• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Ứng phó với biến đổi khí hậu: Đảm bảo sinh kế cho người dân

Nguồn tin:  Báo Phú Yên, 15/08/2019
Ngày cập nhật: 16/8/2019

Người dân huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên chuyển diện tích trồng mía, sắn sang trồng đậu. Ảnh: ANH NGỌC

Hàng năm, Phú Yên phải hứng chịu nhiều dạng thiên tai do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhất là bão lũ, nắng hạn, xâm nhập mặn… Trước thực trạng này, UBND tỉnh đã có kế hoạch hành động ứng phó và yêu cầu các địa phương triển khai các giải pháp chuyển đổi cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm đảm bảo sinh kế cho người dân một cách bền vững.

Thời tiết ngày càng khắc nghiệt

Theo Sở TN-MT, trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay theo kiểu thời tiết điển hình là nền nhiệt độ tăng cao, điều này khiến cho tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn ở tỉnh ta ngày càng nghiêm trọng. Đây là nguyên nhân dẫn đến mất đất sản xuất của người dân, gây khó khăn đối với trồng trọt, chăn nuôi và rất dễ phát sinh các loại bệnh trên cây trồng, vật nuôi.

Theo kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng, nếu nước biển dâng 50cm thì khoảng 0,55% diện tích của Phú Yên có nguy cơ bị ngập và khi mực nước biển dâng lên 1m thì diện tích bị ngập ở tỉnh ta tăng lên 1,08%. Đặc biệt, các địa phương ven biển có nguy cơ ngập cao là huyện Đông Hòa (7,28%) và huyện Tuy An (4,46%).

Theo bà Lê Đào An Xuân, Phó Giám đốc Sở TN-MT, nước biển dâng sẽ làm mất đất sản xuất, đất lâm nghiệp và đất thổ cư cũng bị thu hẹp. Thực tế nhiều năm qua, do mực nước biển tăng cao, một số khu vực ven biển đã ăn sâu vào đất liền vài trăm mét. Tốc độ bình quân bị xâm thực hàng năm từ 10-20m, có nơi như thôn Hòa An, xã Xuân Hòa (TX Sông Cầu) và thôn Long Thủy, xã An Phú (TP Tuy Hòa) bị xâm thực khoảng 25-35m/năm.

“Thực tế đã chứng minh, những năm gần đây trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều thiên tai có nguồn gốc từ biến đổi khí hậu. Các hiện tượng này có chiều hướng tăng về cường độ, tần suất và diễn biến khó lường. Những hậu quả từ biến đổi khí hậu đưa đến là rất nghiêm trọng, kéo theo những thiệt hại về kinh tế, đời sống của người dân cũng như môi trường…”, bà Xuân nói.

Còn theo Sở NN-PTNT, tình trạng nước biển dâng và xâm nhập mặn kết hợp với hạn hán trên diện rộng cũng khiến cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh càng khó khăn hơn. Theo thống kê năm 2014, Phú Yên có hơn 575ha đất trồng lúa vụ hè thu không có nước để gieo sạ, phải chuyển đổi sang cây trồng khác và đến nay thì diện tích lúa phải chuyển đổi sang cây trồng khác tăng thêm khoảng 400ha.

Hiện toàn tỉnh có khoảng 600ha đất bị nhiễm mặn, tập trung chủ yếu ở các địa phương ven biển. Bên cạnh đó, do nắng hạn kéo dài khiến nguy cơ cháy rừng luôn ở mức cao và các địa phương miền núi, ven biển phải chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt. Ông Hồ Hữu Như, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (Sở NN-PTNT), cho biết: Hiện thời tiết vẫn tiếp tục nắng nóng kéo dài, tính đến cuối tháng 7/2019, đã có hơn 10.000 hộ dân trên địa bàn tỉnh thiếu nước sinh hoạt.

Triển khai giải pháp phù hợp

Trước thực trạng biến đổi khí hậu ngày càng bất lợi, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch hành động để ứng phó. Theo đó, nội dung quan trọng nhất được xác định là các chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi đất sản xuất bị ảnh hưởng sang trồng các loại cây thích ứng nhằm đảm bảo sinh kế cho người dân.

Ông Phạm Đình Phụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, cho biết: Huyện Sơn Hòa quyết liệt trong chuyển đổi cây trồng để phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu, nhất là tình trạng khô hạn xảy ra ngày càng gay gắt như hiện nay. Tuy nhiên, hiệu quả việc chuyển đổi này chưa được như ý muốn. Khó khăn nhất đang gặp phải là địa phương đã có quy hoạch hẳn hoi nhưng người dân vẫn còn tự phát trong sản xuất. Khi cây sắn xuống giá, nông dân chuyển sang trồng mía và ngược lại khi cây mía rớt giá, nông dân lại trồng sắn, trồng dưa hấu, thậm chí có hộ trồng keo. Hệ lụy dẫn đến là lúc thừa, lúc thiếu và hiệu quả kinh tế rất bấp bênh.

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Những năm qua, tỉnh có nhiều nguồn ngân sách của Trung ương và địa phương để thực hiện các chính sách, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cho người dân. Các mô hình đều hướng tới xây dựng sản phẩm chất lượng cao, phùhợp với điều kiện thời tiết ngày càng khắc nghiệt và có khả năng nhân rộng. Cụ thể như mô hình sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu tại xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa); mô hình ứng dụng khoa học công nghệ để trồng và chế biến cây dược liệu cà gai leo tại xã An Mỹ (huyện Tuy An). Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng hơn 20 mô hình cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích trên 2.400ha. Tỉnh đang tập trung đầu tư xây dựng một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực, như xây dựng các vùng trồng lúa chất lượng cao. Tại các vùng có điều kiện tự nhiên phù hợp sẽ tập trung phát triển cây dược liệu và cây gia vị gắn với doanh nghiệp chế biến xuất khẩu… Mặc dù ở Phú Yên đã có những mô hình chuyển đổi sản xuất nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, nhưng sự bất ổn của thị trường và cả sự lúng túng trong việc chuyển đổi ở địa phương khiến cho hiệu quả mang lại chưa thực sự bền vững.

Phú Yên là địa phương có đường bờ biển dài gần 190km, người dân sinh sống nhờ vào các ngành nghề liên quan đến biển như đánh bắt, chế biến, nuôi trồng thủy sản, làm muối… là rất lớn. UBND tỉnh đã có đề xuất đến các nhà khoa học, mới đây nhất là Viện Địa lý nhân văn (thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) quan tâm nghiên cứu sâu về lĩnh vực kinh tế biển. Vì đây là một trong những nhóm ngành nghề quan trọng ở Phú Yên nhưng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu và ảnh hưởng lớn đến sinh kế cũng như nguồn lực phát triển kinh tế của địa phương.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế

ANH NGỌC

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang