• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

10 tỉ USD - cơ hội và thách thức cho ngành thủy sản

Nguồn tin: Báo Cần Thơ, 14/03/2019
Ngày cập nhật: 16/3/2019

Năm 2019, ngành thủy sản kỳ vọng đạt 10 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu. Thế nhưng, để hoàn thành được mục tiêu này, cần thấy được cơ hội và nhận diện rõ những thách thức đang tồn tại để có cách ứng phó vượt qua…

Mục tiêu 10 tỉ USD

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đánh giá, 2018 là một năm tương đối khó khăn đối với ngành thủy sản khi kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 9 tỉ USD, tăng chỉ 6% so với 2017. Cụ thể, nếu như xuất khẩu cá tra tăng vượt bậc với kim ngạch đạt 2,26 tỉ USD, tăng 26%, thì xuất khẩu tôm đã có một năm không ổn định khi kim ngạch chỉ đạt 3,6 tỉ USD, giảm gần 8% so với năm 2017...

Thủy sản cần nhận diện được cơ hội và thách thức để đạt mục tiêu xuất khẩu 10 tỉ USD. Trong ảnh: Nhân công chế biến cá tra xuất khẩu. Ảnh: T.C

Tuy xuất khẩu thủy sản năm 2018 không thật sự nổi bật, nhưng ông Hòe kỳ vọng ngành hàng này sẽ đạt mức kim ngạch xuất khẩu 10 tỉ USD trong năm 2019. Vậy cơ sở nào để VASEP đưa ra kỳ vọng như vậy?

Theo lý giải của VASEP, năm 2018, ngành thủy sản chỉ tăng trưởng 6% so với năm 2017 là tương đối thấp so với “thực lực” thật sự của ngành. Bởi, thủy sản hoàn toàn có thể đạt mức tăng trưởng 10% và nếu cố gắng phấn đấu trong điều kiện thuận lợi xuất khẩu có thể đạt mức tăng trưởng 12%. “Với tiềm năng lớn mạnh sẵn có chưa được phát huy hết, bên cạnh các cơ hội tăng trưởng kinh tế của Việt Nam khi hiệp định thương mại song phương giữa Việt Nam và các nước được ký kết và có hiệu lực, ngành thủy sản Việt Nam sẽ tận dụng được các ưu đãi thuế quan để tiếp tục tăng trưởng, đưa kim ngạch xuất khẩu có thể hoàn thành mục tiêu 10 tỉ USD của năm 2020 trong năm 2019”, theo VASEP.

Dẫn ví dụ đối với ngành tôm, theo ông Hòe, trong năm 2018, ngành này chưa phát huy hết tiềm lực và thế mạnh của ngành so với các nhóm sản phẩm chính, đồng thời chưa tạo được thế cạnh tranh với các đối thủ như Ấn Độ, Thái Lan, Ecuador, Indonesia,… dẫn đến ngành tôm chỉ đạt 3,6 tỉ USD, giảm 8% so với 2017. Để hoàn thành kế hoạch, VASEP kỳ vọng ngành tôm đạt 4,2 tỉ USD trong năm 2019; ngành cá tra đạt 2,3 tỉ USD và mục tiêu ngành hải sản Việt Nam là 3,5 tỉ USD trong năm 2019.

Cơ hội cho thủy sản

Bà Phạm Thị Tố Tâm, Chuyên viên phân tích ngành hàng thủy sản của Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt, cho biết, ngành thủy sản Việt Nam năm 2019 có nhiều cơ hội “bứt phá” để đạt mục tiêu như kỳ vọng.

Cụ thể, đối với thị trường Mỹ, cá tra Việt Nam được Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) chuẩn bị công nhận tương đương với hệ thống kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm của quốc gia này. “Mặt khác, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc tạo ra cơ hội lớn và nhiều khả năng cá tra Việt Nam có thể trở thành mặt hàng thay thế cho cá rô phi Trung Quốc vào Mỹ”, bà Tâm cho biết và nói rằng thuế chống bán phá giá đối với tôm và cá tra ở thị trường này cũng đã giảm rất mạnh. Đối với thị trường Liên minh châu Âu (EU), thì Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) nếu được ký kết và có hiệu lực sẽ tạo ra cơ hội thúc đẩy kéo giảm thuế quan, giúp tăng trưởng xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào EU. Trong khi đó, với thị trường Trung Quốc, mặc dù có một số diễn biến thay đổi, nhưng sẽ tạo ra cơ hội cho xuất khẩu Việt Nam vào thị trường này, đó là việc Chính phủ Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động về môi trường, mà cụ thể là buộc các cơ sở nuôi thủy sản không có giấy phép hoặc gây ô nhiễm môi trường phải đóng cửa. Kế đến nữa, kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu đi xuống nên Chính phủ đang cắt giảm đầu tư vào các hoạt động đánh bắt xa bờ cũng là một điểm thuận lợi cho Việt Nam trong việc xuất khẩu thủy sản. Từ tháng 7-2018 Trung Quốc giảm thuế nhập khẩu các mặt hàng thủy sản cho các nước, trong đó, có Việt Nam cũng là một cơ hội gia tăng xuất khẩu thủy sản.

Còn với các thị trường khối CPTPP, theo cam kết của các nước trong khối này, khi CPTPP có hiệu lực, thì nhiều mặt hàng thủy sản sẽ giảm thuế ngay về 0% tại Canada, Peru và các nước khác có lộ trình giảm thuế về 0% trong lộ trình dài nhất là 16 năm. Đây cũng là cơ hội để thủy sản Việt Nam đẩy mạnh khai thác những thị trường này...

Thách thức phải vượt qua

Cơ hội là rất nhiều, nhưng để tận dụng được những cơ hội ấy, cần vượt qua những thách thức mà ngành này đang phải đối mặt, đặc biệt, là ở các thị trường Mỹ, EU, Trung Quốc.

Đối với Mỹ, thứ nhất, thuế chống bán phá giá cá tra và tôm liên tục được xem xét hằng năm; thứ hai, việc kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm theo đạo Luật Nông trại và Chương trình truy xuất nguồn gốc áp dụng cho 13 mặt hàng thủy sản, trong đó, có rất nhiều mặt hàng thủy sản Việt Nam xuất vào Mỹ.

Liên quan đến thuế chống bán phá giá, theo ông Hòe, hiện các doanh nghiệp đang bị sức ép lớn tại thị trường Mỹ, mà cụ thể họ luôn trong tình trạng thụ động với cách tính thuế của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) qua từng kỳ rà soát dẫn đến doanh nghiệp lo ngại về thuế khi xuất khẩu vào thị trường này. Để giảm thiểu ảnh hưởng của thuế chống bán phá giá và sắp tới là các vấn đề phát sinh từ Chương trình giám sát nhập khẩu thủy sản của Mỹ (SIMP) cũng như sức ép giá thấp từ Ấn Độ, thì các doanh nghiệp cần có kế hoạch tăng tỷ lệ xuất khẩu các mặt hàng giá trị gia tăng để không bị áp thuế chống bán phá giá.

Với khối EU, theo bà Tâm, Hiệp định thương mại tự do sẽ đi kèm các điều kiện khắt khe về an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm dịch và môi trường. “Vì vậy, trong quá trình sản xuất và chế biến doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý đáp ứng đúng yêu cầu thị trường”, bà khuyến cáo và cho rằng thẻ vàng hải sản cũng là vấn đề cần chú trọng khắc phục. Còn đối với Trung Quốc, cá tra là mặt hàng đem lại lợi nhuận cao cho doanh nghiệp thủy sản Việt Nam, cho nên, nông dân Trung Quốc đã đầu tư rất mạnh để cạnh tranh với cá tra Việt Nam.

Vì vậy, theo ông Võ Hùng Dũng, Tổng thư ký Hiệp hội cá tra Việt Nam (VINAPA), nếu các nước, trong đó có Trung Quốc, nuôi đạt sản lượng đủ lớn, thì rất có thể họ sẽ hình thành những nhóm hiệp hội ngành nghề để bảo vệ lợi ích của họ. “Như vậy, họ sẽ đấu tranh, dựng lên rào cản để bảo vệ lợi ích ngành hàng của họ khi chúng ta gia tăng xuất khẩu vào đây”, ông cho biết.

“Như vậy, chiến lược chúng ta sẽ như thế nào đối với chuyện này? Việt Nam cần có chiến lược điều hành thông minh bằng cách tiếp tục gia tăng sản lượng để hạ giá xuống, chứ không nên giảm sản lượng để tăng giá. Nếu chúng ta không gia tăng sản lượng, không hạ được giá xuống, thì nó sẽ là động lực kích thích tất cả các quốc gia có điều kiện tương tự sẽ nuôi cá tra”, ông Dũng cho biết.

Doanh nghiệp muốn tận dụng được các cơ hội, thì phải vượt qua những thách thức và việc thay đổi phải được thực hiện ở tất cả các khâu của chuỗi thủy sản, bao gồm từ nuôi trồng, đánh bắt đến chế biến xuất khẩu.

T.C

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang