người tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và giới thiệu các sản phẩm này đến với những người khác” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Đại diện huyện Yên Thế ký kết hợp tác với Sở Công Thương các tỉnh trong thực hiện chuỗi liên kết sản xuất – chế biến – tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp Yên Thế

Với định hướng chung của đất nước là không đô thị hóa một cách ồ ạt, mà tập trung xây dựng những miền quê đáng sống, giàu bản sắc; hướng tới sản xuất các sản phẩm đặc sản, lợi thế... Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhìn nhận: Nếu Yên Thế biết khai thác hiệu quả 80% diện tích đất đồi núi để phát triển các sản phẩm thế mạnh như: Gà, dê, chè… thì hoàn toàn có thể trở thành vùng kinh tế sinh động. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng đặc biệt lưu ý, Yên Thế phải quan tâm đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã để kêu gọi các đơn vị này tham gia vào các khâu sản xuất, chế biến, thương mại… bởi đây chính là những nòng cốt, giường cột quan trọng giúp sản xuất hàng hóa đạt được hiệu quả và giá trị cao nhất.

Hoàng Mai

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang