• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Làm giàu nhờ nuôi cá chép giòn

Nguồn tin: Báo Nam Định, 19/09/2019
Ngày cập nhật: 24/9/2019

Mô hình nuôi cá chép giòn trong lồng bè cho thu nhập cao của ông Nguyễn Văn Tung, xóm 1, xã Xuân Châu (Xuân Trường, tỉnh Nam Định) đang được nhiều người tham quan, học hỏi để thay đổi phương thức nuôi cá, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới nâng cao thu nhập và đời sống gia đình.

Mô hình nuôi cá chép giòn trong lồng bè của ông Nguyễn Văn Tung, xóm 1, xã Xuân Châu (Xuân Trường).

Gần 20 năm gắn bó với nghề nuôi thủy sản, ông Tung luôn năng động, chịu khó trong việc tìm tòi, phát hiện và nuôi thử nghiệm các đối tượng nuôi mới như cá lăng chấm, cá diêu hồng trong ao. Khoảng gần chục năm trở lại đây, ông dùng số tiền tích góp đầu tư phát triển nuôi cá lồng trên sông Hồng. Đến nay, ông Tung đã có 25 lồng nuôi 3 loại cá là chép giòn, lăng chấm, diêu hồng. Theo ông, đây là các loại cá dễ nuôi, ít bệnh, có hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với nhu cầu của thị trường. Năm 2014, trong một lần đi học hỏi kinh nghiệm mô hình nuôi cá chép giòn bằng đậu tằm tại tỉnh Hải Dương, nhận thấy đây là loại cá đang được thị trường ưa chuộng, giá trị cao hơn các loại cá khác, ông Tung quyết tâm thực hiện mô hình này. Ban đầu ông đã thả nuôi thử nghiệm cá chép giòn tại 1 lồng bằng thức ăn đậu tằm. Ngay trong vụ đầu tiên, ông đã thu hoạch và xuất bán 2 tấn cá chép giòn, lãi 30 triệu đồng, gấp 1,5 lần so với nuôi cá chép thông thường. Từ thành công ban đầu, ông Tung mở rộng quy mô nuôi cá chép giòn lên 6 lồng, trong đó 3 lồng nuôi ương con giống, 3 lồng nuôi làm giòn cá.

Ông Tung cho biết: Loại cá chép ông nuôi là giống cá chép V1, được Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I lai tạo giữa 3 giống cá chép trắng Việt Nam, cá chép vẩy của Hungary và cá chép vàng của Indonesia, có tốc độ phát triển nhanh hơn, thịt thơm ngon hơn loại cá chép địa phương. Cá chép giòn có nhiều ưu thế như dễ nuôi, so với các loại cá khác ít dịch bệnh hơn và đặc biệt sức tăng trưởng nhanh, giá cao nên thu lợi nhuận khá. Nuôi theo kiểu lồng bè trên sông kết hợp thức ăn công nghiệp và đậu tằm, sau 14 tháng nuôi cá đạt trọng lượng 2,5-3 kg/con. Thức ăn của cá chép chủ yếu là thức ăn công nghiệp cho giai đoạn đầu. Ở 3 lồng nuôi ương từ cá giống, ông Tung cho ăn thức ăn viên công nghiệp cũng như các loại cá khác. Sau 8 tháng nuôi ương, ông lựa chọn những con cỡ 2,5kg trở lên để chuyển sang cho ăn bằng đậu tằm, giúp tăng độ giòn của thịt cá chép. “Đậu tằm có hàm lượng protein 31%, gồm đủ 8 loại axit amin thiết yếu, hàm lượng tinh bột 49%… là yếu tố quyết định thay đổi chất lượng thịt của cá, tăng độ dai cơ thịt nên cá chắc giòn. Nuôi bằng đậu tằm, cá giòn được đảm bảo sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm” - ông Tung cho hay. Thức ăn đậu tằm dễ kiếm, trong nước có nhiều ở miền Trung, nhập khẩu thì từ Trung Quốc, Thái Lan... Hiện ông đã chuyển sang sử dụng loại đậu tằm nhập khẩu từ Úc, là sản phẩm không biến đổi gen nhằm nâng cao chất lượng của cá. Ông Tung thường cho cá ăn vào lúc 5 giờ chiều, khi trời mát và cho ăn khẩu phần đậu tằm tỷ lệ với trọng lượng cá để tránh tình trạng ô nhiễm ao nuôi, gây bệnh cho cá. Đậu tằm trước khi cho cá ăn được ngâm trong nước từ 12-24 giờ (nhiệt độ trên 300C ngâm 12 giờ, nhiệt độ dưới 300C ngâm 24 giờ). Sau thời gian 6 tháng nuôi cá đạt độ dai, giòn là có thể thu hoạch và xuất bán với giá 90-120 nghìn đồng/kg, có thời điểm giá cao tới 150 nghìn đồng/kg, gấp 2 lần giá cá chép thường. Ông Tung hạch toán kinh tế, nếu điều kiện thời tiết thuận lợi, cá không bị dịch bệnh, 1 lồng nuôi cá chép thông thường sau 8 tháng sản lượng thu hoạch sẽ đạt 3-4 tấn cá, trừ chi phí lãi 20-25 triệu đồng. Nuôi 6 tháng bằng đậu tằm, cá chép giòn có thể cho lãi thêm từ 40-45 triệu đồng nữa. Do được nuôi trong lồng có dòng nước chảy nên môi trường nước sạch, luôn được tuần hoàn, cung cấp ô-xy đầy đủ, cá vận động nhiều hơn nên chất lượng thịt cá dai, giòn, không có mùi tanh như các loại cá nuôi thông thường. Với phương thức nuôi 3 lồng gối lứa, một năm ông Tung xuất bán ra thị trường hơn 20 tấn cá chép giòn cho các thị trường như: Hà Nội, Hải Phòng Quảng Ninh. Bên cạnh đó, các lồng còn lại ông bố trí nuôi cá lăng chấm, cá diêu hồng để thu hoạch ở các thời điểm khác nhau để quay vòng vốn mua thức ăn cho cá, phù hợp với điều kiện của gia đình. Doanh thu từ 25 lồng cá của ông Tung mỗi năm đạt trên 5 tỷ đồng, sau khi trừ các khoản chi phí về giống, thức ăn, khâu chăm sóc… thu lãi khoảng 1 tỷ đồng./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh

Các tin mới

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang