• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nuôi cua thương phẩm bằng con giống sinh sản nhân tạo, đáp ứng nhu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng

Nguồn tin: Khuyến Nông TPHCM, 13/09/2019
Ngày cập nhật: 16/9/2019

Cua biển là một trong những đối tượng thủy sản nước lợ có thành phần dinh dưỡng và giá trị kinh tế cao, vì được thị trường ưa chuộng. Nhưng thời gian qua nguồn giống nuôi chủ yếu được sử dụng từ nguồn giống tự nhiên, không chủ động được chất lượng cũng như sản lượng giống và kỹ thuật nuôi áp dụng theo kinh nghiệm dân gian, nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Nguồn giống cua biển ngoài tự nhiên ngày càng khan hiếm, vì thế để đáp ứng tốt nhu cầu thị trường, đa dạng hóa đối tượng nuôi, những năm gần đây công nghệ sản xuất giống cua thương phẩm nhân tạo đã được nghiên cứu thành công và triển khai hiệu quả ở nhiều nơi. So với nguồn cua giống tự nhiên, nguồn giống nhân tạo có nhiều ưu điểm vượt trội kích cỡ đồng đều, sạch bệnh, sức đề kháng cao và tốc độ tăng trưởng nhanh.

Nhằm chuyển giao nguồn giống nhân tạo, kỹ thuật nuôi giúp các hộ sản xuất hiệu quả, Trạm Khuyến nông huyện Nhà Bè trực thuộc Trung tâm Khuyến Nông Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) triển khai mô hình trình diễn “Nuôi cua thương phẩm bằng con giống sinh sản nhân tạo” với quy mô 01 ha/02 hộ (tại ấp 2, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè). Mô hình được thực hiện với nguồn cua giống từ tỉnh Cà Mau (kích cỡ 01 cm/01 con), mật độ nuôi trong ao 1,5 con/m2, thời gian nuôi 150 ngày. Thức ăn cho cua là thức ăn công nghiệp (loại sử dụng cho tôm sú có hàm lượng đạm > 35% , sử dụng thức ăn này giúp cua tăng trưởng tốt và hạn chế ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, vào tháng nuôi thứ 2 trở đi, các hộ sử dụng thêm thức ăn cá tạp để giảm chi phí nuôi,…

Kết quả, tỷ lệ sống đạt 30% (vì do thời gian thả nuôi gặp mưa nhiều, làm độ mặn xuống thấp, ảnh hưởng đến tỷ lệ sống của cua). Nhưng trong quá trình nuôi, không xuất hiện bệnh, nên cua đạt trọng lượng kích cỡ thương phẩm (trung bình đạt 250 - 300 gram/con).

Theo 02 hộ tham gia mô hình đều cho biết: Tuy thời điểm thả giống gặp nhiều cơn mưa lớn, cua giống bị hao hụt, nhưng trong quá trình nuôi áp dụng đúng hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật về thời gian thay nước, xử lý nước, bổ sung thức ăn tạp cho cua,… đã giúp cua không bị bệnh, phát triển đều. Đồng thời, cua bán được giá (trung bình 200.000 đồng/01 kg), nên mô hình đạt hiệu quả và có thể nhân rộng tốt cho những đợt nuôi tiếp theo. Nhận thấy hiệu quả mang lại cho hộ nuôi, chị Lê Thị Hồng Vân (82/4, ấp 2, xã Hiệp Phước) là hộ tiên phong đăng ký tham gia thực hiện mô hình khi Khuyến nông triển khai trong đợt sắp tới tại xã Hiệp Phước huyện Nhà Bè.

Đại diện Phòng Kinh tế huyện, ông Nguyễn Văn Dẫu phát biểu: “Mô hình đã giúp hộ nuôi đạt hiệu quả, góp phần cung cấp sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, từng bước đa dạng hóa đối tượng nuôi cho bà con nông dân trong điều kiện nuôi tôm gặp nhiều khó khăn. Nhưng để tiếp tục giúp nông dân đa dạng hóa hơn nữa với nhiều đối tượng nuôi thủy sản, Khuyến nông Thành phố nên cập nhật và áp dụng thêm nhiều mô hình mới, giúp nâng cao kỹ thuật cũng như hiệu quả mô hình, như mô hình nuôi cua trong hệ thống tuần hoàn (là hệ thống crab house - CH) được thiết kế với các hộp riêng cho mỗi cá thể, với hệ thống cấp thoát nước liên tục đảm bảo cung cấp đủ oxy cho cua, hạn chế được sự ăn lẫn nhau của cua. Hệ thống cho phép người nuôi theo dõi tỉ lệ sống và tăng trưởng của từng cá thế, hiệu quả hơn trong việc cho ăn và sử dụng thức ăn, giúp tiết kiệm chi phí và tăng hiệu quả của mô hình nuôi.

Bà Nguyễn Thị Gái Nhỏ - Phó Trưởng Phòng Kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông TP.HCM ghi nhận ý kiến của đại diện Phòng Kinh tế huyện, cũng như của nông dân đã đề xuất ý kiến thay đổi thời gian triển khai mô hình (khoảng tháng 1 - 3 dương lịch) sẽ đảm bảo thời tiết thuận lợi hơn, tránh mưa nhiều, giúp con giống phát triển tốt, đạt hiệu quả. Bên cạnh đó, theo bà Nguyễn Thị Gái Nhỏ cũng đề nghị hộ tham gia mô hình nên nâng cao mật độ nuôi phù hợp, nhằm tăng sản lượng. Đồng thời, với những hộ có ao nuôi lớn, trong thời gian 01 tháng nuôi đầu tiên nên ngăn ao ra để dễ quản lý con giống, sau thời gian đó bắt đầu bổ sung độ đạm cho cua bằng những thức ăn cá tạp, giúp cua phát triển nhanh, đạt chất lượng, góp phần nâng cao mô hình ngày càng hiệu quả hơn.

M.Hiếu

Các tin mới

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang