• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Chàng trai nuôi cá vượt lũ

Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế, 16/07/2019
Ngày cập nhật: 18/7/2019

Tiếp xúc lần đầu, chẳng ai trong chúng tôi dám khẳng định, chàng trai có vóc dáng nhỏ bé đang cho cá ăn kia là Phạm Kim Vy Vy, “tay” nuôi cá có hạng thuộc thế hệ 9X ở Quảng Công (Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế).

Hàng năm, Vy Vy thu lãi hơn 200 triệu đồng từ mô hình nuôi cá vượt lũ

Không muốn “được ăn cả, ngã về không”

Với ánh mắt của người nuôi lành nghề, Phạm Kim Vy Vy vừa cho cá ăn, vừa quan sát ao nước. Sao không tinh tường cho được, vì chàng trai trẻ, mới tuổi 25 nhưng đã có đến 11 năm tuổi nghề. Vy chia sẻ: “Mình nghỉ học từ năm lớp 9, lúc gia đình gặp biến cố. Cũng định sẽ vào Nam đi làm để phụ giúp, nhưng thương ba mẹ đã lớn tuổi, vì thế mình mới quyết định bám trụ ở quê nhà”.

Biến cố mà gia đình chàng trai sinh năm 1994 gặp phải là lúc ông Phạm Thanh Việt, ba của Vy Vy đang ở thời kỳ hoàng kim nhờ nuôi tôm. Sau nhiều năm khấm khá, đến năm 2008, lũ lụt, dịch bệnh ập đến liên hoàn. Dù giàu kinh nghiệm và cố gắng lèo lái, song 8.600m2 mặt nước ao tôm của ba Vy liên tục thua lỗ. Sau đó là cả chuỗi ngày dài chạy vốn, gây dựng lại việc làm ăn.

“Nuôi tôm nếu thuận lợi sẽ rất nhanh giàu, nhưng chỉ một chút sơ sẩy hoặc thiếu may mắn, người nuôi rất dễ phá sản”, Vy Vy nhận định.

Thời kỳ khốn khó còn in đậm trong tâm trí của chàng trai trẻ ấy. Đó là những bữa cơm chan nước mắm mặn chát (có lẽ là cả nước mắt), bố mẹ, con cái nhìn nhau. Những bữa ba Vy chạy vạy gõ của từ nơi này đến nơi khác để vay mượn tiền. Những xác tôm chết mà trước đó mỗi kí tôm là mỗi xấp bạc… Cũng từ đó, Phạm Kim Vy Vy luôn lựa chọn hướng nuôi bền vững, đảm bảo có lãi chứ không đánh đu “được ăn cả, ngã về không”.

Chàng trai trẻ không còn mặn mà với con tôm nữa. Vy Vy chỉ chú mục vào các loại cá cho giá trị kinh tế cao như cá nâu, cá chẽm, cá dìa. Rồi từ cậu bé 14 tuổi, trải qua bao nhiêu năm vừa làm vừa học hỏi, kiên trì xoay vòng, đến năm 2012, gia đình Vy khấm khá hơn, cũng từ đó, Phạm Kim Vy Vy trở thành trụ cột gia đình, là “tay” nuôi cá có tiếng tại Quảng Công.

“Ba mình là người thầy đầu tiên và cũng là bạn đồng hành của mình. Hai cha con rong ruổi, ra tận Quảng Trị, xuống vùng Thuận An để vừa xem, vừa học hỏi cách người ta nuôi cá”, Vy nói. Đó là quãng thời gian khó khăn nhưng cũng tràn ngập yêu thương của Vy. Đến nay, ông Việt không còn khỏe như trước nữa. Hình ảnh người cha đèo đứa con bé bỏng của mình băng qua những con đường, đến với những ao nuôi đã không còn. Thế nhưng, bù lại đó là một chàng trai Phạm Kim Vy Vy kiên cường, am hiểu và dày dặn kinh nghiệm.

Vượt lũ

Vy tính toán: “Đa phần mình nuôi xen ghép hai loại cá, có thể là cá nâu với cá đối, cá nâu với cá chẽm hoặc dìa. Với giá 300-450 nghìn đồng/kg, cá nâu cho giá trị kinh tế cực kỳ cao, vì thế luôn được ưu tiên. Các loại khác có giá thấp hơn, ví dụ cá diêu hồng đôi khi chỉ 40-60 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, mình sẽ ước lượng thời điểm thích hợp để cá cho giá trị cao nhất”.

Hằng năm, sau khi trừ chi phí, các hồ cá của Vy Vy cho lãi hơn 200 triệu đồng. Trong đó, phần nhiều thu nhập của Vy Vy đến vào mùa lũ, đây cũng là thời điểm mô hình nuôi cá vượt lũ của chàng trai 9X ăn nên làm ra.

Nuôi cá vượt lũ không phải là mô hình mới tại Quảng Công. Song Phạm Kim Vy Vy là người trẻ tiên phong trong cách nuôi để thích ứng với sự khắc nghiệt của thời tiết. Tận dụng tối đa những kinh nghiệm, và bản lĩnh của người làm chủ tình thế, thay vì để trống ao hoặc thấp thỏm lo sợ mùa lũ đến, chàng trai trẻ chủ động “xây nhà” cho cá bằng cách tạo ra các lồng nuôi vượt lũ.

“Mình phải tính toán cẩn thận vì nuôi cá vượt lũ cũng rất mạo hiểm trong khi giá trị của cá luôn cao hơn vụ nuôi chính. Quan trọng là cách neo giữ những lồng nuôi bằng cọc, ngoài ra phải xây đê ngăn nước ngọt vào ao cá (tránh tình trạng cá nước lợ bị sốc)”, Vy Vy cho biết.

Những lúc gay cấn nhất, chàng trai còn cho vận hành hệ thống máy, bơm nguồn nước lợ (được hút dưới lòng đất) vào ao nuôi để duy trì độ mặn.

Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã Quảng Công - Võ Đức Khiêm thông tin: “Phạm Kim Vy Vy là thanh niên điển hình trong việc tham gia các hoạt động tại địa phương. Anh cũng là đoàn viên chuyển đổi mô hình nuôi tôm sú kém hiệu quả sang nuôi xen ghép, trong đó, đáng kể phải nhắc đến cách nuôi cá vượt lũ rất thành công, mang lại nguồn thu không hề nhỏ”.

Với những nỗ lực của mình, Phạm Kim Vy Vy là một trong 20 gương mặt tiểu biểu có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất năm 2019 được Tỉnh Đoàn và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tuyên dương.

Bài, ảnh: Mai Huế

Các tin mới

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang