• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Đẩy mạnh hợp tác lĩnh vực thủy hải sản giữa Việt Nam và Indonesia

Nguồn tin: Báo Chính Phủ, 30/08/2019
Ngày cập nhật: 2/9/2019

Ngày 30/8, tại TPHCM, trong khuôn khổ Triển lãm thủy sản quốc tế 2019 (Vietfish 2019), Đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam, Bộ Hàng hải và nghề cá Indonesia phối hợp với Bộ NN&PTNT Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức diễn đàn “Triển vọng hợp tác trong lĩnh vực thủy hải sản Việt Nam-Indonesia”.

Diễn đàn “Triển vọng hợp tác trong lĩnh vực thủy hải sản Việt Nam-Indonesia”. Ảnh: VGP/Lê Anh

Phát biểu tại diễn đàn, ông Ibnu Hadi, Đại sứ Indonesia tại Việt Nam cho biết, xuất khẩu các mặt hàng thủy hải sản của Indonesia sang Việt Nam ngày càng tăng.

Năm 2018, Indonesia xuất khẩu các mặt hàng thủy hải sản sang Việt Nam đạt gần 96 triệu USD, tăng 82% so với năm 2017, trong khi đó, các mặt hàng thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang Indonesia đạt gần 3,9 triệu USD. Trong 7 tháng năm 2019, xuất khẩu thủy hải sản của Indonesia sang Việt Nam đạt hơn 55 triệu USD và Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng này sang Indonesia đạt gần 1,6 triệu USD.

Ông Ibnu Hadi nhấn mạnh, các doanh nghiệp (DN) Indonesia xem Vietfish 2019 là triển lãm chuyên ngành thủy hải sản quan trọng, nơi có thể tìm kiếm được các hợp tác kinh doanh, đầu tư với DN các nước, trong đó có Việt Nam.

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, đây là diễn đàn đầu tiên về hợp tác thủy hải sản giữa Việt Nam-Indonesia. Ngoài tăng cường hợp tác, các đơn vị tổ chức mong muốn phát huy lợi thế giữa DN hai nước để sản xuất ra các sản phẩm thủy hải sản chất lượng cung cấp cho thị trường thế giới. Dự kiến trong thời gian tới sẽ có nhiều diễn đàn về ngành thủy hải sản, tạo cơ hội cho DN hai nước tăng cường xúc tiến, trao đổi thương mại, học hỏi kinh nghiệm trong việc phát triển các nguồn thủy hải sản.

Hiện nay, nhiều DN Việt Nam đang đẩy mạnh nhập khẩu các nguyên liệu thủy hải sản sơ chế từ Indonesia để gia công, chế biến và có thể xuất khẩu đến nhiều nước khác.

Tại diễn đàn, ông Jaya Wijaya, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường nước ngoài (Bộ Hàng hải và nghề cá Indonesia) đã chia sẻ các chính sách, quy định khai thác thủy hải sản của Indonesia, các chính sách khuyến khích đầu tư, miễn giảm thuế, cơ hội hợp tác khai thác các sản phẩm trong lĩnh vực thủy hải sản giữa DN hai nước.

Chia sẻ với các DN Indonesia về tiềm năng và những thuận lợi tạo cơ hội cho việc hợp tác đầu tư giữa DN hai nước, bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và xúc tiến thương mại (VASEP) cho biết, sản lượng thủy hải sản khai thác hàng năm của Việt Nam tăng trưởng trung bình 5%. Năm 2018, giá trị xuất khẩu thủy hải sản của Việt Nam đạt trên 9 tỷ USD.

Hiện nay, ngành nuôi trồng thủy sản được Chính phủ rất quan tâm, các vùng nuôi và nhà máy chế biến đều đạt được các tiêu chuẩn cao như ISO 22000, HACCP… Đặc biệt, hầu hết DN thủy sản của Việt Nam là DN tư nhân nên có thể linh hoạt trong hợp tác kinh doanh và đầu tư.

Hiện nay, các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam ký kết với nhiều thị trường lớn đã tạo cơ hội cho ngành thủy sản nâng cao chất lượng sản phẩm, cùng với đó là những ưu đãi về thuế quan… tạo lợi thế không nhỏ cho các sản phẩm thủy sản xuất khẩu.

Bà Hằng cũng cho biết, DN Việt Nam cũng có những thời điểm bị thiếu nguyên liệu phải nhập khẩu từ các nước, trong đó có Indonesia. Chính vì vậy, việc tăng cường hợp tác giữa DN hai nước sẽ tạo cơ hội đảm bảo ổn định nguồn cung, hướng tới phát triển bền vững cho DN.

Tại diễn đàn, phía VASEP cũng đưa ra những đề xuất hợp tác thủy hải sản giữa Việt Nam và Indonesia, đó là: Hợp tác chống khai thác IUU; phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững; hợp tác trong chế biến, thương mại, an toàn thực phẩm và kiểm dịch; chia sẻ thông tin về hàng hải và nghề cá; hợp tác bảo tồn biển.

Phía VASEP cũng kiến nghị Indonesia mở cửa thị trường cho mặt hàng thủy sản khô Việt Nam, đồng thời tạo thuận lợi cho các DN Việt Nam nhập khẩu hải sản từ Indonesia để chế biến, xuất khẩu sang các thị trường khác.

Lê Anh

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang