• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nuôi ba ba trở thành tỷ phú

Nguồn tin: Khoa Học Phổ Thông,19/06/2019
Ngày cập nhật: 22/6/2019

Chúng tôi thật bất ngờ khi được tỷ phú ba ba miền Tây Trần Hồng Quang, 46 tuổi, ngụ ấp Trường Hiệp, xã Trường Long A, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang hướng dẫn tham quan “vương quốc” ba ba rộng trên 20.000 m2 được thiết kế rất sạch, đẹp, an toàn.

Trước khi đến đây, bà Vũ Phạm Bé Ba, chủ tịch hội đồng nhân dân xã đã căn dặn chúng tôi: “Cái anh này ít nói hay cười. Kinh nghiệm nuôi ba ba thì khó ai có thể qua mặt “ảnh”. Dù nguồn lãi hàng năm lên đến hàng tỷ đồng nhưng anh rất bình dân, luôn có trách nhiệm với khách hàng mua ba ba giống về nuôi thông qua việc hướng dẫn làm chuồng; kỹ thuật chăm sóc; phân kỳ thức ăn hợp lý để chúng tăng trưởng nhanh, bền vững, chất lượng thịt đảm bảo”.

Anh Quang kể: Năm 1999, trước tình hình biến động của các loại thủy sản, đầu ra không ổn định, giá cả lại bấp bênh; trong một lần nghiên cứu tư liệu nuôi thủy sản và trực tiếp đến tham quan mô hình nuôi ba ba thịt tại TP. Cần Thơ, anh đã đầu tư 24 triệu đồng (tương đương với 8 lượng vàng lúc bấy giờ) để xây dựng chuồng trại kiên cố và thả nuôi 2.000 con ba ba giống ban đầu. Theo kinh nghiệm của bản thân anh, mô hình này tuy tốn kém ban đầu khá lớn nhưng thời gian thu hoạch sẽ kéo dài. Cạnh đó, loại thủy sản này tương đối dễ nuôi; ít bị dịch bệnh. Đặc biệt nhất là hầm nuôi phải rất chắc chắn vì chúng có thể đào hang để ra ngoài rất dễ dàng. Điều đặc biệt tiếp theo là ba ba nuôi càng lâu thì giá bán càng cao theo tỷ lệ thuận. Từ đó người nuôi hoàn toàn có thể “ neo” lại trong ao để chờ giá bán phù hợp mà không phải lo rớt giá, hao tốn thức ăn như các loại thủy sản khác.

Về nguồn thức ăn, hiện nay mỗi ngày anh Quang cho 300.000 con ba ba giống và ba ba thương phẩm ăn 2 lần trong ngày: lần thứ nhất vào buổi sáng gồm cá biển, cá đồng xay nhuyễn; lần còn lại vào buổi chiều là đầu tôm từ các xí nghiệp chế biến thủy sản lân cận.

Theo ước tính của anh Quang, ba ba con sau thời gian nuôi 12 tháng là có thể xuất bán. Lúc này bình quân mỗi con có trọng lượng từ 500 - 600 g; giá bán dao động từ 120.000 - 150.000 đồng/kg; những con trên 1 kg thì giá bán từ 200.000 - 300.000 đồng/kg. Thị trường tiêu thụ ba ba thương phẩm là Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, Lâm Đồng, Quảng Ninh...

Những năm trở lại đây, nắm bắt nhu cầu khan hiếm ba ba giống, anh Trần Hồng Quang đã đầu tư ấp trứng và bán ba ba giống với giá 5.500 - 6.000 đồng/con. Do áp dụng rất chặt chẽ các biện pháp khoa học kỹ thuật và luôn lấy chữ tín làm đầu nên nguồn ba ba giống của anh Quang luôn “cháy hàng” bởi cung không đủ cầu nên dù giá bán cao hơn một số cơ sở sản xuất khác từ 1.000 - 1.500 đồng/con nhưng luôn được người nuôi đón nhận bởi ba ba của anh Quang cung cấp rất khỏe mạnh, chóng lớn. Hiện anh đang sở hữu khoảng 2.500 cặp ba ba bố mẹ để có được nguồn ba ba con mỗi năm trên 250.000 con.

Anh Quang kể thêm: Ba ba chỉ sinh sản tốt vào tháng 3 đến tháng 10 âm lịch; chúng không thích hợp với không khí lạnh. Riêng ba ba con khi vận chuyển phải đảm bảo nhiệt độ trung bình từ 21 đến 220C. Mỗi năm ba ba mẹ có thể đẻ từ 7 đến 8 lần, mỗi lần từ 7 đến 20 trứng tùy thời tiết nóng hay ôn hòa. Nhờ làm tốt khâu chăm sóc nên tỷ lệ hao hụt chỉ khoảng 0,5% so với tổng đàn ba ba con.

Mỗi năm, trừ tất cả các khoản chi phí đầu tư, anh có lãi trên 1 tỷ đồng từ việc bán ba ba giống; gần 1 tỷ khác từ nguồn bán ba ba thương phẩm. Đó là chưa kể đến thu nhập trên 100 triệu đồng từ sản xuất lúa chất lượng cao. Năm 2017, anh còn tranh thủ các khoảng đất trống giữa các ao nuôi ba ba để trồng hơn 200 gốc sầu riêng, bưởi da xanh, xoài cát Hòa Lộc, dự kiến sẽ thu hoạch các loại trái cây này vào năm 2020.

Nét riêng của tỷ phú ba ba miền Tây này là việc khép kín quy trình chăn nuôi, trồng trọt. Cụ thể, nước từ hầm nuôi ba ba được dẫn ra chăm sóc cho 10 công trồng lúa và tưới tiêu cho vườn cây ăn trái. Cạnh đó, các loại phân hữu cơ chủ yếu là phân chuồng chăm bón vườn cây khi dư thừa sẽ làm mồi ăn cho ba ba dưới ao mương. Cách làm này vừa tiết kiệm chi phí đầu tư, vừa đảm bảo môi trường nước và không khí; vừa tạo sự an toàn cho vườn cây hiện có.

Hiện nay có rất nhiều nông dân đến đặt hàng và được tỷ phú ba ba miền Tây hướng dẫn rất tận tình và luôn đạt kết quả khả quan.

PHAN THỊ ANH THƯ

Các tin mới

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang