• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Mô hình nuôi cá chiên trên hồ thủy điện

Nguồn tin: Báo Lai Châu, 08/01/2019
Ngày cập nhật: 15/1/2019

Nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều doanh nghiệp, cá nhân trong tỉnh. Đây là cơ sở quan trọng để Nhân dân sở tại học tập, đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Và, mô hình nuôi cá chiên lồng bè tại hồ Thủy điện Sơn La của Công ty Cổ phần đầu tư và thương mại nông nghiệp Tây Bắc (trụ sở tại thành phố Lai Châu) là một điển hình.

Tại Lễ tổng kết, trao giải thưởng Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Lai Châu lần thứ III năm 2018, trong số 12 giải được trao, chúng tôi ấn tượng khá đặc biệt với giải 3 về giải pháp kỹ thuật nuôi cá chiên trong lồng bè tại hồ Thủy điện Sơn La tại bản Huổi Só, xã Nậm Mạ, huyện Sìn Hồ của tác giả Phạm Văn Tuyển (Công ty Cổ phần đầu tư và thương mại nông nghiệp Tây Bắc). Chia sẻ ý tưởng thực hiện giải pháp, anh Tuyển cho biết: Cá chiên là giống cá đặc sản của sông Đà, trước khi có hồ Thủy điện Sơn La, cá chiên rất phổ biến ở Nậm Mạ và Mường Lay (tỉnh Điện Biên), dọc theo sông Đà đến huyện Mường Tè. Sau khi có hồ Thủy điện Sơn La và Lai Châu, giống cá này không còn phổ biến và số lượng ngày càng ít. Trong khi đó, giá trị kinh tế của cá chiên cao, nhu cầu thị trường lớn và việc nuôi thuần dưỡng cá chiên đã được nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình thực hiện thành công trong các lồng bè trên lòng hồ Thủy điện Hòa Bình, Thác Bà. Tuy nhiên, tại Lai Châu chưa có mô hình nào mà chủ yếu tập trung vào một số giống cá dễ nuôi như tầm, lăng, chép...

Công nhân Công ty Cổ phần đầu tư và thương mại nông nghiệp Tây Bắc kiểm tra lồng nuôi cá chiên.

Mặc dù tiềm năng đầu ra lớn nhưng kỹ thuật nuôi cá chiên tương đối khó, đòi hỏi yêu cầu nghiêm ngặt về môi trường, nguồn giống, chế độ chăm sóc. Sau khi học hỏi kinh nghiệm tại một số địa phương ở tỉnh Hòa Bình, anh Tuyển mạnh dạn đề xuất với Công ty và trực tiếp triển khai thực hiện mô hình tại xã Nậm Mạ. Bản Huổi Sỏ được anh lựa chọn neo lồng bởi đây là ngã ba hợp lưu của sông Đà và sông Nậm Mạ, đảm bảo về độ sâu, tốc độ dòng chảy, môi trường nước, nhiệt độ... Quan trọng là thuận lợi về giao thông để cung cấp con giống, thức ăn, thu hoạch, vận chuyển tiêu thụ sản phẩm. Lồng nuôi đảm bảo khung bằng thép phi 34, mạ kẽm chống rỉ; phao nâng lồng là thùng nhựa 200 lít, mỗi lồng từ 4 - 6 phao; lưới lồng là cước sợi polyetylen dệt không co rút.

Nguồn con giống được lựa chọn, thu gom từ tự nhiên do người dân đánh bắt và mua tại Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I (tỉnh Bắc Ninh). Anh Tiến bắt đầu nuôi từ tháng 4 khi nhiệt độ môi trường lên cao. Thức ăn đều là cá tươi băm nhỏ. Hàng ngày phải kiểm tra sàng ăn và hàng tháng kiểm tra trọng lượng cá để điều chỉnh thức ăn phù hợp.

Theo anh Tiến, công tác quản lý lồng nuôi là một trong những yếu tố quan trọng đảm bảo cá sinh trưởng tốt. Do vậy, cán bộ kỹ thuật của Công ty thường xuyên quan sát hoạt động của cá, tình hình sử dụng thức ăn và các hiện tượng bất thường khác. Mỗi tuần vệ sinh lồng 1 lần, dùng bàn chải nhựa cọ sạch cạnh bên lồng lưới; nếu phát hiện các vết rạn, nứt phải kịp thời khắc phục. Trong mùa mưa, kiểm tra dây neo, di chuyển lồng vào vị trí an toàn nếu có bão, lũ.

Nhờ tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăm sóc, sau 12 tháng nuôi, trọng lượng cá đạt 1 - 1,5kg/con; sau 2 năm cá thương phẩm đạt 2,5-3,5kg/con. Với 24 lồng nuôi diện tích 1.512m2, số vốn đầu tư 4,5 tỷ đồng; giá bán 450.000 đồng/kg, sản lượng Công ty thu về trên 10 tấn cá, trừ chi phí lãi từ 80 - 100 triệu đồng. Hiện, sản phẩm cá chiên được cung cấp cho các chuỗi siêu thị, nhà hàng cao cấp tại Hà Nội.

Anh Tiến cho biết thêm, là doanh nghiệp đầu tiên trên địa bàn tỉnh Lai Châu thực hiện thành công mô hình nuôi cá chiên trên hồ Thủy điện Sơn La với lợi nhuận kinh tế cao, qua thực hiện tôi nhận thấy kỹ thuật nuôi cá Chiên của Công ty có thể áp dụng được cho tất cả các cơ sở trên địa bàn tỉnh. Và, tốt nhất vẫn nên chọn nuôi trên dòng chính của sông Đà ở lòng hồ Thủy điện Sơn La vì có dòng chảy quanh năm. Chúng tôi cũng mong muốn, thời gian tới, không chỉ các doanh nghiệp mà sẽ có nhiều hộ dân sở tại mạnh dạn đầu tư mô hình này. Công ty sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm nếu bà con có nhu cầu. Để từ đó, có nhiều hơn sản phẩm cá chiên được nuôi trồng trên quê hương Lai Châu cung ứng ra thị trường cả nước.

Hoàng Nam

Các tin mới

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang