• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Ninh Bình: Nho Quan hình thành vùng sản xuất cây, con hàng hóa, đặc sản

Nguồn tin:  Báo Ninh Bình, 24/06/2019
Ngày cập nhật: 25/6/2019

Thực hiện Đề án phát triển một số cây trồng, vật nuôi là đặc sản có lợi thế ở địa phương, những năm qua, nhiều hộ gia đình, tổ hợp, HTX trên địa bàn huyện Nho Quan đã được hỗ trợ về vốn, giống và kỹ thuật để phát triển một số cây, con là đặc sản theo hướng hàng hóa, từng bước đáp ứng nhu cầu của thị trường, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Nông dân xã Văn Phương (Nho Quan) chăm sóc cây cà chua trái vụ.

Mô hình trồng cây cà chua trái vụ của ông Bùi Văn Cương, thôn Ngài, xã Văn Phương được xây dựng, thực hiện và duy trì mấy năm nay vẫn cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Ông Cương cho biết: Trong gần 2 mẫu ruộng, ông dành 1 mẫu trồng lúa, còn lại 1 mẫu quay vòng các cây hoa màu như khoai sọ, dưa chuột, cà chua đúng vụ...

Năm 2017, khi được tuyên truyền, xây dựng mô hình trồng 5 sào cây cà chua trái vụ giống TH1 của Trường Đại học Nông nghiệp I, gia đình ông phấn khởi và sẵn sàng học tập, thực hiện các biện pháp kỹ thuật theo hướng dẫn của Trung tâm Nghiên cứu khoa học nông – vận (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam).

Do thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, cây cà chua đã phát triển phù hợp với vùng đất và cho giá trị kinh tế cao. Ước mỗi sào cà chua cho thu hoạch trên dưới 10 triệu đồng, cao hơn gấp nhiều lần so với trồng lúa và các cây màu khác như dưa chuột, khoai sọ, bí xanh. Hiện gia đình ông Cương vẫn tiếp tục duy trì số diện tích trồng cà chua trái vụ bởi đã có kinh nghiệm sản xuất và cho giá trị kinh tế cao, đầu ra ổn định.

Dê núi là con nuôi đặc sản của nhiều hộ dân trên địa bàn các huyện Hoa Lư, Gia Viễn, Nho Quan... và đã được xã Xích Thổ lựa chọn để xây dựng và đăng ký thương hiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương. Đến nay, xã đã thành lập được HTX nuôi dê Xích Thổ với hàng chục người đăng ký tham gia vào HTX. Tại đây, các hộ chăn nuôi cùng nhau chia sẻ kỹ thuật, kinh nghiệm trong chăn nuôi dê, cùng hỗ trợ, chia sẻ để có đầu ra ổn định.

Như gia đình anh Đinh Xuân Hòa, thành viên HTX nuôi dê Xích Thổ, hiện anh đang nuôi số lượng 40 con dê. Anh Hòa cho biết, từ khi chuyển đổi từ nuôi lợn sang nuôi dê cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn. Đặc biệt trong quá trình chăn nuôi, các thành viên trong HTX có thể chia sẻ với nhau về kỹ thuật chăn nuôi, con giống, thức ăn... và có đầu ra với giá cả ổn định. Với hiệu quả đạt được, anh Hòa đang tính toán mở rộng thêm đàn dê để nâng cao giá trị kinh tế con nuôi.

Tại xã vùng cao Cúc Phương, những năm qua người dân trong xã đã tích cực nghiên cứu, học hỏi và đưa nhiều con nuôi đặc sản như dê núi, lợn rừng, hươu, nai, nhím, ong, các loại chim, gà rừng quý hiếm vào chăn nuôi và từng bước nhân rộng các mô hình cho hiệu quả.

Điển hình như hộ chăn nuôi của gia đình bác Nguyễn Chí Hanh, thôn Nga 2, một trong những hộ gia đình chăn nuôi hươu và nhím đầu tiên ở xã, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng, mang lại cuộc sống đầy đủ, sung túc cho gia đình nhiều năm nay. Mấy năm gần đây, do tuổi cao, ít lao động, bác thu gọn chỉ nuôi vài chục con hươu, con nhím, tập trung nuôi hươu lấy nhung, giữ nguồn thu nhập ổn định đảm bảo cuộc sống.

Đồng chí Đinh Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã Cúc Phương cho biết: Hiện trên địa bàn xã Cúc Phương có trên 200 hộ chăn nuôi các con nuôi đặc sản, hàng hóa như hươu, nai, nhím, gà rừng, dê, bò, lợn Mường..., cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Nắm được lợi thế từ chăn nuôi, chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, tổ chức nhiều lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật và các lớp tham quan, học tập tại các địa phương có cùng đặc thù về địa lý, khí hậu để bà con học hỏi, xây dựng mô hình và áp dụng vào sản xuất, đăng ký xây dựng thương hiệu mật ong Cúc Phương, nhung hươu Cúc Phương,…. Từ đó mở rộng thị trường, tạo đầu ra ổn định, giúp người dân nâng cao thu nhập từ những loại cây, con đặc sản truyền thống của địa phương.

Những năm gần đây, để thực hiện hiệu quả Đề án phát triển một số cây trồng, vật nuôi là đặc sản có lợi thế trên địa bàn, UBND huyện Nho Quan đã xây dựng kế hoạch, rà soát điều kiện thực tế và giao chỉ tiêu cụ thể cho mỗi địa phương đăng ký thực hiện mỗi xã một sản phẩm đặc thù.

Đồng thời chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể liên quan tăng cường công tác tập huấn chuyển giao KHKT cho người dân, đặc biệt là lồng ghép tất cả các nguồn vốn thuộc Chương trình 135, chương trình nông thôn mới để hỗ trợ các hộ gia đình, tổ hợp tác, HTX đầu tư, nhân rộng mô hình phát triển sản xuất, chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Trong đó, đối với vật nuôi, huyện Nho Quan tập trung phát triển chăn nuôi con lợn mường, gà rừng dê núi, ong, hươu... Đối với cây trồng, tập trung vào các loại cây như khoai sọ, các cây rau màu trái vụ theo hướng Vietgap, lúa nếp cau, mía…

Đặc biệt năm 2018, Hội Nông dân huyện đã phối hợp với chính quyền xã Xích Thổ phục tráng giống khoai lang Hoàng Long, vốn là cây trồng đặc sản nổi tiếng của vùng đất Xích Thổ với diện tích 2 ha... với mong muốn ngày càng có nhiều các mô hình mới trong sản xuất nông nghiệp để đảm bảo an toàn thực phẩm và tăng giá trị trên diện tích canh tác cho nông dân.

Có thể nói, sau một thời gian thực hiện Đề án phát triển một số cây trồng, vật nuôi là đặc sản lợi thế của địa phương, nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện Nho Quan được lựa chọn thực hiện làm điểm các mô hình bước đầu đã có sản phẩm và cho thu nhập.

Huyện Nho Quan cũng đã khai trương cửa hàng nông sản an toàn trên địa bàn, nhằm giới thiệu, bày bán và tiêu thụ những sản phẩm đặc trưng của địa phương; đồng thời một số tổ hợp, cá nhân trên địa bàn cũng hình thành mạng lưới, tổ chức thu mua, tiêu thụ nông sản an toàn cho bà con, tạo điều kiện để người nông dân phấn khởi, tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình, tạo việc làm và tăng thu nhập cho nông dân, nâng cao hiệu quả kinh tế trên diện tích canh tác.

Bài, ảnh: Hạnh Chi

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang