• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Khởi nghiệp Nông nghiệp - Chọn hướng để thành công - Kỳ cuối: Hiện thực hóa giấc mơ cùng nông dân làm giàu

Nguồn tin:  Báo Vĩnh Long, 06/08/2019
Ngày cập nhật: 7/8/2019

Từ 15 thành viên với 11,5ha, sau 2 năm thành lập, hiện HTX Sản xuất- Dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt đã tăng lên 65 thành viên với hàng trăm hecta lúa an toàn, hữu cơ.

Đam mê, kiên trì trên hành trình triển khai ý tưởng, dự án khởi nghiệp từ nông nghiệp, nhiều người trong số đó không chỉ đã làm giàu cho mình mà còn lan tỏa phương thức làm ăn hiệu quả cho cộng đồng.

Họ chia sẻ, noi theo lời Bác: “Làm cho người nghèo thì đủ ăn, người đủ ăn thì khá giàu, người khá giàu thì giàu thêm”, nên dốc sức cùng địa phương giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nông dân, thực hiện các tiêu chí “mềm” trong xây dựng nông thôn mới…

Đưa nông dân vào sản xuất lớn

Từ 3 công ruộng, vợ chồng chị Lê Thị Nga và anh Đoàn Văn Tài ở ấp Kinh (xã Trung Ngãi- Vũng Liêm) mạnh dạn thử nghiệm sản xuất lúa an toàn, lúa hữu cơ và nghiên cứu nâng cao giá trị hạt lúa sau thu hoạch…

Đến nay, anh chị đã có trong tay 3ha ruộng và 1ha vườn. Bên cạnh, Hợp tác xã (HTX) Sản xuất- Dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt do anh làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc từ 15 thành viên/11,5ha hiện đã tăng lên 65 thành viên với hơn 62ha chuyên sản xuất lúa giống, lúa an toàn, lúa hữu cơ.

Ngoài ra, HTX còn liên kết với nông dân hơn 400ha. Phần lớn sản phẩm được bao tiêu và hiện ở TP Hồ Chí Minh, các tỉnh- thành ĐBSCL đều có đại lý. Riêng trà gạo lứt cung cấp ra thị trường khoảng 400 kg/tháng với giá 100.000 đ/kg cho doanh thu 40 triệu đồng/tháng.

Để đưa xã Trung Ngãi về đích nông thôn mới, việc thực hiện tiêu chí 13 về tổ chức sản xuất là rất đáng quan tâm. Theo đó, xã phải có HTX, có mô hình liên kết gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững.

Lúc bấy giờ, tổ hợp tác sản xuất lúa giống của vợ chồng anh Đoàn Văn Tài và chị Lê Thị Nga là một trong những tổ hợp tác làm ăn có hiệu quả của địa phương.

Tổ hợp tác đã thực hiện liên kết sản xuất lúa gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị bằng cách đại diện nông dân ký hợp đồng với các công ty hoặc doanh nghiệp cung ứng vật tư và tiêu thụ sản phẩm cho dân. Năm 2017, tổ hợp tác sản xuất lúa giống đã chính thức chuyển lên thành HTX Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt.

Canh cánh nỗi lo khi “thấy làm lúa xịt phân, thuốc nhiều” nên khi việc trồng lúa hữu cơ “manh nha” ở các địa phương, năm 2011, anh chị tìm mua 2kg lúa tím ở tỉnh Thanh Hóa về trồng thử.

Đến nay, diện tích được mở rộng gần 1ha và ra mắt thêm sản phẩm trà gạo lứt. Anh Tài cho biết, để khẳng định chất lượng và đưa sản phẩm đi xa hơn, HTX đang đầu tư xây dựng nhà kho, máy xay xát hơn 2 tỷ đồng và đang làm giấy chứng nhận lúa hữu cơ đạt chuẩn Châu Âu.

Bên cạnh được bao tiêu, sản phẩm của HTX Tấn Đạt có mặt TP Hồ Chí Minh và các tỉnh- thành ĐBSCL qua các đại lý.

Bà Đặng Thị Mỹ Tiên- chuyên viên Quản lý kinh tế tập thể, Phòng Tài chính Kế hoạch huyện Vũng Liêm- cho biết: HTX Tấn Đạt là một trong những HTX làm ăn có hiệu quả nhất, được chọn làm điểm để chỉ đạo nhân rộng mô hình.

Cũng bắt tay từ khởi nghiệp nông nghiệp rồi thành lập HTX, Nguyễn Văn Thảo (sinh năm 1990, ở Thuận Thới- Trà Ôn) đã góp phần cùng địa phương xây NTM về tổ chức sản xuất. HTX Nông nghiệp Thuận Thới chuyên nuôi bò kết hợp nuôi trùn quế do anh Thảo là phó giám đốc, phụ trách kinh doanh và kỹ thuật được thành lập năm 2018 với 15 thành viên (nay là 18 thành viên).

Chia sẻ về lý do chuyển hướng thành lập HTX so dự định ban đầu là thành lập công ty, anh Nguyễn Văn Thảo nói: Hiểu được những vất vả của nghề nông nên tôi luôn trăn trở tìm cách giúp nông dân nâng cao thu nhập, làm giàu trên mảnh đất của mình.

Việc thành lập HTX là cách để giải quyết “bài toán” về tận dụng phế phẩm và tiến dần đến nông nghiệp hữu cơ. Hiện, bên cạnh hỗ trợ thành viên, HTX thu mua phân bò, hỗ trợ con giống trả chậm và thu mua thành phẩm, hỗ trợ sinh viên tới nghiên cứu, thực tập. Dự định trong năm nay sẽ xúc tiến mở rộng thị trường sang Campuchia.

Mở rộng cánh cửa cho khởi nghiệp nông nghiệp

Là đơn vị tổ chức thường niên cuộc thi khởi nghiệp vùng ĐBSCL, bà Huỳnh Thiên Trang- Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ- cho hay, những năm qua, số lượng các dự án tham gia thi chưa có tính mới chiếm hơn 90%, các dự án khởi nghiệp sáng tạo chưa đầy 10%.

Về phía Vĩnh Long, bà Huỳnh Thiên Trang cho rằng, việc tỉnh thành lập Hội đồng Tư vấn khởi nghiệp để tư vấn, hỗ trợ kịp thời cho chương trình khởi nghiệp của tỉnh rất cần thiết. Theo đó, có thể phối hợp với mạng lưới khởi nghiệp ĐBSCL để cùng thực hiện hoạt động khởi nghiệp của tỉnh.

Hiệu quả từ các ý tưởng, dự án khởi nghiệp góp phần nâng cao giá trị sản phẩm từ nông nghiệp.

Ông Trương Đặng Vĩnh Phúc- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư cho hay, cũng như nhiều địa phương khác, Vĩnh Long rất quan tâm, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện chương trình khởi nghiệp.

Tỉnh đã có những chủ trương, chính sách rộng mở đón nhận các ý tưởng mới và chương trình hành động cụ thể khuyến khích hoạt động khởi nghiệp sáng tạo. Năm 2016, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình khởi nghiệp giai đoạn 2016- 2020.

Đồng thời, đã thành lập Hội đồng tư vấn khởi nghiệp; đã phê duyệt đề án thành lập Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp của tỉnh với vốn điều lệ khi thành lập là 10 tỷ đồng nhằm hỗ trợ nguồn vốn ban đầu. Đồng thời, tỉnh cũng ban hành đề án xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp nhằm tạo ra các hoạt động khởi nghiệp bài bản, thiết thực hơn và đón nhận nhiều hơn các ý tưởng, dự án khởi nghiệp.

Hàng năm, tỉnh đều xây dựng chương trình khởi nghiệp gắn với hoạt động đổi mới, sáng tạo trong quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp… để tạo ra những sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao cũng như thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm….

Tuy còn nhiều khó khăn nhưng ông Trương Đặng Vĩnh Phúc khẳng định: Vĩnh Long đã, đang và sẽ tiếp tục mở rộng cánh cửa cho các hoạt động khởi nghiệp hình thành và được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để phát triển.

Ông Nguyễn Tường Nam- Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh- nhấn mạnh: Cần có những lực nâng từ phía cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan nhà nước để không chỉ hỗ trợ mà là truyền cảm hứng, nuôi dưỡng niềm tin để người khởi nghiệp dấn thân sâu hơn vào thực hiện ý tưởng, dự án.

Theo đó, tỉnh cần quan tâm những ý tưởng, dự án khai thác tài nguyên bản địa, nguyên liệu tại địa phương trong đó chú trọng khai thác thế mạnh nông nghiệp. Ông cũng cho biết thêm, thời gian qua, các hội viên Hội Doanh nhân trẻ tỉnh đã hỗ trợ các doanh nghiệp và các bạn trẻ khởi nghiệp.

Theo đó, hội đã mở cửa hàng bán những sản phẩm đặc trưng địa phương, xây dựng website giới thiệu về các sản phẩm Vĩnh Long, về du lịch, văn hóa và con người Vĩnh Long,…

“Hiện làm ra sản phẩm không quá khó nhưng làm sao đưa được những sản phẩm đó ra thị trường, cách thức thương mại như thế nào- đó mới là chuyện quan trọng”- ông Nguyễn Tường Nam nói.

Riêng về khởi nghiệp nông nghiệp, ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT cho rằng, đối với ý tưởng khởi nghiệp lĩnh vực nông nghiệp không cần phải “quá cao siêu” nhưng cần có “yếu tố mới”.

Người khởi nghiệp có thể tận dụng đất đai, nhà xưởng, trang trại, ruộng rẫy của gia đình nhưng nên tiến thêm một bước, chẳng hạn như sơ chế, chế biến để nâng cao giá trị nông sản sau thu hoạch.

Ông cũng cho rằng, để có thêm ý tưởng, dự án khởi nghiệp nông nghiệp thành công, tỉnh cần mở rộng đối tượng tham gia, “xúc tiến” những ý tưởng, dự án từ người khởi nghiệp trong và ngoài tỉnh; tạo môi trường thuận lợi nhất để triển khai vào thực tế… Về phía người khởi nghiệp, cần am hiểu, nắm bắt nhu cầu thị trường, linh hoạt thay đổi chiến lược phù hợp.

Trong khi nông nghiệp là mảnh đất màu mỡ cho khởi nghiệp thì mở rộng cánh cửa khởi nghiệp cũng là mở cửa cho khởi nghiệp nông nghiệp chắp cánh.

Tuy nhiên, với thế mạnh nông nghiệp và số lượng ý tưởng, dự án khởi nghiệp nông nghiệp chiếm đa số, nên chăng, tỉnh cần có một “cơ chế đặc thù” cho hoạt động khởi nghiệp từ nông nghiệp nhằm “thu hút đầu tư” thật nhiều ý tưởng, dự án khởi nghiệp thành công. Qua đó, sẽ có thêm nhiều nông dân làm giàu ngay trên mảnh đất của mình, đưa sản xuất nông nghiệp ngày càng phát triển và hội nhập..

Khởi nghiệp nông nghiệp để làm giàu đẹp quê hương

“Tôi học ở Bác Hồ tinh thần dân tộc, đưa đất nước từ nô lệ giành lấy độc lập tự do, từ nghèo đói trở thành một nước đang phát triển như hiện nay… Là một người con của làng quê, tôi muốn làm giàu trên quê hương bằng chính suy nghĩ và lối đi riêng. Tôi cho rằng, lựa chọn khởi nghiệp- “đầu tư chất xám” nông nghiệp, mạnh dạn trở thành nông dân thời đại mới là cách để nâng cao chất lượng, giá trị nông sản, từ đó góp phần giúp quê hương thêm giàu đẹp”- anh Nguyễn Thanh Tân (Bình Hòa Phước - Long Hồ) nói.

Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN - XUÂN TƯƠI

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang