• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Tạo sinh kế, làm giàu từ con tôm biển

Nguồn tin: Báo Đồng Khởi, 21/08/2019
Ngày cập nhật: 23/8/2019

Cách đây khoảng 20 năm, con tôm biển bắt đầu được nông dân đưa về vùng Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre nuôi thử nghiệm và phát triển với tốc độ rất nhanh, đã tạo sinh kế, giải quyết việc làm và giúp nhiều nông dân vươn lên khá giả, làm giàu. Trong đó, nhiều làng quê trước đây chỉ trồng lúa một vụ năng suất thấp, đời sống nông dân khó khăn giờ đã thay đổi nhanh chóng từ con tôm biển.

Thu hoạch tôm biển ở Thạnh Phú. Ảnh: H. Trung

Làng quê thay đổi

Trước đây, xóm Láng nằm heo hút tận vùng sâu thuộc Ấp 4, xã Bình Thới, huyện Bình Đại giáp ranh với xã Thạnh Trị có hơn chục nóc gia sống bằng nghề trồng lúa mùa, trồng dừa, chăn nuôi nhỏ lẻ. Nơi đây không có điện, đường, còn trường, trạm thì ở khá xa. Khi đó, muốn ra tỉnh lộ 883 (nay là quốc lộ 57B) chỉ duy nhất bằng đường thủy dọc theo tuyến kênh. Đời sống kinh tế khó khăn, cây lúa mùa một năm chỉ làm một vụ nên những tháng nông nhàn bà con phải phiêu bạt lên tỉnh Đồng Nai làm thuê hay sang vùng Đồng Tháp Mười để cắt lúa mướn.

Mọi thứ đã thay đổi nhanh chóng cách đây gần 20 năm khi người dân đem con tôm sú về nuôi trên ruộng lúa rồi chuyển qua nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức bán công nghiệp, công nghiệp. Ông Đinh Văn Đèo, 60 tuổi nhớ lại: “Người dân trong xóm này ngày xưa rất vất vả chỉ mong đủ ăn chứ không dám nghĩ vươn lên khấm khá. Khi đem con tôm về đây nuôi, hiệu quả kinh tế cao, nhiều nông dân đã làm giàu, cất nhà kiên cố. Nhờ kinh tế khá giả nên người dân đã tự đầu tư đường đan nối liền từ huyện lộ 40 đến tận các hộ trong xóm rồi đưa lưới điện về nên đời sống đã cải thiện đáng kể. Trước đây, toàn bộ hộ dân trong xóm đều nhà lá xập xệ thì giờ đã có nhiều căn nhà tường mọc lên.

Hay nhiều năm trước đã một thời con tôm làm nên sự nghiệp lớn cho nhiều hộ dân vùng đất Thạnh Phước, huyện Bình Đại. Dọc theo đường tỉnh 883, từ khoảng đoạn thị trấn về ngã tư vòng xoay Thạnh Phước, dọc hai bên đường, trước đây chỉ nhà tranh vách đất tạm bợ, nhưng từ khi có mô hình nuôi tôm sú của Trại Cadet của Trung tâm Khuyến ngư tỉnh đầu tư nuôi trúng mấy vụ liên tiếp thì vùng đất này bỗng chốc nhiều hộ nuôi “ăn theo” đã thật sự đổi đời. Mô hình nhanh chóng được nhân rộng và rất nhiều nông dân biến ruộng lúa một vụ bấp bênh của mình thành những ao tôm san sát. Còn nhớ chú Bảy Khi lúc ấy có 2ha đất lúa một vụ bấp bênh, thấy mô hình của Trại Cadet trúng mùa, chú liền quyết tâm bỏ vốn thuê đào ao nuôi tôm. Hai vụ liên tiếp chú đều nuôi thành công với năng suất đạt trên 16 tấn/ha. Nhờ con tôm, gia đình chú sau đó vài năm đã đổi đời. Lúc ấy chú mua thêm 2ha đất và tiếp tục đào ao nuôi. Chú còn qua Tiền Giang mua lại ngôi nhà của người bạn sang định cư ở nước ngoài cho đứa con làm nghề thợ bạc. Còn tại Thạnh Phước, chú cất ngôi nhà mới khang trang trị giá hơn 400 triệu đồng.

Rất nhiều làng quê tại ba huyện ven biển cũng thay đổi nhờ con tôm biển. Con đường vào ấp Vịnh Đức Tây, xã Vĩnh An, huyện Ba Tri giờ chẳng còn căn nhà lá nào, mà toàn bộ được thay thế bằng nhà tường kiên cố, biệt thự lớn. Trong căn biệt thự sang trọng giữa làng quê, lão nông Trần Văn Trưởng, 64 tuổi kể về chuyện làm giàu của bà con trong xóm. Năm 2003, ông Trưởng cùng các hộ dân nơi đây bắt đầu nuôi tôm sú rồi chuyển sang tôm thẻ chân trắng. Lúc đó, ông chỉ nuôi với diện tích vỏn vẹn 2.000m2. Trúng nhiều vụ, gia đình ông tích góp mua thêm tổng cộng gần 5ha với 17 ao nuôi tôm thẻ chân trắng. Trung bình mỗi vụ, gia đình ông thu nhập khoảng 40 - 50 tấn (mỗi năm 2 vụ), lợi nhuận hàng tỷ đồng. Gia đình ông Trưởng còn giải quyết việc làm cho 10 lao động ở địa phương với thu nhập khoảng 6 triệu đồng/người/tháng.

Hay hộ ông Nguyễn Văn Thanh ở xã An Điền, huyện Thạnh Phú. Gia đình ông có tới 3ha đất lúa nhưng sản xuất bấp bênh, chỉ một vụ, thu nhập dựa vào lúa, cùng lắm chỉ đủ ăn. Từ khi thấy mô hình nuôi tôm biển của Công ty Huy Thuận tại khu 36ha rồi 150ha thành công đã dấy lên phong trào nuôi tôm ở vùng đất này trở nên sôi động. Bấy giờ phong trào nuôi tôm phát triển mạnh, đi đâu cũng nghe bà con nông dân bàn tính chuyện nuôi tôm. Ông Thanh đã mạnh dạn đầu tư nuôi thử nghiệm ban đầu chỉ 3 ao rồi dần dà phát triển lên tới 10 ao. Chỉ sau 3 vụ nuôi, ông đã mở rộng diện tích lên tới 15 ao và cứ thế thu nhập ngày càng tăng lên, mỗi năm trừ chi phí còn kiếm được vài tỷ đồng. Ông có điều kiện mua liền 1 căn nhà và 2 lô đất ở TP. Bến Tre để tạo điều kiện cho 3 đứa con học và làm việc.

Tạo việc làm cho hàng ngàn lao động

Hiện tại, tổng diện tích nuôi tôm biển trên địa bàn tỉnh khoảng 35 ngàn ha. Đặc biệt, có hơn 600ha nuôi tôm 2 giai đoạn với năng suất bình quân từ 60 - 70 tấn/ha mặt nước/vụ (mỗi năm nuôi 3 vụ) đạt hiệu quả rất cao. Nghề nuôi tôm phát triển ổn định đã góp phần tạo việc làm cho hàng ngàn lao động tại các địa phương ven biển. Trong đó, người lao động có việc làm quanh năm với các nghề như: tơi bùn (vét lớp bùn, cặn bã sau thu hoạch), canh giữ tôm, kéo lưới điện thu hoạch tôm, vận chuyển thức ăn, phân loại tôm sau thu hoạch, trải bạt ao tôm, vận chuyển tôm...

Nhiều người nghèo trước đây đời sống khó khăn do không có việc làm thường xuyên thì nay có việc làm ổn định, thu nhập khá cao. Gia đình ông Nguyễn Văn Dũng, ngụ xã Bình Thới, huyện Bình Đại thuộc diện hộ nghèo, kinh tế khó khăn. Mấy năm nay, ông thường xuyên nhận canh giữ ao tôm cho các hộ nuôi xung quanh với thu nhập 5 triệu đồng/tháng nên cuộc sống tương đối ổn. Ông Dũng cho biết: “Nghề canh giữ, chăm sóc tôm có thu nhập cao và còn được chủ thưởng khi kết thúc mùa vụ nếu đạt lợi nhuận nhiều. So với các nghề khác như làm thuê, phụ hồ thì nghề này thu nhập cao hơn nhiều và không sợ tình trạng ngày có ngày không như trước đây. Khi diện tích nuôi tôm ngày càng tăng thì nhu cầu việc làm cho nghề này cũng tăng theo”.

Một số nghề “ăn theo” con tôm khác như: kéo lưới thu hoạch tôm, phân loại tôm, chở thức ăn... cũng có thu nhập khá. Ông Nguyễn Văn Hùng, ngụ xã Phú Vang, huyện Bình Đại chuyên nhận kéo lưới điện thu hoạch tôm cho biết: “Người kéo lưới điện sẽ thu nhập khoảng 200 ngàn đồng/ao, thời gian kéo từ 3 - 4 giờ, cho thu nhập khá ổn. Trong đó, nếu siêng năng có thể một ngày kéo được từ 2 - 3 ao và việc làm lại thường xuyên vì hầu như quanh năm lúc nào cũng có nông dân thu hoạch tôm”.

Ông Nguyễn Văn Sang - Phó chủ tịch UBND xã Vĩnh An, huyện Ba Tri cho biết: “Con tôm biển được bà con đưa về nuôi từ những năm 2000, khi tỉnh đầu tư 10ha nuôi thử nghiệm tại địa phương. Ban đầu chỉ nuôi quảng canh, dần dần bà con cải tiến, đầu tư máy móc, thiết bị nuôi công nghiệp hiệu quả rất cao. Hiện nay, toàn xã có 135ha diện tích nuôi tôm biển đem lại thu nhập khá cao. Thời gian gần đây, đời sống người dân đã thay đổi rất nhiều, thu nhập bình quân đầu người đạt 42,6 triệu đồng/người/năm. Địa phương cũng vừa được công nhận xã nông thôn mới”.

H. Trung - H. Hiệp

Các tin mới

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang