• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Cá tra, basa từ chợ quê đi ra thế giới

Nguồn tin: Nông Nghiệp VN, 02/01/2019
Ngày cập nhật: 3/1/2019

Cá tra, basa đã được nông dân ĐBSCL nuôi từ khá lâu, nhưng suốt một thời gian dài, nó chỉ là một loại thực phẩm bán ở các chợ quê vùng sông nước Nam Bộ.

Mãi đến cuối thập niên 1980, cá tra, basa mới được một doanh nhân chú ý tới và giới thiệu tới đối tác nước ngoài. Từ đây, cá tra, basa bắt đầu một hành trình dài từ chợ quê đi ra thế giới, với sự đóng góp công sức của nhiều thế hệ doanh nhân, nông dân, nhà khoa học, tổ chức trong và ngoài nước.

Thực phẩm chợ quê

Không ai biết chính xác cá tra, basa được nông dân ĐBSCL nuôi từ bao giờ. Trong ký ức về thời tuổi thơ của bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Cty CP Vĩnh Hoàn (Đồng Tháp), người gắn bó suốt cả quãng đời thơ ấu bên bờ sông Cửu Long vùng giáp biên giới Campuchia, thuộc thị trấn Long Bình, huyện An Phú, An Giang, nghề nuôi cá lồng bè trên sông Cửu Long được những kiều bào sống ở Biển Hồ (Campuchia) mang về. Trong những loài cá được nông dân nuôi trong lồng bè, có con cá basa. Còn con cá tra, từ hàng chục năm trước, đã được nhiều nông hộ lấy cá giống từ tự nhiên, thả vào nuôi trong ao đất.

Nuôi cá tra trong ao - mô hình tốt nhất và duy trì tới hôm nay (Ảnh: Lê Hoàng Vũ)

Ngày ấy, cá basa được người dân địa phương gọi là con cá bụng và nó có cái bụng trắng phình to chứa 2 lá mỡ lớn. Nông dân mua cá giống từ khai thác tự nhiên, đem về thả vào các lồng bè, rồi nấu thức ăn cho cá bằng cám gạo, rau muống… Chỉ ăn vậy thôi mà cá basa, con nào con nấy đều béo ngậy, thịt trắng và thơm ngon. Đến lúc thu hoạch, người nuôi cá chèo chống cả bè cá đi bán ở những chợ đầu mối. Sau đó, cá tỏa đi khắp các chợ quê ĐBSCL và dần trở thành một loại thực phẩm quen thuộc trong bữa cơm của nhiều người dân Nam Bộ qua những món ăn đặc trưng của vùng châu thổ như canh chua, cá kho tộ, cá bụng nấu mắm Châu Đốc chấm rau đồng …

Đến thập niên 1980, cá tra, basa vẫn chỉ là sản phẩm địa phương, được nông dân nuôi tự phát và tiêu thụ ở các chợ quê. Chưa có ai nghĩ tới việc thương mại hóa cá tra, basa, càng không nghĩ tới chuyện tổ chức sản xuất và xuất khẩu.

Đi ra thế giới

Đến cuối những năm 1980, cá basa mới bắt đầu lọt vào “mắt xanh” của một số doanh nhân thủy sản Việt Nam và Úc. Doanh nhân người Việt đầu tiên nhận thấy tiềm năng xuất khẩu cá basa là ông Nguyễn Thành Hưng (Mười Hưng), Giám đốc Xí nghiệp Đông lạnh Xuất khẩu I (nay là Cty Thực phẩm Đông lạnh Xuất khẩu Sài Gòn) ở TP.HCM.

Thường xuyên về ĐBSCL để thu mua thủy sản xuất khẩu, ông Hưng đã quen với hình ảnh và hương vị của cá basa qua những món ăn dân dã nơi này. Nhận thấy cá basa với thớ thịt trắng, béo bùi, dễ dàng chế biến được nhiều sản phẩm, món ăn và có thể thay thế cho cá biển, ông Mười Hưng đã bắt đầu nghĩ tới việc chế biến, xuất khẩu loại cá này. Mười Hưng giới thiệu cá basa với đối tác người Úc, và được họ chấp nhận.

Năm 1987, với sự hướng dẫn của Cty Independent Seafood của Úc, Xí nghiệp Đông lạnh Xuất khẩu I đã bắt đầu tiến hành chế biến philê cá basa. Sau đó, Cty Independent Seafood đã đặt mua 2 tấn philê cá basa mang về Úc làm mẫu, giới thiệu tới người tiêu dùng nước này. Chỗ cá đó nhanh chóng được người Úc đón nhận nồng nhiệt. Ngay sau đó, Cty Independent Seafood chính thức đặt mua những lô hàng philê cá basa tiếp theo. Và ông Mười Hưng đã được ghi danh vào lịch sử của ngành hàng cá tra với tư cách là người đầu tiên đưa cá tra, basa vượt ra khỏi biên giới Việt Nam, để đến với thị trường thế giới. Đó là tiền đề quan trọng để cá tra, basa thay đổi thân phận, từ một sản phẩm chỉ quanh quẩn ở các chợ quê chuyển mình thành một sản phẩm xuất khẩu, từ ao làng đi ra biển cả mênh mông của thị trường thế giới.

Nghề nuôi hình thành

Không dừng lại ở đó, ông Nguyễn Thành Hưng còn là người đi tiên phong trong việc tổ chức nuôi basa theo hướng sản xuất hàng hóa nhằm chủ động nguồn nguyên liệu.

Thu hoạch cá tra (Ảnh: Lê Hoàng Vũ)

Trong hơn 30 năm qua, cá tra, basa đã đi một bước rất dài, từ một sản phẩm nuôi tự phát, phục vụ nhu cầu tại chỗ, trở thành một ngành hàng sản xuất lớn, từ chợ quê đi ra thế giới. Hành trình đi ra biển lớn của cá tra, basa có sự đóng góp thầm lặng của bao thế hệ doanh nhân, nông dân, nhà khoa học và các tổ chức trong và ngoài nước. Chính những con người ấy bằng bàn tay, khối óc của mình, đã cùng nhau đánh thức được một tiềm năng to lớn của ĐBSCL từ một món quà quý giá mà dòng Mekong đã ban tặng cho vùng đất này: Cá tra, basa.

Năm 1988, ông đã liên kết với Cty Mekong ở Châu Đốc (An Giang) và đầu tư 300 lượng vàng để công ty này đóng 10 bè gỗ nuôi cá basa trên sông Hậu. Ông cam kết bao tiêu toàn bộ sản lượng cá. Bắt đầu từ đó, nghề nuôi lồng bè cá basa ở Châu Đốc phát triển mạnh và nhanh chóng được nhân rộng ra những nơi khác. Nguồn nguyên liệu cá hàng hóa tăng lên giúp cho việc hình thành dần ngành hàng cá basa khi có thêm sự xuất hiện của những nhà máy mới chuyên chế biến xuất khẩu sản phẩm này.

Đầu những năm 1990, những người nuôi cá basa bắt đầu tính tới việc thay thế dần con cá này bằng cá tra. Nguyên nhân là do đầu tư một bè cá rất tốn kém vì phải dùng gỗ tốt, mà cá basa lại không thể nuôi quá dầy trong bè, nên chi phí sản xuất khá cao. Trong khi đó, cá tra tuy màu sắc thịt không trắng sáng như basa, nhưng lại ít mỡ, tỷ lệ thu hồi cao và có thể nuôi với mật độ cao.

Trước đó, cá tra vốn chỉ được nuôi trong các ao đất nên giá trị thấp vì thịt có màu vàng hay vàng chanh, và chỉ được tiêu thụ tại địa phương. Khi được đưa vào nuôi ở các lồng bè, cá tra phát triển rất tốt, tỷ lệ cá đạt chất lượng thịt trắng tăng mạnh, lợi nhuận cao hơn tới 30 - 40% so với cá tra sau 1 chu kỳ nuôi. Một số nhà máy mạnh dạn thu mua cá tra đưa vào chế biến xuất khẩu với tên gọi là River Cobler.

Khi ra thị trường thế giới, cá tra với giá thấp hơn basa và có màu trắng hồng, đã nhanh chóng được chấp nhận. Từ đó, xu thế chuyển nuôi bè từ cá basa sang cá tra trở nên mạnh mẽ hơn. Bà Trương Thị Lệ Khanh cho rằng đây là cột mốc quan trọng đánh dấu sự chuyển đổi phương thức nuôi, góp phần cải thiện chất lượng thịt cá xuất khẩu.

Tới năm 1993, một số người nuôi cá tra hàng hóa bắt đầu thử nghiệm đào ao nuôi cá thay vì nuôi bè. Sở dĩ có điều này là vì nuôi bè chi phí khá cao, và mỗi khi người nuôi đi trên bè gỗ tạo ra tiếng kêu “cọt kẹt”, cả đàn cá trong bè lại rộ lên, vẫy bơi mạnh, đâm đầu vào bè. Điều này vừa khiến cá tra bị stress ảnh hưởng tới sự tăng trưởng, và làm tăng việc tiêu tốn thức ăn.

Khác với nuôi ao thời cá tra vẫn chỉ là sản phẩm địa phương, những người nuôi ao cá tra hàng hóa đã kết hợp nuôi bè và nuôi ao truyền thống bằng cách đào ao trên các cồn hoặc dọc theo bờ sông để lợi dụng mực nước thủy triều lên xuống nhằm điều chỉnh lượng nước ra vào ao. Nhờ đó, cá giữ được màu sắc trắng của thịt một cách ổn định, cho năng suất cao hơn nuôi bè. Đây chính là hình thức nuôi cá tra hàng hóa tốt nhất nên đã nhanh chóng được nhân rộng và duy trì tới tận ngày hôm nay, qua đó góp phần quan trọng đưa sản lượng cá tra hàng hóa lên tới trên 1 triệu tấn trong những năm qua.

Sinh sản nhân tạo

Để nghề nuôi cá tra phát triển mạnh, trở thành một ngành hàng nông sản chủ lực ở ĐBSCL, còn có sự đóng góp không nhỏ của việc sinh sản nhân tạo thành công giống cá tra và sự xuất hiện các sản phẩm thức ăn công nghiệp giành cho cá tra.

Năm 1994, các nhà khoa học Pháp và Việt Nam đã cho sinh sản nhân tạo thành công giống cá basa tại Khoa Thủy sản (ĐH Cần Thơ). Năm 1996, tổ chức CIRAD (Pháp) khởi động Dự án cá da trơn châu Á với sự tham gia của 4 nước là Việt Nam, Indonesia, Pháp và Bỉ. 1 năm sau, nhóm nghiên cứu sinh sản nhân tạo cá basa thuộc Dự án trên thử nghiệm trên cá tra để thử nghiệm các chỉ tiêu sinh sản giữa 2 loài cá.

Kết quả thu được vượt quá mong đợi khi cá tra co sức sinh sản gấp nhiều lần so với basa. Không những thế, nhóm nghiên cứu còn giải quyết được bài toán ương nuôi khi dưỡng cá bột trong ao nuôi với môi trường nước và dinh dưỡng phù hợp để tránh cho cá bột ăn nhau. Sau khi được hoàn thiện, kỹ thuật sinh sản nhân tạo và ương nuôi cá tra đã được chuyển giao cho người dân, tạo thành nghề sản xuất cá tra giống ở ĐBSCL. Đây cũng là một đòn bẩy quan trọng cho việc phát triển mạnh nghề nuôi, sản lượng cá tra.

THANH SƠN

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang