• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Xuất khẩu thủy sản 9 tháng đầu năm: tôm, cá tra giảm, hải sản tăng

Nguồn tin: Vasep, 04/10/2019
Ngày cập nhật: 7/10/2019

Trong 9 tháng đầu năm 2019, XK thủy sản của cả nước ước đạt gần 6,3 tỷ USD, giảm nhẹ gần 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, trừ cá ngừ vẫn tăng khả quan 20%, XK các mặt hàng chủ lực khác đều sụt giảm. XK tôm giảm 7%, cá tra giảm 8%, mực bạch tuộc giảm 8%. Ngoài ra, các mặt hàng cá biển khác vẫn duy trì tăng trưởng dương 17%, góp phần bù đắp sự sụt giảm của tôm, cá tra và mực, bạch tuộc.

XK tôm tiếp tục xu hướng giảm từ 2018 do cung tăng, giá XK thấp

Nửa đầu năm nay, sản lượng tôm tăng, giá tôm nguyên liệu giảm, trong khi lượng tồn kho tôm tại các thị trường cao, nguồn cung tôm từ các nước khác cũng tăng khiến giá tôm NK tại các thị trường hạ thấp hơn so với năm ngoái, do vậy XK tôm tiếp tục xu hướng sụt giảm từ năm 2018. XK giảm chủ yếu do kết quả XK nửa đầu năm kém, từ tháng 7, XK có dấu hiệu hồi phục dần dần.

XK sang các thị trường lớn như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN đều giảm, trong khi chỉ tăng nhẹ tại một số thị trường như Trung Quốc, Mỹ, Australia.

XK sang EU vẫn tăng trưởng âm 19%, trong đó XK sang các nước tiêu thụ chính trong khối như Anh, Đức, Hà Lan đều giảm, giá trung bình XK tôm sang các thị trường này đều giảm 1 USD/kg so với năm 2018.

Tại thị trường Nhật Bản, tuy khối lượng XK vẫn ổn định và nhu cầu của thị trường không tăng, nhưng giá trung bình XK giảm 1 USD/kg từ 12 USD xuống 11 USD khiến cho giá trị XK sang thị trường này giảm. Trong khi đó, giá tôm từ Thái Lan, Indonesia ổn định ở mức 11 USD/kg, giá tôm Ấn Độ giảm nhẹ xuống 9,3 USD/kg.

Nhờ XK từ tháng 7 tăng mạnh nên XK tôm sang thị trường Mỹ 9 tháng đầu năm tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi giảm liên tục 6 tháng đầu năm do lượng tồn kho cao, nhu cầu NK giảm mạnh so với cùng kỳ, giá trung bình NK giảm 1,1 USD/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Ấn Độ vẫn đứng đầu về thị phần tại thị trường Mỹ (38%) nhưng giá trung bình tôm Ấn Độ tại thị trường này giảm sâu từ 10 USD xuống 8,6 USD/kg, trong khi tôm Việt Nam giảm từ 12 USD xuống 11 USD/kg, thị phần của Việt Nam giảm từ 11% xuống còn 8,3%. So với các nguồn cung tôm châu Á và Mỹ Latinh cho thị trường Mỹ, giá tôm Việt Nam vẫn ở mức cao nhất.

Sản lượng cá tra tăng từ năm 2018 và đầu năm 2019 dẫn đến dư thừa nguồn cung, một số hộ nuôi tôm gặp khó chuyển sang nuôi cá tra, dẫn đến giá cá nguyên liệu và giá XK giảm trong thời gian gần đây.

XK cá tra sang thị trường Mỹ sụt giảm mạnh 40% còn 221 triệu USD, do thuế CBPG giai đoạn POR14 ở mức cao. Theo kết quả cuối cùng thuế CBPG đối với cá tra phile đông lạnh NK từ Việt Nam vào Mỹ trong đợt rà soát lần thứ 14 giai đoạn từ ngày 1/8/2016 đến 31/7/2017 (POR14), mức thuế cuối cùng được công bố hồi tháng 4/2019 cao hơn nhiều so với kết quả sơ bộ đã được công bố hồi tháng 9/2018.

Sau khi có kết quả trên, XK cá tra sang thị trường Mỹ liên tục sụt giảm. Việt Nam có 62 doanh nghiệp (DN) cá tra đủ chuẩn xuất khẩu vào Mỹ nhưng phần lớn không thể xuất khẩu vì thuế chống bán phá giá cao. Những năm qua, chỉ vài DN như: Vĩnh Hoàn, Biển Đông,… không chịu thuế chống bán phá giá hoặc thuế suất thấp có thể xuất khẩu sang Mỹ. Đây đều là những DN cá tra lớn chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu xuất khẩu cá tra của Việt Nam.

Trừ XK sang Trung Quốc trên đà hồi phục mạnh, tăng 71% trong tháng 7 và tiếp tục tăng mạnh trong tháng 8, XK sang các thị trường khác đều đảo chiều theo hướng xấu đi. Tăng trưởng sang EU sau 9 tháng đã chững lại so với kết quả 6 tháng đầu năm, chỉ còn tăng 7%, XK sang ASEAN tăng gần 1%, sang Mexico tăng gần 6%. Đứng đầu các thị trường NK cá tra, Trung Quốc đã bỏ xa Mỹ và EU. Trước đây, Việt Nam chỉ xuất khẩu cá tra nguyên con tới một số tỉnh biên giới phía Nam Trung Quốc, nhưng hiện nay sản phẩm cá tra philê đã có mặt tại những thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải và Đại Liên. Dự báo nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc sẽ còn cao hơn nữa.

Trung Quốc siết chặt kiểm soát thương mại tiểu ngạch và kiểm tra ATTP ảnh hưởng đến XK thủy sản những tháng đầu năm

XK thủy sản sang Trung Quốc trong những tháng đầu năm sụt giảm vì nhiều DN không xuất được hàng sau khi Trung Quốc siết chặt thương mại tiểu ngạch và kiểm tra ATTP, rà soát XK theo danh sách DN và sản phẩm thủy sản được phép xuất sang thị trường này. Nhiều DN nhỏ vốn quen XK qua tiểu ngạch mà lại thiếu thông tin về những quy định XK qua đường chính ngạch, dẫn đến bị bất ngờ, thụ động trước tình huống bị cấm XK tiểu ngạch. Sau khi nắm bắt được thị trường và những quy định mới, các DN đã có sự điều chỉnh, thích ứng nên từ tháng 6, XK sang Trung Quốc đã hồi phục. Tính đến cuối tháng 9/2019, XK thủy sản sang Trung Quốc tăng 10% đạt 962 triệu USD.

Nhu cầu tiêu thụ thủy sản của Trung Quốc được dự báo là vẫn tiếp tục tăng đặc biệt chiến tranh Trung – Mỹ là cơ hội cho DN Việt tranh thủ một số thị phần tại thị trường này. Tuy nhiên, với thu nhập gia tăng người TQ ngày càng ưa chuộng sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo ATTP, đạt tiêu chuẩn như xuất sang những thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản.

Thẻ vàng IUU ảnh hưởng đến XK hải sản sang EU

Mặc dù XK hải sản vẫn tăng 12% so với cùng kỳ năm 2018 đạt gần 2,4 tỷ USD, nhưng chủ yếu tăng ở cá ngừ (tăng 20%) và các loại cá biển khác (tăng 17%). Trong đó tới 65-70% doanh số thu được từ cá ngừ và cá biển khác là từ nguồn nguyên liệu NK.

XK thủy sản sang thị trường EU 9 tháng đầu năm đã bị sụt giảm 10%, trong đó cá ngừ giảm 6%, mực, BT giảm 13% và từ thị trường NK hải sản lớn thứ 2 của Việt Nam, EU đã tụt xuống thứ 5 sau Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và ASEAN. Kết quả này đã phản ánh hệ lụy của thẻ vàng IUU đối với XK hải sản của Việt Nam trong thời gian qua, nhất là trong quý I, vấn đề xác nhận, chứng nhận nguyên liệu khai thác và NK còn bất cập khiến việc XK bị đình trệ.

XK cá ngừ sang EU từ quý II phục hồi nên tổng XK nửa đầu năm vẫn giữ được mức tương đương cùng kỳ năm ngoái, trong khi đó XK mực, bạch tuộc tiếp tục giảm sâu 14%. Tuy nhiên, từ tháng 7, XK cá ngừ sang EU giảm mạnh 20%, trong khi XK mực, bạch tuộc tăng 12%. EU đang là thị trường NK cá ngừ đứng thứ 2 sau Mỹ, chiếm 19% XK cá ngừ Việt Nam. Đối với mực, bạch tuộc EU là thị trường đứng thứ 3 sau Hàn Quốc và Nhật Bản, chiếm 12%.

Dự báo

XK tôm có chiều hướng khả quan hơn tại các thị trường Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản vào nửa cuối năm khi lượng tồn kho giảm, nhu cầu tăng và sản lượng tôm ở Ấn Độ được dự báo giảm 20 -30% do ảnh hưởng thời tiết và do giá giảm, ngoài ra các DN Việt Nam có thể đã kịp nắm bắt tình hình và điều chỉnh kế hoạch XK tại các thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, cạnh tranh về giá tôm vẫn là áp lực lớn đối với DN XK tôm trong nửa cuối năm. Dự báo XK tôm năm 2019 đạt 3,4 tỷ USD, giảm 4% so với năm 2018.

XK cá tra sang thị trường Trung Quốc những tháng đầu năm bị ảnh hưởng bởi việc siết chặt thương mại mậu biên và kiểm soát chất lượng, tuy nhiên, từ tháng 6 đã tăng trở lại và những tháng tiếp theo, các DN XK cũng như nhà NK Trung Quốc đã bắt kịp yêu cầu và có sự điều chỉnh tốt hơn, do vậy XK sẽ tiếp tục tăng mạnh hơn trong nửa cuối năm.

Với mức thuế CBPG cao, thị trường Mỹ sẽ chỉ có một vài công ty XK cá tra Việt Nam có thể thâm nhập, những rủi ro về thuế vẫn là rào cản khiến kể cả những DN này cũng phải chủ động mở rộng sang các thị trường khác. Do vậy, XK sang Mỹ trong nửa cuối năm khó có thể phục hồi. Dự báo XK cá tra nửa c cả năm 2019 đạt 2,23 tỷ USD, giảm 3% so với năm 2018.

XK cá ngừ sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng tốt trong nửa cuối năm tại các thị trường Mỹ, Trung Quốc. Tuy nhiên tại thị trường EU khó đoán định vì sẽ phụ thuộc vào kết quả thanh tra của EU cuối tháng 10/2019 đánh giá việc thực hiện khuyến nghị chống khai thác IUU của EU. Nếu có kết quả tích cực sau thanh tra, XK sẽ khởi sắc mạnh hơn, ngược lại kết quả những tháng cuối năm sẽ kéo kim ngạch XK của nửa cuối năm hoặc tương đương hoặc thấp hơn cùng kỳ năm ngoái. Dự báo XK cá ngừ cả năm đạt khoảng 800 triệu USD, tăng 23% so với năm 2018.

XK mực, bạch tuộc đang có chiều hướng sụt giảm đáng kể tại nhiều thị trường chính như Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, ASEAN và Trung Quốc. Dự báo tình hình XK trong nửa cuối năm cũng không khả quan hơn và tổng XK cả năm đạt khoảng 626 triệu USD, giảm 7% so với năm 2018.

Mực, bạch tuộc và các mặt hàng hải sản khác sẽ tiếp tục bị tác động giảm từ thẻ vàng IUU của EU và xu hướng chỉ có thể đảo chiều khi Việt Nam được đánh giá tích cực sau chuyến thanh tra cuối tháng 10 của EC.

Với kết quả dự báo từng sản phẩm chủ lực như trên, tổng XK thủy sản cả năm dẹ báo đạt 8,9 triệu USD, tăng 1,4% so với năm 2018.

Lê Hằng

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang