• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Cảnh báo tình trạng nông dân sản xuất theo phong trào

Nguồn tin: Báo An Giang, 30/05/2019
Ngày cập nhật: 31/5/2019

Cách đây 3 năm, khi tình trạng biến đổi khí hậu diễn ra gay gắt, cá tra giống khó ương dẫn đến thiếu hụt con giống trầm trọng. Có thời điểm, cá giống loại 30 con/kg lên đến 65.000 đồng/kg. Thấy mức lời “khủng”, nhiều người không có tay nghề nhưng vẫn “nhảy” vào cuộc chơi.

Nuôi ghép giữa cá tra giống với cá sặc rằn hoặc cá tra với cá thác lác cườm để giảm rủi ro

Thắng ít, thua nhiều

Hậu quả của việc "chạy" theo phong trào, trong đó đa phần là những người làm trái ngành nghề, họ thấy nuôi cá tra giống có lời nên nhảy vào cuộc chơi, từ đó ngoài diện tích, sản lượng của những người chuyên nuôi cá giống, lượng cá giống của những người mới vào nghề quá lớn làm cho thị trường trở nên dư thừa. Ông Nguyễn Văn Sơn (một trong những ngư dân chuyên nuôi cá giống gần 20 năm nay ở xã Vĩnh Hòa, TX. Tân Châu, tỉnh An Giang) phân tích: “Hiện nay, cá tra giống rớt xuống mức thấp và dư thừa, ngoài lượng cá giống của nông dân trong tỉnh, các địa phương khác, như: Đồng Tháp, TP. Cần Thơ, Long An, Vĩnh Long… lượng cá giống tăng gấp 3 lần so với bình thường. Điều đó đã xảy ra tình trạng dư thừa, hơn nữa, 2 tháng vừa qua là thời điểm thuận mùa của việc ương nuôi cá giống. Những người theo nghề này lâu năm, “có thắng, có thua” là chuyện bình thường. Song, có những người mới đào ao nuôi lần đầu, ngay vụ đầu tiên đã lỗ nặng. Việc này vừa hại mình, vừa hại cả những người đang nuôi cá tra giống. Đây là điều hết sức tai hại mà những người “chạy” theo phong trào cần chú ý”.

Gia đình ông Sơn hiện có đàn cá tra giống khoảng 2 tấn đã quá lứa, từ kích cỡ 30 con/kg nay đã có kích cỡ 27 - 28 con/kg. Gần 1 tháng nay, ông Sơn mời đến 7 thương lái đến coi và mua cá nhưng khi nghe điện thoại của ông, các thương lái đều đưa ra câu hỏi, đàn cá khoảng bao nhiêu tấn? Ông Sơn trả lời khoảng 2 tấn, ngay lập tức họ tắt điện thoại hoặc trả lời thẳng là không mua. “Lúc cá giống loại 30 con/kg ở mức 55.000 - 65.000 đồng/kg, đàn cá bao lớn thì thương lái cũng mua. Nay, cá giống dư thừa, thương lái tập trung mua những đàn cá có số lượng từ 10 - 15 tấn trở lên. Nhiều hộ có cá giống số lượng ít, đành phải chuyển cá sang hầm khác để tiếp tục nuôi thịt. Lúc này, đa phần ngư dân ở vào tình thế chẳng đặng đừng” - ông Sơn bức xúc chia sẻ.

Phá vỡ quy hoạch

Trên phương diện trồng trọt, chạy theo phong trào dễ dẫn đến tình trạng “trồng rồi chặt, chặt rồi trồng”; trên phương diện nuôi trồng thủy sản, hệ lụy của nó là "bỏ chạy rồi trở lại nuôi, nuôi rồi lại bỏ chạy". Hiện nay, giá cá tra giống xuống thấp khiến hàng loạt hộ nuôi thua lỗ nặng. Nhiều người muốn gỡ nợ tiếp tục "đánh cược", mượn "sổ đỏ" của bà con dòng họ rồi mang đến ngân hàng vay tiền để thả nuôi cá sặc rằn. Bởi, cá sặc rằn có giá 54.000 đồng/kg (giá tại hầm), trong khi giá thành nuôi ở mức 39.000 - 40.000 đồng/kg. Thấy mức lãi quá hấp dẫn, nhiều nông dân bất chấp các điều kiện cần và đủ để nuôi cá như: thổ nhưỡng, nước của vùng đất mình có phù hợp hay không? Tay nghề nuôi có hay không?... Bà con “nhảy” vào nuôi nhằm mục đích cầu may.

Nhìn lại quá trình phát triển của ngành thủy sản trong tỉnh nói riêng, ĐBSCL nói chung, hơn 10 năm qua, tình trạng giá cá tra thịt lẫn cá tra giống luôn biến động trong biên độ lớn, khiến cho việc sản xuất “chạy” theo phong trào, tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường. Khảo sát tại các địa phương, nhất là những nơi có thế mạnh trong chăn nuôi cá tra như: TX. Tân Châu, An Phú, Phú Tân, Chợ Mới, TP. Long Xuyên, Châu Thành… những người nuôi cá tra trong hơn 20 năm qua, đa phần đều lâm vào cảnh nợ nần. “Người nào nuôi theo kiểu “lướt sóng”, nghĩa là nuôi thắng 1 hoặc 2 vụ rồi chuyển sang làm nghề khác thì đồng lời còn giữ được nguyên vẹn. Những người hám lợi nhuận, đeo đuổi theo nghề này khó mà giàu được. “Sổ đỏ” luôn nằm ở ngân hàng, đây là thực trạng đáng buồn đối với nghề nuôi cá tra giống lẫn cá tra thịt hiện nay”- ông Nguyễn Văn Tuấn (xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên) phân tích.

Năm 2007, sản lượng cá tra thịt cả ĐBSCL ở mức 700 tấn/năm. Diện tích thả nuôi khoảng 2.500ha. Sau 10 năm phát triển, con số này tăng lên gấp đôi với sản lượng cá thịt lên đến 1,4 triệu tấn, diện tích thả nuôi 5.200ha mặt nước. Đây là con số điều tra và thống kê được. Còn số chưa cập nhật trên bảng thống kê còn rất nhiều, điều đó cho thấy, thị trường tiêu thụ sản phẩm phát triển chậm so với tốc độ tăng trưởng của việc thả nuôi, từ đó ngành hàng cá tra luôn gặp khó khăn. “Đầu năm 2019, nhân dịp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường về dự hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất của ngành hàng cá tra, khi Bộ trưởng đến thăm vùng nuôi của tập đoàn, tôi đề nghị làm sao quản lý cho được quy hoạch nuôi, quy hoạch chế biến để sản phẩm đưa ra thị trường hàng năm ít hơn so với nhu cầu thực tế thì ngành hàng này rất dễ phát triển, ngược lại thì sẽ gặp rủi ro rất cao” - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Nam Việt Doãn Tới chia sẻ.

Bài, ảnh: MINH HIỂN

Các tin mới

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang