• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Kiên Giang và tiềm năng phát triển nông nghiệp

Nguồn tin:  Cổng TTĐT tỉnh Kiên Giang, 26/06/2019
Ngày cập nhật: 29/6/2019

Thế mạnh trong kinh tế nông nghiệp của tỉnh vẫn là cây lúa và con tôm. Những năm qua, tỉnh đã và đang tích cực đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng, tăng cường kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

DẪN ĐẦU VỀ SẢN LƯỢNG TÔM, LÚA

Với diện tích đất nông nghiệp 574.400ha, ngư trường đánh bắt rộng lớn, tạo điều kiện thuận lợi đưa Kiên Giang trở thành tỉnh dẫn đầu cả nước về sản xuất lúa gạo và thủy sản, góp phần đảm bảo an ninh lương thực phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Nông dân thu hoạch tôm thẻ chân trắng nuôi trong ao lót bạt 2 giai đoạn tại xã Nam Thái (An Biên).

Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiêp theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững, trong lĩnh vực sản xuất lúa gạo, các địa phương trong tỉnh nâng diện tích đất sản xuất lúa 2 vụ năm 2019 lên 289.000ha, diện tích đất lúa - tôm 70.000ha. Trong cơ cấu mùa vụ sản xuất, tỉnh đã linh hoạt chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ 2 vụ lúa lên 3 vụ lúa/năm. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp phối hợp các địa phương xây dựng mô hình cánh đồng lớn áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến theo hướng VietGAP. Năm 2018, diện tích cánh đồng lớn trong tỉnh đạt 75.000ha, tỷ lệ lúa chất lượng cao chiếm 76,54% diện tích gieo trồng. Với những nỗ lực của ngành nông nghiệp trong việc khai thác hiệu quả sản xuất lúa, ứng dụng khoa học kỹ thuật, cải tiến quy trình canh tác nên năng suất và chất lượng lúa gạo ngày càng nâng lên, góp phần đưa Kiên Giang trở thành tỉnh dẫn đầu cả nước về sản lượng lúa. Năm 2018, sản lượng lúa gạo của tỉnh đạt 4,2 triệu tấn.

Trên lĩnh vực thủy sản, Kiên Giang đã thực hiện tốt việc khai thác thế mạnh là tỉnh có ngư trường đánh bắt rộng lớn trên 63.290km2, nguồn thủy sản đa dạng, phong phú. Với đội tàu 10.640 chiếc, công suất bình quân 270CV/tàu. Những năm qua, tỉnh khuyến khích bà con ngư dân đánh bắt xa bờ. Đồng thời, đầu tư các trang thiết bị khai thác thủy sản hiện đại để tăng sản lượng, góp phần đưa sản lượng thủy sản khai thác năm 2018 của tỉnh đạt 560.000 tấn. Bên cạnh đó, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm nước lợ phát triển nhanh tại các huyện vùng tứ giác Long Xuyên, U Minh Thượng, sản lượng tôm nuôi đạt trên 73.600 tấn vào cuối năm 2018.

TĂNG CƯỜNG ĐẦU TƯ CHO NÔNG NGHIỆP

Từ nay đến năm 2020, tỉnh tiếp tục thực hiện đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị nông sản của tỉnh. Trong lĩnh vực sản xuất lúa gạo, tỉnh tiếp tục thực hiện rà soát điều chỉnh quy hoạch chuyên canh lúa chất lượng cao 100.000ha tại các huyện vùng Tây sông Hậu, tứ giác Long Xuyên, bổ sung thêm vùng luân canh tôm - lúa các huyện vùng U Minh Thượng. Đầu tư bổ sung hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi, điện, trạm bơm, cơ giới hóa các khâu sản xuất và áp dụng công nghệ cao vào quy trình sản xuất. Đối với vùng U Minh Thượng, tỉnh xây dựng vùng lúa đặc sản trên nền tôm - lúa canh tác theo quy trình sản xuất hữu cơ.

Đối với nuôi tôm công nghiệp vùng tứ giác Long Xuyên và U Minh Thượng, tỉnh tập trung đầu tư hệ thống điện, kênh cấp nước và tiêu nước hoàn chỉnh, xây dựng trạm quan trắc môi trường tự động; xây dựng vùng tôm công nghệ cao, áp dụng đồng bộ các quy trình công nghệ nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng thâm canh và siêu thâm canh đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ASC, BAP. Đối với vùng nuôi tôm lúa quảng canh vùng U Minh Thượng áp dụng quy trình nuôi tôm sinh thái, sạch gắn với bảo vệ môi trường bền vững.

Theo đồng chí Đỗ Minh Nhựt - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để khuyến khích, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho các doanh nghiệp muốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Ngân sách tỉnh tiếp tục đầu tư cho khuyến nông công nghệ cao phục vụ tập huấn, đào tạo và chuyển giao công nghệ ứng dụng vào sản xuất. Đồng thời, đầu tư trang, thiết bị công nghệ kỹ thuật cho các đơn vị sự nghiệp khoa học của tỉnh nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ mới phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp tỉnh nhà.

THÙY TRANG

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang