• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bạc Liêu: Cảnh báo ô nhiễm môi trường nuôi tôm

Nguồn tin: Báo Bạc Liêu, 01/11/2019
Ngày cập nhật: 4/11/2019

Tình trạng nuôi tôm công nghiệp, nuôi tôm siêu thâm canh không xử lý nguồn nước trước khi xả thải trực tiếp ra môi trường đang trở thành vấn đề bức xúc. Vấn đề này không chỉ tạo nên những hệ lụy ảnh hưởng đến phát triển bền vững, mà còn gây thiệt hại nặng cho người nuôi tôm.

Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung thị sát khu xả nước thải nuôi tôm vào ao lắng xử lý trước khi xả thải ra môi trường. Ảnh: M.Đ

Ô nhiễm nguồn nước

Nhiều hộ nuôi tôm ở huyện Hòa Bình (tỉnh Bạc Liêu) cho biết, các hộ nuôi tôm siêu thâm canh đã xả thải nước trong ao nuôi tôm ra môi trường làm ô nhiễm nguồn nước, gây thiệt hại cho các hộ lấy nước vào nuôi tôm.

Ông Lý Hoàng Đông (huyện Hòa Bình) cho biết: “Gần đây, mô hình nuôi tôm công nghệ cao phát triển mạnh, nhưng nhiều hộ không xử lý nước trước khi xả thải, hoặc xử lý không triệt để, thậm chí một số hộ xả thải nước nuôi tôm trực tiếp ra sông, rạch. Việc làm này gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân và những hộ nuôi tôm. Tuy nhiên, vấn nạn này vẫn chưa được cơ quan chức năng xử lý triệt để”.

Từ đầu năm đến nay, ngành chức năng tỉnh đã lấy 85 mẫu nước trong các ao nuôi tôm và 148 mẫu nước ở các kênh cấp nước để phân tích. Kết quả, mẫu nước đối với kênh cấp: Nhiệt độ, oxy hòa tan, độ mặn, pH, H2S phù hợp cho tôm nuôi sinh trưởng và phát triển; các chỉ tiêu NO2-, NH4+, TSS, COD, Vibrio tổng số, Vibrio parahaemolyticus vượt giới hạn cho phép. Mẫu nước đối với ao nuôi: Nhiệt độ, oxy hòa tan, độ mặn, pH, độ trong, H2S, NO3- phù hợp cho tôm nuôi sinh trưởng và phát triển; các chỉ tiêu NO2-, NH4+, TSS, COD, OSS, TAN, PO43-, Vibrio tổng số, Vibrio parahaemolyticus vượt giới hạn cho phép; phát hiện kim loại nặng như: Pb (chì) tại cửa biển Nhà Mát (0,027µg/l) và cửa biển Gành Hào (0,058µg/l).

Từ kết quả phân tích trên, ngành chức năng khuyến cáo các hộ nuôi tôm cần xử lý nước, diệt khuẩn, bổ sung vi sinh trước khi cấp nước vào ao nuôi tôm nhằm phòng tránh tôm bị thiệt hại do nguồn nước ô nhiễm.

Tôm nuôi bị thiệt hại

Theo Sở N&PTNT, trong 9 tháng của năm 2019, toàn tỉnh có 6.522ha tôm nuôi bị thiệt hại (tỷ lệ tôm thiệt hại trên 70% là 3.352ha; tỷ lệ tôm thiệt hại từ 30 - 70% là 3.173ha). Tôm bị thiệt hại chủ yếu là nuôi theo mô hình thâm canh, bán thâm canh và quảng canh cải tiến. Ngoài ra, hơn 80ha tôm nuôi siêu thâm canh của doanh nghiệp lẫn hộ dân cũng bị thiệt hại.

Trong tháng 10/2019, diện tích tôm nuôi bị thiệt hại là 763ha. Tôm bị thiệt hại chủ yếu là do môi trường nước; song cũng có một số diện tích bị ảnh hưởng do thời tiết bất thường, do tôm giống và thức ăn, thuốc thú y thủy sản kém chất lượng.

Đầu năm 2019, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 01 quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động nuôi tôm siêu thâm canh trên địa bàn tỉnh. Theo đó, quy định ao xử lý nước thải và chất thải phải có 2 hệ thống xử lý nước thải (gồm ao xử lý nước thải từ xi phông đáy ao và ao chứa xử lý nước thải từ hoạt động thay nước định kỳ hàng ngày). Khuyến khích tái sử dụng lượng nước thải (thay nước từ ao nuôi hàng ngày) để nuôi cá rô phi, nhuyễn thể hai mảnh vỏ nhằm cải thiện môi trường nước, hạn chế dịch bệnh. Đối với ao nuôi tôm bị nhiễm bệnh, sau khi thu hoạch tôm thì phải sử dụng các loại hóa chất diệt khuẩn (được phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản) để tiêu diệt các mầm bệnh trong ao. Sau đó lưu nước tại ao chứa trong thời gian 30 ngày để giải phóng lượng hóa chất tồn đọng, đảm bảo quy chuẩn môi trường thì mới được xả thải nước ra môi trường.

Ông Lữ Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết: “Thời gian qua, Sở đã tổ chức tập huấn cho các hộ nuôi tôm công nghệ cao và phối hợp với các công ty giới thiệu cách xử lý chất thải, nước thải sau khi thu hoạch tôm; đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản về bảo vệ môi trường. Thời gian tới, Sở sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng và các địa phương để xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm môi trường”.

Minh Đạt

Các tin mới

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang