• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Giữ đà tăng trưởng ngành cá tra

Nguồn tin: Nhân Dân, 17/01/2019
Ngày cập nhật: 18/1/2019

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2018, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt mức cao nhất từ trước đến nay, với 2,26 tỷ USD, tăng 26,4% so với năm 2017 và 15% so với kế hoạch đề ra. Để giữ vững đà tăng trưởng, các doanh nghiệp xuất khẩu đang tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng ngành hàng từ khâu giống, cá tra nguyên liệu, đến sản phẩm chế biến.

Nuôi cá tra theo mô hình liên kết của Công ty TNHH Hùng Cá (huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp).

Nỗ lực đổi mới, vượt rào cản

Thống kê của Tổng cục Thủy sản cho thấy, diện tích nuôi cá tra của cả nước trong năm 2018 đạt 5.400 ha, tăng 3,3%; sản lượng thu được 1,42 triệu tấn, tăng 8,4% so với năm 2017. Một số tỉnh nuôi cá tra trọng điểm đạt sản lượng lớn như Đồng Tháp, đạt khoảng 452 nghìn tấn, tăng 3,7% so với cùng kỳ; An Giang 333.200 tấn, tăng 36%; Bến Tre 182 nghìn tấn, tăng 3,1%.

Cùng với sự gia tăng về diện tích, sản lượng, giá cá tra nguyên liệu tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long năm 2018 cũng đạt mức cao trong nhiều thời điểm. Tính trung bình giá thành sản xuất cá tra vào khoảng 21 nghìn đồng/kg, trong khi giá bán cá thương phẩm có thời điểm đạt đỉnh 35 đến 36 nghìn đồng/kg, đem lại lợi nhuận lớn cho người nuôi. Nếu như vài năm trước, người nuôi luôn phải lận đận với cảnh “treo ao” vì thua lỗ thì năm 2018, nhiều hộ gia đình đã vực dậy được nghề nuôi cũng như nâng cao thu nhập nhờ sản lượng tốt và giá cá tăng cao.

Một trong những thắng lợi lớn nhất của ngành hàng cá tra trong năm qua chính là đã nỗ lực vượt qua không ít rào cản về thương mại và kỹ thuật của các nước nhập khẩu. Cụ thể, hình ảnh cá tra Việt Nam đã lấy lại được thiện cảm từ người tiêu dùng tại thị trường châu Âu sau một thời gian khá dài bị truyền thông khu vực này đăng tải những thông tin thiếu chính xác, gây bất lợi cho hoạt động xuất khẩu vào các nước trong khu vực, đồng thời cũng tác động tiêu cực đến hình ảnh cá tra Việt Nam trên thị trường thế giới nói chung. Đến nay, các sản phẩm cá tra đông lạnh và cá tra chế biến đã được nhiều siêu thị tại Pháp, Tây Ban Nha, Đức… bày bán và được người tiêu dùng lựa chọn, ưa thích. Theo đó, mức tiêu thụ cá tra tại thị trường châu Âu năm 2018 đạt khoảng 231,3 triệu USD, tăng 19,1% so với năm 2017.

Sản phẩm cá tra Việt Nam cũng vượt qua rào cản kỹ thuật khắt khe của Mỹ khi được Bộ Nông nghiệp Mỹ công nhận quy trình nuôi cá tra tại Việt Nam tương đồng quy trình nuôi cá da trơn tại Mỹ. Trước đó, theo quy định của Mỹ, cá tra muốn xuất khẩu vào thị trường này phải tuân thủ toàn bộ quy trình “tạo ra sản phẩm” từ khâu đầu tiên (con giống, thức ăn) cho đến khâu cuối cùng theo “kiểu Mỹ”. Thời gian để thực hiện chuyển đổi quy trình sản xuất là 18 tháng, kể từ tháng 3-2016. Đây là thách thức lớn đối với ngành cá tra Việt Nam vào thời điểm đó. Với những nỗ lực đổi mới toàn diện ngành hàng, đến năm 2018, sau khi kiểm tra thực tế tại Việt Nam, Cục Kiểm tra an toàn thực phẩm (Bộ Nông nghiệp Mỹ) đã đề xuất công nhận cá tra, cá basa Việt Nam có hệ thống kiểm soát chất lượng tương đương cá da trơn của Mỹ và đủ điều kiện xuất khẩu sang Mỹ. Đây là yếu tố quan trọng đưa Mỹ trở thành thị trường có mức tăng trưởng cao nhất trong năm 2018 với tốc độ 57,7%, vượt qua Trung Quốc, quay trở lại vị trí số một thế giới về tiêu thụ cá tra Việt Nam.

Tăng chất lượng, giá trị gia tăng

Nhận định về bước phát triển đột phá của ngành hàng cá tra năm 2019, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe cho biết, nhiều khó khăn đã xuất hiện ngay từ cuối năm 2018 và đầu năm 2019. Cụ thể, chúng ta phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các quốc gia khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Băng-la-đét, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a… trong lĩnh vực nuôi cá tra. Trong đó, phải đặc biệt nhấn mạnh đến Trung Quốc - quốc gia tiêu thụ hơn 60% cá tra nguyên liệu của Việt Nam đã bắt đầu nuôi cá tra và cho thu hoạch. Theo số liệu thống kê của VASEP, Trung Quốc đã nuôi và thu hoạch 10 nghìn tấn cá tra ở đảo Hải Nam. Tại Ấn Độ, sản lượng cá tra đạt 650 nghìn tấn, Băng-la-đét đạt 450 nghìn tấn, In-đô-nê-xi-a 110 nghìn tấn. Mặc dù theo đánh giá chất lượng cá tra nuôi ở các nước này thấp hơn Việt Nam nhưng ngành cá tra nước ta cũng không thể chủ quan.

Một rủi ro khác đối với ngành hàng cá tra trong năm 2019 là nỗi lo về tình trạng dư cung hoặc thiếu cung. Thực tế, giá cá tra nguyên liệu bắt đầu tăng mạnh từ đầu năm 2017, kéo dài và đạt đỉnh điểm trong năm 2018. Điều này dẫn đến thực trạng nông dân lại ồ ạt nuôi cá giống và cá nguyên liệu, khiến thị trường dư thừa nguyên liệu khi bước vào mùa thu hoạch rộ. Khi đó, giá bán cá nguyên liệu cho các nhà máy lao dốc, các hộ nuôi thua lỗ lại ngừng thả giống cho mùa vụ tiếp theo, và kết quả lại là thiếu nguồn cung cho doanh nghiệp để thực hiện các hợp đồng xuất khẩu. Vòng luẩn quẩn này không mới, nhưng nếu thiếu sự quy hoạch đồng bộ và thực hiện nuôi thả có ý thức thì chắc chắn sẽ tái diễn và để lại hậu quả khó lường.

Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam Trương Đình Hòe, để ngành cá tra có thể giữ vững đà tăng trưởng thì cần có những giải pháp rõ nét, trong đó vẫn phải tập trung vào chất lượng cá tra từ khâu giống, cá tra nguyên liệu đến sản phẩm chế biến xuất khẩu. Muốn như vậy, các vùng nuôi phải liên tục được kiểm tra, giám sát, bảo đảm các yêu cầu về quy trình sản xuất, môi trường nuôi… Bởi ngay cả khi đã được phía Mỹ công nhận về quy trình nuôi tương đồng cũng không có nghĩa nó sẽ có giá trị mãi mãi, cho nên việc bảo toàn chất lượng nuôi vẫn là điều phải thực hiện thường xuyên, liên tục. Bên cạnh đó, cần tập trung hơn nữa vào khâu chế biến sâu, đa dạng hóa các mặt hàng từ cá tra, không chỉ là cá tra phi-lê, cá tra đông lạnh mà mở rộng thêm cá tra tẩm gia vị, tẩm bột, cá tra xiên que - những mặt hàng vốn được các thị trường các nước ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc khá ưa chuộng.

Một yêu cầu quan trọng không kém khác là phải giữ vững những thị trường xuất khẩu trọng điểm như Mỹ, EU, Trung Quốc, đồng thời khai thông những thị trường mới. Trong đó phải kể đến các thị trường ở khu vực Trung Đông như Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất, Ai Cập, A-rập Xê-út. Trong năm 2018, ước tính các thị trường này đã nhập khẩu lượng cá tra trị giá 290 triệu USD và có thể còn tiếp tục tăng trong năm 2019. Một phân khúc thị trường nữa cần được quan tâm là khu vực ASEAN. Năm 2018 cũng chứng kiến sự gia tăng mạnh tại khu vực này với tổng giá trị xuất khẩu đạt gần 200 triệu USD (tăng gần 50% so với cùng kỳ năm 2017). Trong đó, Thái-lan là thị trường lớn nhất của cá tra Việt Nam tại ASEAN, chiếm 36,8% tổng xuất khẩu sang cả khu vực. Xin-ga-po và Phi-li-pin cũng là những thị trường nhập khẩu ổn định và được kỳ vọng sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Đặc biệt, với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa chính thức có hiệu lực và việc nước ta chuẩn bị ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), cá tra Việt Nam hứa hẹn sẽ có thêm nhiều cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ trên toàn cầu.

Mục tiêu năm 2019 là xuất khẩu cá tra của Việt Nam sẽ đạt kim ngạch 2,4 tỷ USD (tăng 6,19% so với năm 2018). Theo đó, giữ ổn định diện tích nuôi cá tra với sản lượng ước đạt gần 1,47 triệu tấn. Đối với hai thị trường xuất khẩu lớn là Mỹ và EU, ngành cá tra Việt Nam đang có tiềm năng lớn trong việc gia tăng lợi nhuận với các sản phẩm ăn liền và nấu sẵn do tỷ suất lợi nhuận gộp của các sản phẩm này là 22 đến 25%, trong khi dòng sản phẩm cá phi-lê đông lạnh chỉ ở mức 12 đến 16%.

TIẾN ANH

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang