• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Thành công từ mô hình nuôi cá tầm giữa ‘ốc đảo’

Nguồn tin: Báo Vĩnh Phúc, 27/09/2019
Ngày cập nhật: 30/9/2019

Nhờ tận dụng những điều kiện lý tưởng về thiên nhiên, khí hậu và đặc biệt là nguồn nước, ông Đỗ Đình Tuấn, ở thôn Vĩnh Ninh, xã Đạo trù (Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) là người tiên phong phát triển mô hình nuôi cá tầm trên địa bàn. Cho đến nay, đã gần 10 năm trong nghề nhưng với ông Tuấn, nuôi cá tầm vẫn luôn là niềm đam mê bởi nghề đã giúp kinh tế gia đình ông ngày càng khấm khá.

Với mô hình nuôi 3.000 con cá tầm, gia đình ông Đỗ Đình Tuấn, ở thôn Vĩnh Ninh, xã Đạo trù (Tam Đảo) cho thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm

Phải mất khoảng 30 phút di chuyển từ trung tâm xã Đạo Trù bằng các phương tiện: Ô tô, xe máy; kể cả đi bộ, vượt suối, băng qua đoạn đường rừng đèo dốc, chúng tôi mới tìm đến được khu chăn nuôi cá tầm của gia đình ông Đỗ Đình Tuấn, ở thôn Vĩnh Ninh – nơi được nhiều người biết đến với biệt danh “ốc đảo”. Đây là cơ sở nuôi cá tầm được đầu tư quy mô, bài bản đầu tiên tại xã Đạo Trù với diện tích khoảng 1ha.

Nói về cơ duyên đến với nghề nuôi cá tầm, ông Tuấn cho biết: Thôn Vĩnh Ninh vốn nằm biệt lập, ngăn cách với bên ngoài bởi một con suối. Do nằm sâu trong rừng, ở vùng đệm Vườn Quốc gia Tam Đảo nên khí hậu rất mát mẻ, nhiệt độ của nước suối nằm sâu trong núi rất phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của cá tầm. Nhìn rõ lợi thế đó, đầu năm 2009, ông Tuấn đã mạnh dạn đầu tư xây dựng bể nuôi cá tầm với đủ các kích thước, nhập 3.000 con cá tầm giống tại Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản Trung ương I với giá 30 nghìn đồng/con để tiến hành nuôi thử nghiệm. Đến nay, khu vực nuôi cá tầm của gia đình ông Tuấn đang có 5 bể nuôi với tổng số 3.000 con cá tầm trong khoảng trọng lượng từ 2 – 2,5kg/con.

Tham quan khu vực nuôi cá tầm của ông Tuấn, theo quan sát, những ao nuôi được thiết kế dạng bậc thang để tận dụng dòng chảy tự nhiên được lấy từ suối Dây Cáp nhằm tạo nhiều ô xy cho cá. Nói về những điều cần chú ý khi nuôi cá tầm, ông Tuấn cho biết: Cá tầm là loài cá ưa nước lạnh nên người nuôi phải đặc biệt chú ý nhiệt độ của nước để đảm bảo cá sinh trưởng, phát triển tốt.

Thức ăn của cá tầm là cám công nghiệp dạng viên chìm, có độ đạm và chất béo cao hơn nhiều so với các loại thức ăn của các loại cá thông thường nên khi cho cá tầm ăn, người nuôi cần phải chú ý liều lượng để đảm bảo cung cấp đủ dưỡng chất cho cá. Đồng thời cần thường xuyên chú trọng dọn bể, rửa sạch rong rêu, dọn dẹp thủy sinh bám dưới lòng bể, thức ăn còn sót lại để phòng bệnh cho cá.

Để có được thành công như ngày hôm nay, ông Tuấn cũng từng trải qua nhiều thất bại khi mới bắt tay vào nghề, ông kể: Do chưa hiểu biết về giống cá ưa nước lạnh cũng như các biện pháp phòng trị bệnh cho cá nên lứa cá đầu tiên nhập về bị thiệt hại lớn, cá chết khoảng 1/3 đàn, khiến gia đình ông lao đao. Thế nhưng, bằng lòng yêu nghề và ý chí ham học hỏi, ông Tuấn lại vực dậy để tiếp tục đam mê chinh phục loài cá đặc biệt này.

Thành công đến với ông sau những chuỗi ngày miệt mài học tập, những lứa cá dần ổn định, sinh trưởng phát triển tốt sau 1,5 – 2 năm đã có thể xuất bán với trọng lượng 2,5 – 3kg/con. Hiện, cá tầm của gia đình ông Tuấn đang xuất bán cho các nhà hàng ở thị trấn Tam Đảo, ngoài ra phục vụ cả khách đến tham quan, có nhu cầu mua lẻ với giá bán 250 nghìn đồng/kg. Mỗi năm, trừ chi phí, gia đình ông thu lãi vài trăm triệu đồng.

Có thể nói, mô hình nuôi cá tầm gia đình ông Tuấn đang từng bước khẳng định chất lượng trên thị trường. Để phát triển hơn nữa về số lượng cá, cũng như quy mô nuôi trồng, thời gian tới, ông Tuấn dự định tiếp tục sửa chữa, xây mới lại các bể nuôi cá tầm; mở rộng thị trường tiêu thụ, không chỉ xuất bán cho các nhà hàng tại khu vực thị trấn Tam Đảo mà còn mở rộng ra toàn tỉnh. Từ đó, giúp gia đình ông ngày càng có thu nhập ổn định, tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương.

Bài, ảnh Ngọc Lan

Các tin mới

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang