• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Quảng Ngãi hỗ trợ hơn 8 tỷ đồng cho các hộ dân ngừng nuôi cá ở cảng Dung Quất

Nguồn tin: VOV, 28/04/2019
Ngày cập nhật: 30/4/2019

Các hộ nuôi cá đã tháo dỡ toàn bộ lồng bè và được chính quyền địa phương hỗ trợ chi phí để chuyển đổi nghề, ổn định cuộc sống.

Khu vực nuôi thủy sản tự phát tại cảng biển Dung Quất của người dân thôn Sơn Trà, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi trước đây đã từng bị thiệt hại nặng do ô nhiễm môi trường. Tỉnh Quảng Ngãi đã có quyết định tháo dỡ toàn bộ lồng bè nuôi thủy sản tại đây, đồng thời chính quyền địa phương hỗ trợ chi phí để các hộ nuôi chuyển đổi nghề, ổn định cuộc sống.

Ông Nguyễn Lập, ở thôn Sơn Trà, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi vừa hoàn thành việc tháo dỡ, di chuyển 6 lồng nuôi cá lên bờ cho biết, ông đã đầu tư vào lồng bè này hơn 200 triệu đồng và thả nuôi hơn 3 năm qua. Tuy nhiên, do nuôi trong khu vực có nhiều công trình đang xây dựng nên nguồn nước bị ô nhiễm, thủy sản nuôi bị dịch bệnh.

“Sau khi tỉnh tuyên truyền, vận động người dân tháo dỡ lồng bè mọi người đều thực hiện theo quy định chung và quyết định không nuôi cá nữa. Nói chung việc thi công các công trình gần đây bị ô nhiễm nhiều, nên việc nuôi thủy sản không đạt hiệu quả nên việc tháo dỡ lồng bè là hợp lý”, ông Lập cho biết.

Người dân khẩn trương tháo dỡ lồng bè nuôi thủy sản trong cảng Dung Quất.

Sau khi được nhận tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và chi phí đầu tư nuôi thủy sản, ông Huỳnh Ngọc Thiên, ở xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đã nhanh chóng tháo dỡ lồng bè. Theo ông Thiên, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với các hộ nuôi thủy sản như vậy là hợp lý, người dân rất ủng hộ.

“Chính sách hỗ trợ như thế này là rất xứng đáng. Người dân đã nhận tiền hỗ trợ và cam kết chuyển đổi ngành nghề, không nuôi cá nữa. Tôi nuôi 2 bè với 12 ô, trước đây đầu tư 150 triệu giờ được hỗ trợ 102 triệu. Sau khi nuôi cá đã hơn 3 năm, giờ vật tư hao hụt thì việc hỗ trợ vậy là hợp lý”, ông Thiên vui vẻ cho hay.

Xã Bình Đông là địa phương có số lượng hộ nuôi thủy sản lồng bè nhiều nhất trên khu vực cảng Dung Quất với 46 hộ nuôi hơn 300 lồng. Chính quyền địa phương đã vận động, tuyên truyền và chi trả tiền hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho các hộ dân này.

Đến nay đã có 12 hộ dân tự nguyện không nuôi thủy sản lồng bè trong khu vực cảng và chuyển sang làm việc khác, 34 hộ dân còn lại cá chưa xuất bán được nên người dân đã di chuyển đi nơi khác. UBND xã Bình Đông cam kết sẽ tháo dỡ toàn bộ lồng nuôi thủy sản này trước ngày 30/4.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho hay, song song với việc giúp người dân tháo dỡ lồng bè nuôi thủy sản, địa phương cũng đã hỗ trợ kinh phí giúp bà con chuyển đổi ngành nghề theo hai hình thức.

“Đối với những lao động trực tiếp nuôi cá trên lồng bè đa phần là người lớn tuổi, không thể đi học nghề nên đề nghị được hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt để họ chuyển đổi nghề nghiệp. Đối với những hỗ trợ dân sinh, địa phương sẽ tính theo nhân khẩu của từng gia đình đẻ hỗ trợ khẩu ăn. Các hộ đã cam kết sau khi tháo dỡ lồng bè sẽ tự chuyển đổi ngành nghề và tự tạo việc làm theo nhu cầu”, ông Thanh cho biết.

Chính quyền xã chi tiền hỗ trợ người dân tháo dỡ lồng bè.

Hiện trong khu vực cảng Dung Quất có 85 hộ ở các xã Bình Đông, Bình Thạnh và Bình Thuận huyện Binh Sơn thả nuôi thủy sản bằng lồng bè. Ông Nguyễn Quang Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cam kết, đến cuối tháng Tư này sẽ chấm dứt việc nuôi thủy sản ở đây.

"Huyện đã chỉ đạo các hộ dân chấm dứt nuôi thủy sản lồng bè trên vùng biển Dung Quất. Để các hộ dân không tái lấn chiếm, UBND huyện Bình Sơn cũng đã thành lập tổ công tác phối hợp với đồn biên phòng Bình Thạnh, Dung Quất thường xuyên tuần tra, kiểm tra trong 1 tháng để tránh trường hợp các hộ dân quanh trở lại nuôi trên vùng biển này", ông Trung cho biết.

Trên khu vực vùng biển cảng Dung Quất đang có nhiều doanh nghiệp hoạt động sản suất, kinh doanh và thi công kè chắn sóng. Trong quá trình hoạt động sẽ ảnh hưởng đến môi trường nước, dễ dẫn đến rủi ro cho người nuôi thủy sản. Do vậy, UBND tỉnh Quảng Ngãi chủ trương hỗ trợ hơn 8 tỷ đồng để các hộ dân nuôi thủy sản lồng bè ở đây chuyển sang ngành nghề khác, ổn định đời sống./.

CTV Tiến Công/VOV-Miền Trung

Các tin mới

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang