• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Tận dụng cơ hội CPTPP

Nguồn tin:  Báo An Giang, 21/01/2019
Ngày cập nhật: 22/1/2019

Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 14-1-2019. Tuy nhiên, để tận dụng tốt thời cơ cũng như hạn chế thách thức do CPTPP mang lại, doanh nghiệp không thể “ngồi chờ” mà cần có những bước chuẩn bị theo hướng chủ động.

Cơ hội cho xuất khẩu

Ngay khi CPTPP có hiệu lực, cơ hội xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam là rất lớn. Theo Bộ Công thương, các nước CPTPP cam kết xóa bỏ hoàn toàn từ 97 - 100% số dòng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam, tùy theo cam kết của từng nước. Có thể hiểu là gần như toàn bộ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào các nước CPTPP khác sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi hiệp định này có hiệu lực hoặc theo lộ trình.

Lúa, gạo là một trong những mặt hành hưởng lợi từ CPTPP

Cùng với Việt Nam, đã có 6 nước phê chuẩn CPTPP, gồm: Canada, Nhật Bản, Mexico, Úc, Singapore và New Zealand. Bộ Công thương cho biết, tất cả các cam kết với Việt Nam trong CPTPP đã chính thức có hiệu lực ở các quốc gia này. Trong đó đáng chú ý nhất là Singapore sẽ xóa bỏ hoàn toàn thuế quan đối với tất cả các mặt hàng ngay khi thực hiện hiệp định.Canada không kém cạnh khi xóa bỏ thuế nhập khẩu cho 95% số dòng thuế và 78% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang nước này. Đặc biệt, 100% kim ngạch xuất khẩu thủy sản và gỗ được xóa bỏ thuế quan ngay. Úc cắt giảm 93% số dòng thuế (của khoảng 2,9 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam); Mexico thấp hơn nhưng cũng cam kết xóa bỏ 77,2% số dòng thuế ngay khi CPTPP có hiệu lực.

Theo Bộ Công thương, dù kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang New Zealand còn thấp nhưng quốc gia này đã xóa bỏ 94,6% số dòng thuế cho hàng hóa Việt Nam ngay khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực. Số dòng thuế được xóa bỏ ngay tương đương với 69% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này (khoảng 101 triệu USD).Tương tự, Nhật Bản xóa bỏ 86% số dòng thuế (tương đương 93,6% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản). Đáng chú ý, với CPTPP, Nhật Bản lần đầu tiên cam kết xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu cho phần lớn số nông, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.

Phát huy thế mạnh thủy sản

Đối với tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp như An Giang, Hiệp định CPTPPmở ra thị trường rất lớn khi hầu hết các sản phẩm nông sản đều được hưởng lợi về thuế. Ngay với thị trường khó tính như Nhật Bản, nếu như trước đây, Việt Nam không đạt được thỏa thuận xóa bỏ thuế quan cho nhiều mặt hàng thủy sản thì nay, với CPTPP, các sản phẩm thủy sản của Việt Nam được xóa bỏ thuế quan ngay khi hiệp định có hiệu lực. Đối với các quốc gia còn lại trong CPTPP, Việt Nam cũng đạt được mức tiếp cận thị trường khá tốt cho thủy sản khi xuất sang khu vực CPTPP. Về cơ bản, mặt hàng thủy sản (trừ cá ngừ đóng hộp, cá viên) có xuất xứ Việt Nam sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi hiệp định có hiệu lực hoặc sau 3 năm. Đây được xem là cơ hội “vàng” cho các sản phẩm cá tra và tôm càng xanh của An Giang. Tuy nhiên, theo Sở Công thương, các doanh nghiệp cần nghiên cứu, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu vào CPTPP để tăng lợi thế cạnh tranh.

CPTPP mở ra thị trường lớn cho An Giang, trong đó có thủy sản

Theo những cam kết trong CPTPP, khi tất cả các quốc gia thành viên đều phê chuẩn hiệp định, hàng hóa Việt Nam sẽ xuất đi 10 nước (Nhật Bản, Úc, Canada, Chile, Peru, Malaysia, Brunei, New Zealand, Mexico, Singapore) với những ưu đãi thuế khá cao. Ngược lại, hàng hóa của 10 nước này cũng sẽ xuất hiện tại thị trường Việt Nam với giá thấp hơn. Tuy nhiên, Sở Công thương cho biết, không cần quá lo lắng tình trạng hàng hóa giá rẻ tràn vào Việt Nam bởi lộ trình giảm thuế ở mức vừa phải.Hơn nữa, 7 trong số 10 thành viên trong CPTPP đã có Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam (gồm Nhật Bản, Úc, Chile, Malaysia, Brunei, New Zealand, Singapore), chỉ có 3 nước chưa ký FTA với Việt Nam là Canada, Mexico và Peru. Lâu nay, hàng hóa từ 3 thị trường mới này không xuất khẩu nhiều vào Việt Nam nên kỳ vọng hàng hóa Canada, Mexico, Peru sẽ xuất hiện nhiều và giá thấp ở Việt Nam là rất khó xảy ra.

Như vậy, Hiệp định CPTPP đang tạo ra thị trường rộng mở cho rất nhiều hàng hóa của An Giang. Vấn đề tiếp theo là các doanh nghiệp, nhà sản xuất cần nghiên cứu kỹ và sâu về hiệp định, tranh thủ tham khảo ý kiến các chuyên gia kinh tế, những doanh nhân có kinh nghiệm trong lĩnh vực xuất khẩu, từng tận dụng thành công những Hiệp định thương mại tự do (FTA) trước đây để có bước chuẩn bị phù hợp, đón đầu cơ hội. “Cũng như các FTA khác, CPTPP không phải là “mỏ vàng lộ thiên”, muốn khai thác được cần phải có kế hoạch đúng đắn. Đường đã thông nhưng xe có chạy được không và đi được bao xa còn tùy thuộc vào chất lượng xe cũng như lượng nhiên liệu nhiều hay ít. Thị trường đã mở nhưng nếu không chủ động tìm hiểu, thâm nhập thì cũng không chiếm lĩnh được” – một chuyên gia kinh tế phân tích.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang