• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nhận diện ngành tôm Việt: Qua công cụ phân tích SWOT

Nguồn tin: Vasep, 12/08/2019
Ngày cập nhật: 13/8/2019

SWOT là tập hợp viết tắt những chữ cái đầu tiên của các từ tiếng Anh: Strengths (Điểm mạnh), Weaknesses (Điểm yếu), Opportunities (Cơ hội) và Threats (Thách thức) – là một công cụ nổi tiếng trong phân tích các vấn đề từ nhỏ tới lớn trong các lĩnh vực, nhằm xác định hiện trạng; đề ra chiến lược, hướng đi, giải pháp… đưa vấn để quan tâm đạt những thành quả tốt hơn.

Chiếu theo các nội dung công cụ trên, ngành tôm Việt có những điểm lợi và bất lợi như sau:

1.Điểm mạnh (Strengths)

- Diện tích đất ngập mặn hàng triệu hecta, tạo nguồn dồi dào phát triển nuôi tôm.

- Ngành nuôi tôm phát triển khá sớm, hình thành một lực lượng người nuôi biết nghề khá đông đảo.

- Ngành chế biến tôm tuy đi sau nhiều nước nhưng nay đã vươn lên tầm cao thế giới.

- Các cơ sở cấu thành chuỗi giá trị con tôm phát triển khá đồng bộ như thức ăn, con giống, chế phẩm nuôi tôm...

- Người lao động cần mẫn, chăm chỉ phù hợp với việc chế biến đòi hỏi tính tỉ mỉ cao.

2.Điểm yếu (Weaknesses)

- Việc nuôi tôm đa phần nhỏ lẻ, khó kiểm soát làm tăng rủi ro, tăng chi phí kiểm tra.

- Giá thành tôm nuôi và tôm chế biến cao, do đầu vào cao và tỉ lệ ao nuôi đạt chưa cao.

- Hạ tầng cơ sở nuôi thiếu và chưa đồng bộ.

- Diện tích ao nuôi đạt chuẩn cao như ASC, BAP còn quá ít, chỉ hơn 1% diện tích nuôi tôm!

- Đa phần tôm bố mẹ phải nhập khẩu.

- Ngành tôm Việt chưa có thương hiệu xứng tầm.

3. Cơ hội (Opportunities)

- Xu thế người tiêu dùng trên thế giới chuyển sử dụng thực phẩm thủy sản nhiều hơn là thực phẩm từ động vật trên cạn.

- Nhiều hiệp định tự do thương mại đã và chuẩn bị ký kết sẽ mở rộng cửa cho việc tiêu thụ, quan trọng nhất là EVFTA vừa ký kết.

- Công nghệ phát triển, cơ hội quản trị hữu hiệu và tăng năng suất.

- Biến đổi khí hậu có lợi cho nuôi tôm, là cơ hội thúc đẩy tăng trưởng toàn ngành.

- Chính phủ quan tâm phát triển ngành tôm như qua NĐ57 (17/4/2018) Khuyến khích sản xuất trong nông nghiệp; NĐ98 (5/7/2018) Tham gia tiêu thụ nông sản...

4. Thách thức (Threats)

- Dịch bệnh trong nuôi tôm luôn tiềm ẩn sẵn sàng bùng phát khi gặp thời tiết thất thường kéo dài.

- Là ngành bị ảnh hưởng không nhỏ từ thời tiết.

- Xu thế thiếu hụt lao động.

- Sự cạnh tranh gay gắt tôm giá rẻ từ Ấn Độ, Ecuador.

- Sự đòi hỏi của người tiêu dùng ngày càng nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm, mẫu mã sản phẩm, độ thơm ngon của sản phẩm.

- Hàng rào kỹ thuật ở các nước nhập khẩu ngày càng dầy đặc và gắt gao.

- Thương chiến Mỹ - Trung tạo ra hậu quả không lường nổi, có thể là cơ hội lẫn thách thức đan xen. Thuế chống phá giá tôm ở Hoa Kỳ vẫn đang tiếp diễn, còn rủi ro tiềm ẩn.

- FTA đôi khi có bất lợi trong phạm vi hẹp.

Từ những yếu tố nêu trên, cho thấy điểm MẠNH, YẾU là yếu tố mang tính chất BÊN TRONG ngành tôm, có thể kiểm soát, thay đổi. Còn CƠ HỘI, THÁCH THỨC là yếu tố BÊN NGOÀI khó kiểm soát và thay đổi.

Dựa vào SWOT qua những điểm phân tích trên, để thúc đẩy ngành tôm Việt tăng trưởng từ hai con số, sẽ thấy những yêu cầu, giải pháp trước mắt và lâu dài như sau:

+ Yêu cầu trước mắt lẫn dài hạn là phải tạo ra nguồn tôm sạch có chứng nhận với giá cạnh tranh.

+ Yêu cầu dài hạn phải xây dựng cho được thương hiệu tôm Việt.

Từ yêu cầu đó, hệ thống giải pháp có thể nêu ra là:

• Kiểm soát chặt chẽ chế phẩm nuôi tôm, ngăn chặn từ gốc các nguồn thẩm lậu các hóa chất nuôi tôm không có tên trong danh mục cho phép.

• Sắp xếp lại vùng nuôi, tạo nên các trang trại, hợp tác xã nuôi quy mô lớn theo chuẩn nuôi quốc tế có chứng nhận.

• Đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi, tập trung điện, đường, thuỷ lợi.

• Quan tâm hơn tín dụng và bảo hiểm trong nuôi tôm.

• Quan tâm nhân rộng những mô hình nuôi mới, thành công.

• Vận động các thành viên tạo nên giá trị chuỗi con tôm biết chia sẻ lợi ích, cùng tồn tại.

• Chú trọng hơn nữa chương trình gia hóa tôm bố mẹ có nhiều tính trội.

• Vận động các doanh nghiệp chế biến tôm từng bước xây dựng thương hiệu cho mình. Trước mắt phải lấy chữ tín làm hàng đầu trong kinh doanh.

• Hoàn thiện hệ thống trường nghề đào tạo công nhân trong lĩnh vực nuôi và chế biến tôm.

Tóm lại, qua SWOT để tìm thấy vị thế tôm Việt một cách bao quát lẫn cụ thể hơn. Qua đó thấy được việc cần làm gấp, việc cần làm lâu dài...; thấy được sự đồng bộ của các giải pháp để tránh lãng phí... Tất cả để tôm Việt vươn cao, bơi xa hơn.

TS Hồ Quốc Lực - Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT FIMEX VN

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang