• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Xây dựng chuỗi giá trị con tôm biển, bài 2: Còn bất cập đầu vào, đầu ra

Nguồn tin: Báo Đồng Khởi, 23/08/2019
Ngày cập nhật: 24/8/2019

Nghề nuôi tôm biển đã phát triển rất nhanh và có tầm quan trọng rất lớn trong phát triển kinh tế tại địa phương. Tuy vậy, người nông dân hiện nay hầu như “tự bơi” trong việc mua con giống từ đầu vào và đến đầu ra khi thu hoạch. Trong khi đó, việc xây dựng chuỗi giá trị con tôm biển còn nhiều bất cập, yếu kém cần phải giải quyết để hướng đến phát triển bền vững.

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại huyện Thạnh Phú, Bến Tre. Ảnh: Hoàng Mai

Từ chất lượng con giống…

Nghề nuôi tôm biển tại tỉnh Bến Tre phát triển hơn 20 năm với sản lượng rất lớn, khoảng 56 ngàn tấn/năm nhưng điều nghịch lý là cả đầu vào và đầu ra phục vụ cho con tôm đều chưa đáp ứng được nhu cầu. Hiện tại, toàn tỉnh có khoảng 80 cơ sở sản xuất tôm giống, trong đó có 3 cơ sở lớn, còn lại đều nhỏ lẻ. Ông Huỳnh Văn Cung - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết: “Hàng năm, nhu cầu của người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh cần khoảng 7,5 tỷ con giống nhưng các cơ sở trong tỉnh chỉ đáp ứng được khoảng 2 tỷ con. Vì vậy, hầu hết người nuôi đều mua con giống ở các cơ sở, doanh nghiệp ngoài tỉnh như: Bạc Liêu, Vũng Tàu, Ninh Thuận, Bình Thuận...”.

Hiện tại, có hàng trăm cơ sở sản xuất tôm giống trong và ngoài tỉnh giới thiệu sản phẩm đến tận ao nuôi với nhiều hình thức khuyến mãi (tặng thêm tôm giống), người nuôi chủ yếu dựa theo kinh nghiệm để chọn mua. Hầu hết nông dân đều chọn những cơ sở lớn, làm ăn uy tín. Ông Võ Văn Ê, người nuôi tôm lâu năm ở xã Vĩnh An (Ba Tri) cho biết: “Hiện nay, người nuôi tôm đau đầu nhất là con giống vì không biết tin vào ai được, cơ sở thì giới thiệu giống tốt, mau lớn nhưng khi thả nuôi thì bị chết giữa chừng, làm người nuôi thiệt hại”.

Trong thời gian qua, người nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng chủ yếu mua tôm giống từ các tỉnh trong khu vực và miền Trung như: TP. Cần Thơ, Bạc Liêu, Ninh Thuận, Bình Thuận... Ông Lê Hoàng Dũng, ngụ xã Bình Thới (Bình Đại) nhận định: “Hiện nay, có hàng trăm loại tôm giống khác nhau được quảng cáo rầm rộ với khuyến mãi tặng thêm 50%, thậm chí 100% con giống. Tuy nhiên, hầu hết các cơ sở đều ở ngoài tỉnh, chất lượng không thể biết được nên người nuôi thường chọn theo cảm tính, đến khi phát sinh dịch bệnh thì chỉ biết ngậm ngùi. Một số hộ nuôi mua tôm giống ở các công ty lớn, uy tín lâu năm nhưng ở tận miền Trung nên tốn nhiều chi phí vận chuyển, kéo theo giá cao”.

Sản xuất con giống đã yếu kém, ngành chế biến tôm thì hầu như chưa phát triển. Toàn tỉnh có 13 nhà máy chế biến thủy sản phục vụ chế biến xuất khẩu với công suất thiết kế 150 ngàn tấn/năm nhưng chủ yếu sản xuất, chế biến các sản phẩm từ cá tra, nghêu, chưa có nhà máy chế biến tôm. Gần như sản lượng tôm thu hoạch phải chở sang Sóc Trăng, Trà Vinh hay Bạc Liêu để chế biến. Người nuôi tôm chủ yếu bán cho thương lái rồi vận chuyển đến các nhà máy trong khu vực để tiêu thụ hoặc bán cho thương lái tiêu thụ ở các chợ nội địa. Do đó, giá tôm nguyên liệu thấp hơn một số vùng trong khu vực.

Đến đầu ra sản phẩm

Thời gian gần đây, tỉnh tập trung xây dựng chuỗi giá trị con tôm biển nhằm hướng đến sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, việc liên kết từ đầu vào đến đầu ra đều gặp rất nhiều khó khăn. Cả 3 hợp tác xã (HTX) nuôi tôm tại 3 huyện ven biển đều hoạt động kém hiệu quả. Tại HTX dịch vụ thủy sản Định Trung (Bình Đại), được thành lập từ ngày 3-5-2018, với 33 xã viên, diện tích nuôi 6,73ha. Vốn ban đầu của HTX do các xã viên đóng góp dự kiến là 304 triệu đồng, nhưng đến nay chưa góp được đồng nào vì xã viên chỉ hứa miệng. Hầu như HTX chỉ thành lập cho có chứ chưa có sự liên kết, ký hợp đồng mua con giống, thức ăn hay bao tiêu sản phẩm cho bà con xã viên.

Ông Trần Quốc Hải - Chủ tịch UBND xã Định Trung cho biết: “Sau đại hội xã viên khoảng 2 tháng, UBND xã kêu gọi một công ty sản xuất tôm giống ký hợp đồng cung ứng giống cho bà con xã viên với giá bằng giá đại lý. Sau đó, có 4 hộ mua, nhưng ngay thời điểm cuối vụ xảy ra dịch bệnh, tôm chết nên bà con bị thua lỗ. Từ đó đến nay không ký hợp đồng, HTX cũng chẳng có hoạt động gì. Hướng tới, UBND xã kiến nghị giải thể HTX để thành lập HTX nông nghiệp gồm trồng, kinh doanh dừa và thủy sản có sự liên kết từ đầu vào đến đầu ra”.

HTX nuôi tôm thâm canh Vĩnh An (Ba Tri) cũng trong tình cảnh tương tự. HTX thành lập năm 2017, diện tích 60ha với 97 xã viên. Các xã viên đã góp vốn 470 triệu đồng nhưng toàn bộ đều bỏ trong ngân hàng chứ chưa sử dụng vì HTX chưa ký hợp đồng mua con giống, thức ăn hay bao tiêu sản phẩm cho bà con xã viên. Ông Võ Văn Ê - Giám đốc HTX cho biết: “Do nghề nuôi tôm cần số vốn rất lớn nên số tiền xã viên góp chẳng thấm vào đâu. Trong khi đó, việc tiếp cận vốn ngân hàng rất khó khăn vì HTX không có tài sản thế chấp. Vì vậy, sau khi thành lập HTX đến nay, chẳng có ký một hợp đồng nào để mua giống, hay thức ăn cho bà con xã viên mà tất cả đều mua thông qua đại lý, cơ sở như trước đây. Đến khi thu hoạch thì doanh nghiệp cần số lượng lớn trong khi nông dân không thả nuôi đồng loạt nên cũng chưa ký hợp đồng tiêu thụ sau khi thu hoạch. Vì vậy, xã viên tự kêu thương lái bán như các hộ nuôi khác không vô HTX”.

Theo ông Ê, sắp tới, HTX dự định sẽ ký hợp đồng với đại lý lớn để cung ứng thức ăn cho bà con xã viên nhằm được giá ưu đãi nhưng không biết có thực hiện được không. Hiện tại, hoạt động của HTX hết sức khó khăn, cần có sự giúp sức từ các cấp, các ngành.

Ông Trần Văn Dư - Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX nông nghiệp Mỹ An (Thạnh Phú) cho biết, HTX thành lập từ tháng 8-2018, với 60 xã viên tham gia nhưng hiện tại chỉ có 40 xã viên đóng góp vốn trên dưới 55 triệu đồng, số còn lại chưa đóng góp, do chưa thiết tha với hoạt động của HTX. HTX có tổng diện tích là 80,15ha, trong đó có 19,8ha nuôi thâm canh, 64,35ha nuôi tôm sú - lúa. Thời gian qua, Chi cục Thủy sản có hướng dẫn, chuẩn bị thủ tục mời tổ chức tư vấn, đánh giá chứng nhận vùng nuôi HTX nông nghiệp Mỹ An đạt tiêu chuẩn VietGAP trong năm 2019. Tiếp tục liên kết đầu ra với doanh nghiệp Ngọc Ánh, Hồng Vân, Phương Hà và cung cấp thức ăn với các đại lý của công ty Thăng Long, CP tại Mỹ An. Tuy nhiên, xã viên hầu hết đều không tích cực tham gia, chỉ làm cho có rồi mạnh ai nấy làm. Từ ngày thành lập đến nay, HTX chỉ được hỗ trợ 20 triệu đồng lúc thành lập và chưa tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi nào từ phía ngân hàng. Ngay cả trụ sở HTX cũng chưa có, nếu sinh hoạt thì nhờ điểm của nhà giám đốc HTX.

Theo ông Huỳnh Văn Cung - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, nguyên nhân của những hạn chế trên là do công tác tuyên truyền, vận động ở một số địa phương còn hạn chế, nên nhận thức về chuỗi giá trị chưa được đầy đủ, sâu sắc. Nhận thức việc thành lập HTX của một số ngành, địa phương và của chính bản thân người nông dân chưa thực đúng với bản chất của mô hình HTX kiểu mới.

Nông dân đăng ký tham gia vào tổ hợp tác (THT), HTX chưa thật sự tự nguyện, còn có tâm lý vào THT, HTX để được hỗ trợ hưởng lợi từ các chính sách; ý thức của đa số nông hộ về “mua chung, bán chung” vẫn chưa cao, đa số thành viên tự mua vật tư sản xuất, tự tìm thương lái bán hàng.

Người nuôi quen với phương thức canh tác cũ, chưa áp dụng các cải tiến kỹ thuật nuôi mới nên năng suất chưa cao, rủi ro lớn, từ đó mang lại hiệu quả thấp (chọn con giống nuôi trôi nổi không rõ nguồn gốc, mật độ thả tôm lúa cao hơn 20 con/m2...) và tính trách nhiệm cộng đồng chưa cao.

Cơ sở hạ tầng tại các khu vực triển khai các HTX, THT còn hạn chế: thiếu điện phục vụ sản xuất, giao thông chưa hoàn chỉnh nên khó khăn trong vận chuyển hàng hóa, từ đó chi phí sản xuất cao.

Mối liên kết giữa người nuôi và các doanh nghiệp đầu vào như thức ăn, con giống chưa bền vững. Nhận thức về mô hình tổ liên kết cũng như các hộ nuôi tôm tham gia trong các THT còn rất hạn chế.

Hoàng Mai - Hữu Hiệp

Các tin mới

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang