• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Sản xuất nông nghiệp: Bỏ tư duy ‘giải cứu’. Bài 2: Cần ‘giải cứu’ về tư duy

Nguồn tin:  Báo Đồng Nai, 08/05/2019
Ngày cập nhật: 10/5/2019

Ai cũng hiểu, việc quanh năm đến hẹn lại “giải cứu” nông sản là điều không nên tồn tại. Vì đây chỉ là giải pháp tạm thời, không đặt được dấu chấm hết cho vòng luẩn quẩn “được mùa mất giá” đang đẩy người nông dân vào cảnh thua lỗ, nợ nần.

Dù sầu riêng chỉ xuất khẩu đi Trung Quốc theo đường tiểu ngạch nhưng nông dân vẫn đua nhau trồng khiến giá cây giống này tăng gấp đôi so với mọi năm. Ảnh chụp tại một vườn cây giống ở huyện Tân Phú. Ảnh: B.Nguyên

Trước khi dồn lực cho những cuộc “giải cứu” nông sản, điều cấp thiết hơn là phải “giải cứu” về tư duy quản lý cũng như tư duy sản xuất nông nghiệp lạc hậu, chạy theo sản lượng, chưa quan tâm đến chất lượng và thương hiệu khiến bài toán thị trường vẫn bị bỏ ngỏ.

* Bỏ tư duy “ăn xổi”

Theo đánh giá của ông Phan Văn Danh, Phó chủ nhiệm Hội Doanh nhân Việt kiều Úc, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ chăn nuôi Xuân Phú (huyện Xuân Lộc), chăn nuôi Việt Nam phát triển nhanh nhưng người chăn nuôi quá nóng vội và chỉ nhìn về lợi nhuận trước mắt nên xảy ra tình trạng lạm dụng kháng sinh, chất cấm gây mất lòng tin nơi người tiêu dùng.

Đưa ra góc nhìn khác về cơn khủng hoảng thịt heo vào năm 2017, ông Danh cho rằng: “Đây là “cú sốc” cần thiết giúp sàng lọc, loại bỏ bớt những yếu kém của ngành chăn nuôi, cũng là cơ hội để người chăn nuôi nhìn lại, thay đổi tư duy sản xuất. Đồng thời, là dịp để cơ quan chức năng ngồi lại đánh giá và đưa ra những chính sách sát thực tế hơn, quan tâm tổ chức lại nguồn dữ liệu thông tin về ngành chăn nuôi để cân đối hoạt động sản xuất”.

Cũng chính lối tư duy chạy theo năng suất, lợi nhuận trước mắt này là căn nguyên khiến nông dân vẫn làm theo lối “ăn xổi”, trì trệ trong chuyển đổi sang hướng sản xuất an toàn, trọng chất hơn lượng.

Là tỉnh có tổng đàn heo lớn nhất nước, vài năm trở lại đây, Đồng Nai đã triển khai nhiều chương trình truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm chăn nuôi. Được hưởng lợi chính từ các chương trình thí điểm trên là người chăn nuôi. Nhưng chính sự thờ ơ của họ lại đang là rào cản trong ứng dụng công nghệ cao xây dựng thương hiệu sản phẩm chăn nuôi bằng uy tín chất lượng.

Phó chủ tịch UBND huyện Thống Nhất Nguyễn Đình Cương nhận xét, triển khai chương trình truy xuất nguồn gốc cho heo đã khó, duy trì nó lại càng khó hơn vì người chăn nuôi vẫn làm theo kiểu ứng phó. Ngay cả khi có thông tin dịch tả heo châu Phi xuất hiện ở Việt Nam, thịt heo có nguồn gốc, đảm bảo về chất lượng được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn thì cũng chỉ các trang trại chăn nuôi lớn quan tâm; hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn rất thờ ơ.

Cũng theo ông Cương: “Chỉ những chương trình khai báo về đàn heo khi được nhận hỗ trợ thì người chăn nuôi mới chủ động cung cấp thông tin. Còn lại, họ thường tránh né hoặc cung cấp thông tin chưa chính xác nên rất khó trong quản lý tổng đàn”.

* Triệt tận gốc “căn bệnh” phong trào

Trước những cơn khủng hoảng về thị trường nông sản hay khi tiếp cận những chương trình khuyến nông, hỗ trợ, nông dân có cùng một sự quan tâm là “với chương trình này, chúng tôi được hỗ trợ, giúp đỡ gì?”. Chính sự bị động này là rào cản nông dân hình thành tư duy mới, năng động khi bước vào hội nhập.

Vườn ươm giống cho dự án cánh đồng lớn ca cao tại Cty Ca cao Trọng Đức

Nhiều năm nay, Đồng Nai ưu tiên hỗ trợ nông dân thực hiện chứng nhận GAP (thực hành nông nghiệp tốt) cho hàng loạt các mặt hàng nông sản: rau, trái cây, sản phẩm chăn nuôi... Phong trào sản xuất VietGAP, GlobalGAP khi bắt đầu thì khá rầm rộ, thu hút đông đảo nông dân tham gia rồi dần im hơi, lặng tiếng. Nhiều vùng GAP không được tái chứng nhận và hầu như không có mấy thương hiệu hay sản phẩm GAP tạo được uy tín, thương hiệu trên thị trường.

Theo TS.Nguyễn Đăng Nghĩa, nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu đất, phân bón và môi trường phía Nam, doanh nghiệp nước ta còn coi nhẹ thị trường nội địa. Đừng nghĩ chỉ làm nông sản sạch để xuất khẩu. Chính vì nghĩ như vậy nên chúng ta thua ngay trên sân nhà vì người tiêu dùng đang bỏ tiền mua gạo, thịt, trái cây nhập khẩu do không tin tưởng chất lượng nông sản nội địa.

Ông Ngô Văn Thân, Phó giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp - dịch vụ Tân Triều (huyện Vĩnh Cửu) thừa nhận: “Lần đầu làm chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, nông dân được Nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí. Nhưng hầu hết nông dân không thực hiện việc tái chứng nhận. Điều đáng buồn hơn là không ít vườn bưởi trong vùng sản xuất theo hướng GAP xuất hiện tình trạng cây bị suy kiệt. Nguyên nhân chủ yếu là do các chủ vườn bỏ luôn quy trình sản xuất sạch, chạy theo lợi nhuận, lạm dụng phân thuốc để ép cây cho sản lượng cao”.

Cùng nỗi xót xa, bà Nguyễn Thị Kim Mai, chủ trang trại trồng các loại đặc sản mãng cầu dai hạt lép, xoài cát Hòa Lộc... tại xã Phú Ngọc (huyện Định Quán) ngậm ngùi: “Tôi đã tiếp nhiều khách hàng Nhật Bản đến đặt vấn đề xuất khẩu đặc sản trái cây Đồng Nai. Tôi vận động nông dân sản xuất sạch để xuất khẩu. Nhưng đa số họ lại chờ được hỗ trợ, chờ bán được giá cao mới chuyển đổi. Đây cũng là lý do trái cây Việt Nam rất ngon, rất phong phú nhưng nông dân mình vẫn nghèo hơn so với nông dân nhiều nước”.

* Làm mới tư duy quản lý

Khi nông sản “bí” đầu ra, nông dân là nạn nhân và cũng là người bị quy trách nhiệm đầu tiên. Nhưng cũng không thể bỏ quên sự lúng túng trong việc tìm những giải pháp căn cơ từ phía các cơ quan quản lý nhà nước. Chất lượng nông sản vàng thau lẫn lộn, đầu ra bấp bênh do nhiều vấn đề chứ không hoàn toàn chỉ là câu chuyện sản xuất.

Vườn ươm giống chuối cấy mô ở huyện Xuân Lộc

Hàng chục năm qua, hầu hết các chương trình khuyến nông của Việt Nam, từ việc đổi giống mới, ứng dụng khoa học - kỹ thuật cao... đều hướng tới mục tiêu đạt sản lượng tối đa. Cùng với đó là sự tôn vinh những “vua” xoài, “vua” bắp, “vua” tiêu... đứng đầu về năng suất. Trong khi đó, cả cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, nông dân đều chưa quan tâm đúng mức, thậm chí mơ hồ về vấn đề quan trọng hàng đầu là thị trường tiêu thụ.

Theo đó, ngành nông nghiệp liên tục chứng kiến sự “vỡ trận” về quy hoạch, hết tăng trưởng “nóng” cây cao su, cà phê, tiêu rồi lại chặt tiêu, cà phê chuyển sang trồng chuối, sầu riêng, mít... Trong đó, có nguyên nhân rất lớn các cơ quan nhà nước chưa thể hiện rõ vai trò trong quản lý.

Là chuyên gia tư vấn về đầu tư cho các chủ doanh nghiệp Việt kiều ở Úc, ông Phan Văn Danh chỉ ra điểm yếu của thị trường nông sản Việt Nam: “Các nước có nền nông nghiệp phát triển cao trên thế giới thường tổ chức rất tốt về nguồn dữ liệu thông tin nên dự đoán được thị trường nông sản một cách chính xác trong nhiều năm liền để điều chỉnh sản xuất cho khớp. Trong khi đó, thông tin về ngành chăn nuôi của ta rất ít dữ liệu, có thì cũng thiếu chính xác và tính tổng quát nên quy hoạch chăn nuôi còn xa thực tế và cũng khó dò về mặt thị trường”.

Chất lượng nông sản vàng thau lẫn lộn, đầu ra bấp bênh cũng do khâu quản lý còn nhiều yếu kém. TS.Nguyễn Đăng Nghĩa, nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu đất, phân bón và môi trường phía Nam chia sẻ: “Bản thân tôi không quá tin tưởng vào các chứng nhận GAP vì khâu quản lý còn thiếu sự minh bạch khiến thị trường này vẫn vàng thau lẫn lộn. Tôi ủng hộ các tổ chức xã hội nghề nghiệp tự nguyện, phi lợi nhuận tham gia kiểm tra, giám sát về chất lượng nông sản; góp tay vào sự minh bạch cho thị trường thực phẩm”.

Bình Nguyên – Kim Ngân

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang