• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Đồng bằng sông Cửu Long: Sẵn sàng trước mùa mưa lũ

Nguồn tin: Báo Hậu Giang, 08/07/2019
Ngày cập nhật: 10/7/2019

Cuối tháng 6 và đầu tháng 7-2019, ĐBSCL liên tục xuất hiện mưa lớn và kéo dài. Đây là thời điểm bắt đầu mùa lũ thường niên. Việc các địa phương đầu nguồn lũ xây dựng hệ thống đê bao sản xuất lúa 3 vụ/năm đã khiến nước lũ dồn về hạ nguồn, cùng với triều cường phá vỡ hàng loạt tuyến đê bao ở các cồn trên sông Tiền và sông Hậu trong những năm qua là những diễn biến khó lường. ĐBSCL cần chủ động ứng phó với mùa mưa lũ.

Mùa nước nổi nông dân huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, tìm được nhiều sinh kế. Trong ảnh, nông dân huyện Phụng Hiệp có thu nhập ổn định nhờ trồng bông súng.

Mực nước có thể lên bất thường

Những ngày đầu tháng 7-2019, ông Phạm Út, ở xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, đang chuẩn bị thu hoạch lúa Hè thu để chuẩn bị đón lũ về. Lão nông Phạm Út năm nay đã bước qua tuổi 70. Ông là một trong những lão nông cố cựu ở xã Thường Phước 1, nằm giáp ranh biên giới với Campuchia. Ông Út tâm sự: “Hai năm qua hơi buồn, vì đất trồng lúa vụ Hè thu không trúng. Có lẽ làm lúa 3 vụ/năm nhiều năm quá đất bạc màu. Bù lại, hai năm qua địa phương chủ trương bỏ lúa vụ 3 (Thu đông), mở đê lấy nước, bồi phù sa cho đồng ruộng cũng mừng”. Đây là việc làm đúng đắn mà tỉnh Đồng Tháp đang thực hiện phù hợp với chủ trương của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giảm bớt diện tích đất lúa, để tránh gây áp lực tìm đầu ra cho hạt gạo.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương: “Mùa lũ 2019, ít có khả năng xuất hiện lũ sớm ở đầu nguồn sông Cửu Long. Đỉnh lũ năm ở đầu nguồn sông Cửu Long ở mức báo 1, báo động 2, thấp hơn đỉnh lũ trung bình nhiều năm. Tuy ít có khả năng xuất hiện lũ lớn, nhưng tiềm ẩn nguy cơ cường suất lũ lên nhanh hơn bình thường do tác động điều tiết dòng chảy từ thượng lưu”. Việc các nước thượng nguồn sông Mekong xây dựng các đập thủy điện đang tạo ra những hệ lụy khó lường: làm thay đổi dòng chảy tự nhiên. Các đập này xả lũ nhiều cùng với lượng mưa lớn có thể khiến mực nước ĐBSCL lên nhanh.

Xả lũ nông dân sẽ tìm được sinh kế bằng nghề đánh bắt thủy sản.

Trong khi đó, theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ: Qua số liệu thống kê cho thấy tác động của thủy triều Biển Đông vào ĐBSCL càng ngày càng vào sâu hơn trên sông Cửu Long. Cụ thể, từ năm 2000-2018, dòng chảy trung bình từ biển qua Tân Châu, Châu Đốc có xu thế tăng nhanh. Qua Tân Châu dòng chảy trung bình từ biển tăng đến 54,66%; qua Châu Đốc dòng chảy trung bình từ biển tăng đến 53,49%... Đối với các tỉnh ĐBSCL, mùa mưa bão thường kéo dài từ khoảng tháng 4 đến tháng 11 hoặc tháng 12 hàng năm và xu hướng xoáy thuận nhiệt đới đang ngày càng ảnh hưởng nhiều hơn đến khu vực. Do đó, tình trạng ngập do mưa trở nên thường xuyên hơn. Đặc biệt, trong những năm gần đây, tình trạng đô thị hóa tăng lên, nhưng cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ và khả năng thoát nước trong các khu đô thị kém càng gia tăng thêm tình trạng ngập. Đây là những tác nhân chính dẫn đến các đô thị ở Cần Thơ, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bạc Liêu bị ngập cục bộ trong mùa lũ.

Không chủ quan !

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường: Năm 2018, khu vực Nam bộ có tổng lượng dòng chảy 3 tháng mùa lũ (tháng 7 đến tháng 9) về đầu nguồn sông Cửu Long rất lớn, ở mức cao hơn trung bình nhiều năm từ 10-35%, tương đương năm 2011. Trong đó, tháng 8 là tháng có tổng lượng dòng chảy cao nhất trong các năm lũ lớn tính từ năm 2000 trở lại đây, mực nước đỉnh lũ năm vượt mức báo động 2. Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ: Nhiệm vụ dự báo lũ trên sông Cửu Long là nhiệm vụ trọng tâm của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực cũng như các đài khí tượng thủy văn tỉnh trong mùa mưa lũ hàng năm, dự báo, cảnh báo kịp thời các đợt nước lên, các đợt biến động dòng chảy trên sông Mekong. Ngoài việc dự báo cho các trạm trên dòng chính, những năm gần đây các đài khí tượng thủy văn tỉnh còn triển khai dự báo cho khu vực nội đồng, góp phần tích cực trong việc phát triển một cách bền vững trong khu vực.

Việc các tỉnh đầu nguồn, như: Đồng Tháp, An Giang và ngay cả địa phương ở hạ nguồn như Hậu Giang đều chủ trương giảm diện tích lúa vụ 3 được xem là một định hướng đúng trong bối cảnh mùa lũ và triều cường ngày càng diễn biến khó lường. Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Hiện diện tích đê bao khép kín của tỉnh có 48.000ha. Nhưng diện tích lúa vụ 3 tới đây chỉ sản xuất khoảng 39.000ha (giảm gần 20.000ha so với năm ngoái) để hạn chế những thiệt hại không đáng có do ngập lũ gây ra. Trong những năm gần đây, lũ về thường gây thiệt hại cho diện tích trồng mía của nông dân huyện Phụng Hiệp. Hiện diện tích mía tại huyện Phụng Hiệp đã được khoanh vùng lại trong vùng đê bao để tránh thiệt hại trong mùa lũ”.

Biến đổi khí hậu làm cho thời tiết ngày càng phức tạp, xuất hiện ngày càng nhiều hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm. Hiện tượng mưa lũ lớn, giông, sét, hạn hán, xâm nhập mặn, bão, áp thấp nhiệt đới rất phức tạp. Việc các đài khí tượng thủy văn sớm đưa ra dự báo để các địa phương chủ động ứng phó là rất cần thiết. Năm 2018, trong tháng 10, mực nước tại các trạm hạ lưu sông Cửu Long chịu ảnh hưởng của 2 đợt triều cường, mực nước cao nhất tại các trạm vùng hạ lưu trên sông Tiền tại Mỹ Thuận là 2,07m (ngày 9-10) trên mức báo động 3 là 0,27m, vượt mức lịch sử năm 2011 là 0,04m; trên sông Hậu tại Cần Thơ là 2,23m (ngày 10-10) trên mức báo động 3 là 0,33m, vượt mức lịch sử năm 2011 là 0,08m và cao hơn năm 2000 là 0,44m, gây ngập lụt nghiêm trọng cho khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ và một số tỉnh ở ĐBSCL.

Trước mùa mưa lũ đang đến, chính quyền địa phương cần rà soát, có biện pháp hỗ trợ người dân ở những vùng thường xuyên bị lũ uy hiếp là rất cần thiết. Tránh những thiệt hại như vỡ đê bao trồng lúa ở An Giang, đê bao ở các cồn trong mùa lũ năm 2018 đã xảy ra ở Cần Thơ, Vĩnh Long… Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, đề nghị: Các địa phương cần chủ động vận động tuyên truyền cùng người dân gia cố hệ thống đê bao, chủ động bảo vệ đất sản xuất nông nghiệp trước mùa mưa lũ.

Bài, ảnh: VĨNH TƯỜNG

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang