• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Kiên Giang: Sản xuất nông nghiệp bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu

Nguồn tin:  Cổng TTĐT tỉnh Kiên Giang, 25/06/2019
Ngày cập nhật: 27/6/2019

Sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP, ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu, nông nghiệp tỉnh Kiên Giang với hai thế mạnh kinh tế chủ lực là lúa và thủy sản tập trung sản xuất theo hướng an toàn, bền vững, hiệu quả.

Thực hiện Nghị quyết này, tỉnh Kiên Giang chủ động rà soát, xây dựng, triển khai các quy hoạch, kế hoạch phát triển hai lĩnh vực lúa và thủy sản phù hợp với điều kiện nguồn lực, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Ưu tiên đầu tư các dự án, công trình nâng cao khả năng chống chịu biến đổi khí hậu, nước biển dâng như: Dự án rà soát, điều chỉnh quy hoạch nông nghiệp - nông thôn gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; đề án phát triển giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản; chương trình phát triển nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp vùng Tứ giác Long Xuyên và U Minh Thượng; dự án rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp tỉnh Kiên Giang; đề án phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, hiệu quả; dự án khu phức hợp ứng dụng công nghệ cao phát triển chuỗi tôm hiệu quả và bền vững…

Làm đất xuống giống vụ lúa Hè Thu ở xã Mỹ Thái, huyện Hòn Đất (Kiên Giang).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Mai Anh Nhịn cho biết: Ngành nông nghiệp Kiên Giang đã có sự chuyển dịch từ trồng lúa một vụ năng suất thấp sang nuôi trồng thủy sản, phát triển lúa - tôm, nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân. Đặc biệt, tỉnh chuyển đổi từ cơ cấu 2 vụ lúa Đông Xuân - Hè Thu sang cơ cấu 3 vụ lúa Đông Xuân - Hè Thu - Thu Đông ở những diện tích có đê bao kiểm soát lũ đảm bảo an toàn tại 2 huyện Tân Hiệp, Giồng Riềng thuộc vùng Tây sông Hậu và huyện Hòn Đất ở vùng Tứ giác Long Xuyên. Khu vực ven biển vùng U Minh Thượng và Tứ giác Long Xuyên chuyển đổi sang phát triển mô hình tôm - lúa cho hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, chuyển đổi từ đất 2 vụ lúa sang phát triển mô hình lúa - màu tại một số địa phương ở các huyện Giang Thành, Hòn Đất, Vĩnh Thuận, Giồng Riềng…

Cụ thể như tại huyện Vĩnh Thuận, nông dân Phạm Hùng Em, ấp Bình Minh, xã Vĩnh Bình Bắc huyện này chia sẻ: Sản xuất vụ lúa - vụ màu, lợi nhuận trồng màu từ 200 triệu đồng/ha/vụ trở lên, xóa độc canh cây lúa. Nông dân ở đây sau khi thu hoạch lúa Đông Xuân thì xuống giống dưa gang, dưa hấu, dưa hoàng kim, dưa lê…, năng suất bình quân 18 - 20 tấn/ha đã giúp nhiều nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Tiếp đến, Kiên Giang phát triển nhanh nuôi tôm thâm canh - bán thâm canh, quảng canh cải tiến năng suất cao, tăng diện tích nuôi tôm công nghiệp - bán công nghiệp vùng Tứ giác Long Xuyên và tăng năng suất tôm - lúa vùng U Minh Thượng. Đặc biệt, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp 2 giai đoạn trên ao lót bạt theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, an toàn, bền vững và hiệu quả ở huyện An Minh. Ông Lê Văn Khanh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Minh cho biết, mô hình này thực hiện trên địa bàn, phát triển trong 2 năm qua. Trong số 20 mô hình đã triển khai thực hiện thì hơn 90% thành công, mở ra mô hình nuôi tôm mới cho nông dân, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp. Nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp 2 giai đoạn trên ao và hồ lót bạt, lợi nhuận 150 - 200 triệu đồng/vụ/hồ 500 - 1.200 m², nuôi 2 - 3 vụ/năm. Mô hình hiệu quả, an toàn, bền vững hơn so với nuôi tôm công nghiệp truyền thống trong ao đất và huyện tiếp tục nhân rộng mô hình trong thời gian tới.

Sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu không thể không nhắc đến mô hình lúa - tôm mà nhiều nông dân vùng ven biển Kiên Giang xem đây là “mô hình sản xuất thông minh”. Mỗi năm Kiên Giang sản xuất theo mô hình này hơn 92.000 ha, tập trung ở các huyện Vĩnh Thuận, An Biên, An Minh và Hòn Đất. Nông dân thu về 2 nguồn lợi kinh tế trên cùng 1 ha đất sản xuất khoảng 4 tấn lúa và từ 250 kg tôm sú trở lên. Ưu điểm, vượt trội của mô hình sản xuất lúa - tôm là thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu và nước biển dâng đang ngày càng diễn biến phức tạp.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, để sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững và hiệu quả trong điều kiện biến đổi khí hậu, tỉnh thực hiện cánh đồng lớn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm từ hơn 62.500 ha năm 2017 tăng lên 75.000 ha năm 2018. Hơn 20 doanh nghiệp, hộ kinh doanh liên kết sản xuất kinh doanh, hỗ trợ giúp nông dân ổn định đầu vào sản xuất, đầu ra sản phẩm. 100% diện tích tham gia cánh đồng lớn áp dụng “1 phải - 5 giảm”, sử dụng giống đạt phẩm cấp, áp dụng sạ thưa, nông dân sản xuất lúa ký kết tiêu thụ lợi nhuận 40%.

Tỉnh nghiên cứu thành công việc chọn, tạo, nhân giống lúa bằng phương pháp hiện đại trong công nghệ sinh học, có thời gian sinh trưởng ngắn, thích nghi với điều kiện biến đổi khí hậu, có khả năng chống chịu mặn, dịch bệnh, năng suất cao đạt tiêu chuẩn xuất khẩu như giống lúa GKG1, GKG9… Nông dân ứng dụng sản xuất các giống lúa năng suất cao, chất lượng tốt ngày càng tăng, tỷ trọng lúa chất lượng cao toàn tỉnh tăng dần lên hơn 75% năm 2018, góp phần đạt hơn 4,2 triệu tấn lúa, dẫn đầu cả nước về sản lượng, phục vụ xuất khẩu gạo và tăng thu nhập cho nông dân trồng lúa.

Trên lĩnh vực nuôi tôm, tỉnh đẩy mạnh đầu tư phát triển cơ sở sản xuất tôm giống, đáp ứng khoảng 30% nhu cầu con giống nuôi hiện nay. Từng bước áp dụng công nghệ trong nuôi tôm để chuyển nuôi tôm từ phương thức quảng canh - quảng canh cải tiến sang nuôi tôm công nghiệp - bán công nghiệp ở những nơi có điều kiện; ứng dụng các quy trình thực hành sản xuất tốt theo tiêu chuẩn quốc tế và quốc gia trong nuôi tôm như GAP, GlobalGAP…

Thu hoạch tôm thẻ chân trắng ở xã Vân Khánh Đông, huyện An Minh (Kiên Giang).

Cùng với đó, Kiên Giang tập trung nguồn lực đầu tư hệ thống thủy lợi, từng bước đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp trồng lúa và nuôi tôm, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Cụ thể là xây dựng hệ thống 15 cống thủy lợi trên tuyến đê biển An Biên - An Minh để kiểm soát mặn, giữ ngọt cho sản xuất vùng U Minh Thượng; nạo vét hàng ngàn km kênh mương, nâng cấp hàng trăm công trình thủy lợi nội đồng, cống thủy lợi và đầu tư hơn 1.250 trạm bơm trên các vùng sản xuất Tứ giác Long Xuyên, Tây sông Hậu, U Minh Thượng.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Mai Anh Nhịn nhấn mạnh: “Sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Kiên Giang tiến độ còn chậm. Nguyên nhân chủ yếu do đây là chương trình có quy mô lớn với nhiều dự án, nhiệm vụ cần được thực hiện, nhưng điều kiện nguồn vốn ngân sách còn khó khăn, hạn chế dẫn đến việc triển khai thực hiện chương trình thiếu tính chủ động. Trong 2 năm qua, chủ yếu là lồng ghép các chương trình, dự án. Trong thời gian tới, tỉnh kiến nghị, đề xuất Trung ương chỉ đạo hoàn thành, phê duyệt kế hoạch thực hiện Nghị quyết; danh mục chương trình, dự án và nguồn vốn đầu tư. Thường xuyên tổ chức hội thảo, tọa đàm trao đổi kinh nghiệm tuyên truyền, cung cấp thông tin mới về phát triển bền vững đông bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu./.

Lê Huy Hải

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang