• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Kiên Giang: Cần xây dựng cho nước mắm truyền thống bộ tiêu chuẩn riêng

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Kiên Giang, 19/03/2019
Ngày cập nhật: 21/3/2019

Bộ Khoa học và Công nghệ đã yêu cầu Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, tạm dừng công bố TCVN 1607:2019 về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm để tiếp tục xin ý kiến hoàn thiện. Mặc dù rất vui, nhưng các nhà thùng nước mắm ở huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang vẫn chưa thực sự an tâm, lo ngại nghề truyền thống của mình trước nguy cơ mất đi “hồn cốt”. Hầu hết nhà thùng nước mắm Phú Quốc đều mong muốn xây dựng cho nước mắm truyền thống bộ tiêu chuẩn riêng.

Nhà thùng nước mắm Khải Hoàn trên đảo Phú Quốc (Kiên Giang).

Trên cả nước hiện có khá nhiều làng nghề truyền thống nước mắm mang đặc tính, đặc trưng của từng vùng, miền về giá trị kinh tế, văn hóa xã hội. Riêng đảo Phú Quốc, nghề sản xuất nước mắm truyền thống có bề dày lịch sử hơn 200 năm với sản phẩm nổi tiếng “Nước mắm Phú Quốc”, không ngừng phát triển. Người dân đảo Phú Quốc nói riêng và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung rất đỗi tự hào về sản phẩm độc đáo này, dù có đi đâu, về đâu, ở bất cứ nơi nào cũng không sao quên được mùi vị nước mắm Phú Quốc đậm đà. Nước mắm Phú Quốc không những có giá trị về cốt cách văn hoá của cư dân đảo ngọc mà còn là sản phẩm du lịch đặc trưng của biển đảo quê hương.

Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng cho biết, nghề chế biến nước mắm ở đảo Phú Quốc hình thành, phát triển hơn 2 thế kỷ qua, đã được công nhận nghề và làng nghề truyền thống. Hơn 50 nhà thùng hiện nay sản xuất khoảng 25 - 30 triệu lít/năm từ 20 - 43 độ đạm, cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu, mang lại giá trị kinh tế hàng trăm tỷ đồng, tạo công an việc làm cho hàng ngàn lao động. Năm 2001, Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho nước mắm truyền thống Phú Quốc. Năm 2012, chỉ dẫn địa lý nước mắm Phú Quốc được Uỷ ban Châu Âu cấp quy chế bảo hộ tại liên minh Châu Âu. Đây là sản phẩm đầu tiên từ Việt Nam được Châu Âu công nhận chỉ dẫn địa lý đã tạo điều kiện cho nước mắm Phú Quốc vươn ra thế giới những năm qua và tiếp tục trên đà phát triển, góp phần quảng bá, giới thiệu tiềm năng Phú Quốc với bạn bè quốc tế, nhất là du lịch đảo ngọc.

Bà Hồ Kim Liên, Chủ tịch Hội Nước mắm Phú Quốc chia sẻ: Nước mắm Phú Quốc có những tính chất rất đặc trưng mà những vùng, miền khác không có được do nguyên liệu sản xuất nước mắm chỉ có cá cơm và muối theo tỷ lệ đã quy định 3 cá + 1 muối. Thêm nữa, vùng biển khai thác cá cơm, điều kiện tự nhiên, khí hậu ở đảo Phú Quốc cũng là những yếu tố quyết định, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm nước mắm. Tất cả nhà thùng nước mắm Phú Quốc đều sản xuất chế biến theo quy trình truyền thống với các công đoạn thủ công, từ khâu đánh bắt sơ chế nguyên liệu trên biển đến việc ủ chượp cá cơm trong những thùng gỗ lớn, thời gian 12 - 15 tháng mới cho ra nước mắm ngon Phú Quốc nổi tiếng từ xưa đến nay không thể lẫn lộn vào bất cứ sản phẩm cùng loại nào khác. Theo đó, nước mắm Phú Quốc không những có giá trị văn hóa truyền thống rất lâu đời, chất lượng sản phẩm được bảo vệ và phát triển mà còn là văn hoá ẩm thực đặc sắc của người Việt đi khắp 5 châu, trở thành niềm tự hào của người Việt Nam trên khắp thế giới, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Kiên Giang nói chung, huyện Phú Quốc nói riêng.

Theo các nhà thùng nước mắm Phú Quốc “dự thảo” của bộ tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12607:2019 không có một điều khoản nào liên quan đến nước mắm truyền thống, thậm chí còn “bức tử” nước mắm truyền thống. Ông Phạm Huỳnh Quốc Thanh, chủ nhà thùng nước mắm Kim Hoa (Phú Quốc) cho hay: Bộ tiêu chuẩn TCVN 1607:2019 áp dụng đối với các loại “nước chấm”, “nước mắm công nghiệp” thì thích hợp hơn, nhưng không phù hợp với quy trình làm nước mắm truyền thống. Hơn nữa, nước chấm và nước mắm truyền thống hoàn toàn khác nhau, quy trình sản xuất chế biến không giống nhau nên không thể đánh đồng, nhập chung làm một giữa nước chấm và nước mắm truyền thống.

Các thành viên Hội Nước mắm Phú Quốc yêu cầu ngành chức năng cần phân biệt rạch ròi 2 khái niệm “nước chấm” và “nước mắm truyền thống”. Nếu xây dựng bộ tiêu chuẩn quốc gia về nước mắm truyền thống thì nên lấy ý kiến thực tế của các làng nghề sản xuất nước mắm truyền thống nổi tiếng trên cả nước để xây dựng bộ tiêu chuẩn riêng, không thể áp dụng chung bộ tiêu chuẩn đối với nước chấm hay mắm công nghiệp. Mặt khác, phương pháp, quy trình sản xuất nước mắm ở mỗi vùng, miền khác nhau về nguyên liệu đầu vào, điều kiện khí hậu và mang đặc trưng riêng của từng địa phương... Nếu xây dựng bộ tiêu chuẩn cần khảo sát thật kỹ từng vùng, miền, địa phương để giúp người sản xuất hướng đến những sản phẩm đã tốt thì càng tốt hơn, chất lượng hơn, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, tạo sự cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh giữa các nhà sản xuất.

Bà Hồ Kim Liên, Chủ tịch Hội Nước mắm Phú Quốc khẳng định: ”Nước mắm Phú Quốc là sản phẩm du lịch của địa phương, đồng thời cũng là sản phẩm đạt chỉ dẫn địa lý tại Liên minh Châu Âu, sản phẩm có giá trị vô hình của nét văn hóa vùng miền, là thương hiệu quốc gia mà tất cả doanh nghiệp sản xuất nước mắm trên đảo Phú Quốc đang giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị của đặc sản này, giữ vững chữ tín với khách hàng, an toàn khi sử dụng. Nước mắm Phú Quốc truyền thống là danh dự. Vì vậy, cần hợp thức hóa tên gọi nước mắm truyền thống, không nhập nhòa ranh giới giữa nước mắm truyền thống và nước chấm hay nước mắm công nghiệp. Cần thiết thì có tiêu chuẩn cho nước mắm truyền thống và tiêu chuẩn cho nước chấm, không thể đưa ra tiêu chuẩn chung cho hai loại sản phẩm như vậy, rất không ổn và bất cập.”

Ông Huỳnh Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Phú Quốc chia sẻ: “Tháng 7/2013, Liên minh châu Âu đã trao chứng nhận tên gọi xuất xứ “Phú Quốc” cho sản phẩm nước mắm Việt Nam tại Brussels (Vương quốc Bỉ). Đây là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được Uỷ ban Châu Âu cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Nếu dự thảo TCVN 1607:2019 được ban hành thì chứng nhận này không còn ý nghĩa gì.”

Lê Huy Hải

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang