• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

10 sự kiện nổi bật của xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2018

Nguồn tin: Vasep, 14/01/2019
Ngày cập nhật: 15/1/2019

Năm 2018, dự kiến XK thủy sản đạt 9 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm trước, trong đó, XK tôm ước đạt 3,6 tỷ USD; XK hải sản đạt 3,15 tỷ USD và XK cá tra đạt 2,25 tỷ USD. Để đạt được kết quả này, các DN XK thủy sản Việt Nam đã trải qua một năm với nhiều diễn biến phức tạp trong sản xuất và thay đổi của thị trường.

Nhìn lại năm 2018, Ban biên tập Bản tin Thương mại Thủy sản xin được đưa ra 10 sự kiện nổi bật nhất trong hoạt động SX, XNK thủy sản trong năm qua.

1. Chính phủ ban hành Nghị định 15/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP - “một cuộc cách mạng” trong quản lý chất lượng an toàn thực phẩm

Ngày 02/02/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 15/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của Luật An toàn thực phẩm. Việc Chính phủ ban hành Nghị định 15/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP đã dỡ bỏ nhiều vướng mắc, khó khăn cho DN và đánh dấu “một cuộc cách mạng” trong quản lý chất lượng ATTP thời đại 4.0. Có thể nói, sự thay đổi này là sự mong chờ lớn nhất của các DN thực phẩm, trong đó có DN thủy sản. Trong suốt 2 năm (kể từ năm 2016), NĐ 38/2012 được coi là nghị định “nóng” nhất vì có nhiều vấn đề bất cập, không chỉ đối với DN sản xuất kinh doanh trong ngành thủy sản mà cả các ngành thực phẩm khác. Trong đó, bất cập lớn nhất, gây khó cho DN là thủ tục công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm.

2. Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025

Ngay đầu năm 2018, vào ngày 18/01/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025. Theo đó, mục tiêu giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm giai đoạn 2017 - 2020 đạt 5,5 tỷ USD và giai đoạn 2021 - 2025 đạt 10 tỷ USD. Định hướng phát triển ngành tôm theo quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao và các thành tựu khoa học kỹ thuật mang tính đột phá, thân thiện môi trường, phù hợp với đặc điểm sinh thái từng vùng để tăng năng suất, tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, có chất lượng cao (đạt chứng nhận uy tín như tôm sinh thái, hữu cơ, GAP). Hướng tới không sử dụng hoá chất, thuốc kháng sinh ở tất cả các phương thức nuôi và các khâu trong chuỗi sản xuất, lưu thông sản phẩm tôm. Bên cạnh đó phát triển sản xuất gắn chặt với nhu cầu của thị trường tiêu thụ sản phẩm; nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm tôm Việt Nam; đầu tư phát triển ngành tôm theo tư duy hệ thống và chuỗi giá trị, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt và là động lực của toàn chuỗi giá trị.

3. VASEP - “ngôi nhà chung” của gần 300 doanh nghiệp thủy sản kỷ niệm chặng đường 20 năm

Ngày 12/6/2018, Hiệp hội Chế biến và XK Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã tổ chức Hội nghị toàn thể Hội viên VASEP năm 2018 và Lễ tổ chức kỷ niệm 20 năm thành lập VASEP tại Tp.Hồ Chí Minh. Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu bước phát triển trên chặng đường 20 năm của VASEP - tổ chức đại diện cho gần 300 doanh nghiệp chế biến, XNK thủy sản Việt Nam. 20 năm là một bước tiến dài trong hành trình 20 năm xây dựng và phát triển VASEP. Trên chặng đường này, VASEP luôn nhận được sự tin yêu và tín nhiệm của các doanh nghiệp hội viên, với những nỗ lực tích cực trong công tác hỗ trợ hội viên, giúp các doanh nghiệp hội viên vượt qua các rào cản thị trường, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc để thúc đẩy xuất khẩu khẩu, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển ngành thủy sản Việt nam một cách toàn diện, thay đổi vị trí VN trên bản đồ các cường quốc xuất khẩu thủy sản, giúp Việt Nam trở thành nước thứ 3 về nuôi trồng và thứ 4 về xuất khẩu thủy sản trên thế giới.

4. Từ Chính phủ tới các doanh nghiệp đồng lòng khắc phục “thẻ vàng” IUU

Năm 2017, EU ra cảnh báo thẻ vàng đối với hải sản Việt Nam XK sang thị trường này vì những nỗ lực chưa đủ đáp ứng quy định chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Việc nhận thẻ vàng của EU đã gây ra nhiều tác động xấu ảnh hưởng trực tiếp tới việc XK hải sản sang EU. Luật Thủy sản mới đã được ban hành ngày 21/11/2017 đảm bảo tương thích với các quy định, thông lệ quốc tế và khuyến nghị của EC. Năm 2018, với quyết tâm chống khai thác IUU Chính phủ đã ban hành một số văn bản chỉ đạo, đồng thời hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thủy sản với 2 Nghị định, 8 Thông tư, 1 Quyết định; Triển khai các giải pháp cụ thể tăng cường công tác theo dõi, kiểm tra, kiểm soát tàu cá; nâng cao năng lực thực thi pháp luật, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, triển khai các quy định chống khai thác IUU; Tăng cường trao đổi, đối thoại và đẩy mạnh đàm phán hợp tác quốc tế về chống khai thác IUU.

Trong năm 2018, VASEP cùng với cộng đồng DN luôn đồng hành và chung tay cùng Bộ NN và PTNT và TCTS, tập trung vào 4 nhóm hoạt động chính. Sau đợt thanh tra vào tháng 5/2018 của EC và đặc biệt sau chuyến đi thực tế tại một số tỉnh ven biển Việt Nam từ 29/10 – 4/11/2018, các thành viên Ủy ban Nghề cá của Nghị viện châu Âu (MEPs) đã đưa Thông cáo báo chí đánh giá cao các nỗ lực của Việt Nam trong việc chống khai thác IUU. Và tại thông cáo này, MEPs cũng dành lời khen cho Sách trắng chống IUU của VASEP.

5. Kết quả cuối cùng POR 12, thuế chống bán phá giá với tôm giảm

Ngày 10/9/2018, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã thông báo kết quả cuối cùng thuế chống bán phá giá (CBPG) cho tôm Việt Nam trong giai đoạn xem xét hành chính lần thứ 12 – POR12 (từ 1/2/2016- 31/1/2017), mức thuế cuối cùng cho các công ty XK tôm Việt Nam là 4,58%, mức thuế này đã thấp hơn rất nhiều so với mức sơ bộ 25,39% mà DOC Hoa Kỳ thông báo ngày 8/3/2018. Kết quả này cũng tốt hơn so với mức thuế cuối cùng của giai đoạn POR11. Kết quả khả quan này giúp các DN tôm Việt Nam yên tâm đẩy mạnh bán hàng vào thị trường Mỹ trong thời gian tới, nhất là giai đoạn tập trung mua hàng từ các nhà NK Mỹ phục vụ cho các dịp lễ Tết cuối năm.

6. Giá cá tra nguyên liệu tăng cao kỷ lục trong 10 năm qua

Chưa năm nào giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL lại tăng cao kỷ lục như năm 2018. Đỉnh điểm vào cuối tháng 10/2018, giá trung bình cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL đã lên mức cao kỷ lục 35.000 - 36.500 đồng/kg. Nhiều DN XK cá tra thiếu nguyên liệu trầm trọng cho chế biến, trễ đơn hàng hoặc buộc phải hủy nhiều đơn hàng. Giá cá nguyên liệu tăng quá nhanh đẩy giá XK tăng theo.

Ngay từ đầu năm 2018, toàn vùng ĐBSCL thiếu hụt con giống trầm trọng do việc ương nuôi cá giống gặp khó khăn dẫn đến nguồn cung không đủ. Việc thiếu nguồn cá giống sẽ dẫn đến thiếu cá nguyên liệu. Điều này dẫn tới việc các doanh nghiệp nhất là những doanh nghiệp không có vùng nuôi đang phải đối mặt với tình trạng khan hàng trầm trọng. Hơn nữa, vùng cá nguyên liệu tự thả nuôi của DN không còn nhiều nên các doanh nghiệp buộc phải ra bên ngoài tìm mua cá tra của nông dân, đẩy giá tăng cao để thu mua được cá. Giá cá tra nguyên liệu tăng kéo theo giá XK tăng tại nhiều thị trường, tuy nhiên, tại thị trường Mỹ, cá tra gặp bất lợi khi giá tăng đột biến do bị cạnh tranh gay gắt hơn với sản phẩm cá rô phi và cá thịt trắng khác.

7. Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung mang thêm cơ hội cho thủy sản Việt Nam

Từ đầu tháng 7, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung chính thức bắt đầu khi Mỹ tuyên bố áp thuế NK 25% lên 800 mặt hàng có tổng kim ngạch 34 tỷ USD từ Trung Quốc. Đáp lại, Trung Quốc tuyên bố áp thuế tương tự lên 545 mặt hàng NK từ Mỹ, bao gồm nông sản, ô tô và hải sản. Mỹ cũng thông báo quyết định tiếp tục áp thuế NK 10% lên 200 tỷ USD hàng Trung Quốc và đang chờ đóng góp ý kiến. 200 tỷ USD này áp thêm gần 5.900 dòng hàng của Trung Quốc. Cuộc chiến tranh thương mại này được cho là sẽ có tác động trực tiếp đến các nền kinh tế trên thế giới trong đó có Việt Nam. Thủy sản Việt cũng nằm trong vòng xoáy này. Với sản phẩm tôm, chiến tranh thương mại khiến hai nước Mỹ - Trung đều nâng các mức thuế NK nên dòng chảy thương mại tôm giữa Mỹ và Trung Quốc chậm lại. Các nước cung cấp tôm cho Trung Quốc như Canada, Nga, Australia, và New Zealand, và các nước cung cấp tôm cho Mỹ như Indonesia, Thái Lan, Mexico, Brazil và Việt Nam đều được lợi. Do phải chịu thuế cao khi XK sang Mỹ, Trung Quốc cũng sẽ giảm NK tôm nguyên liệu để chế biến và tái XK. Điều này có thể ảnh hưởng tới XK tôm nguyên liệu Việt Nam sang Trung Quốc. Cá tra Việt Nam cũng nhìn thấy được, tỷ trọng của cá rô phi Trung Quốc tại thị trường Mỹ giảm sẽ giúp cho cá tra, basa Việt Nam củng cố thêm niềm tin giành thị phần từ cá rô phi Trung Quốc trong bối cảnh khó khăn về thuế chống bán phá giá và rào cản kỹ thuật Chương trình thanh tra cá da trơn tại Mỹ.

8. Bộ NN&PTNT ra hướng giải quyết cho container hải sản nhập khẩu bị ách tại cảng

Ngày 22/11/2018, Bộ NN&PTNT đã gửi công văn hỏa tốc tới VASEP giải quyết kiến nghị của Hiệp hội và các DN hải sản về các vướng mắc trong kiểm dịch nguyên liệu thủy sản NK từ tàu đánh bắt vận chuyển bằng container về Việt Nam. Tại công văn này, Bộ NN&PTNT đã tích cực giải quyết việc kiểm dịch thủy sản NK đối với lô hàng thủy sản dạng xô/xá xếp trong container theo hướng: đối với các DN đã mua bán ngay thẳng, doanh nghiệp cam kết, khẳng định, chịu trách nhiệm trước pháp luật về nguồn gốc hợp pháp đối với các lô hàng thủy sản NK, Bộ NN&PTNT giao cho Cục Thú y chỉ đạo các cơ quan thú y có chức năng thực hiện việc kiểm dịch hàng hóa NK theo đúng quy định của pháp luật và các quy định cụ thể tại Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT; Thông tư số 02/2018/TT-BNNPTNT; cam kết về nguồn gốc thủy sản NK hợp pháp của DN. Trước đó, ngày 24/9/2018, Cục Thú y đã gửi Công văn số 2233/TY-TTr,PC tới các Chi cục Thú y vùng về việc kiểm dịch NK sản phẩm động vật thủy sản làm nguyên liệu gia công XK từ tàu đánh bắt nước ngoài. Sau khi nhận văn bản này, các Chi cục địa phương ngưng kiểm dịch các lô hàng "cá tàu" không có Giấy chứng nhận kiểm dịch. Yêu cầu khó có thể thực hiện được trong thực tế này đã khiến rất nhiều container của một số DN bị ngưng kiểm dịch phải nằm lưu bãi tại Cảng.

9. Cá tra Việt Nam chờ công nhận tương đương trong Chương trình thanh tra cá da trơn

Ngày 23/2/2018, USDA (Bộ Nông nghiệp Mỹ) đã công bố Việt Nam hoàn tất và đạt tính tương đồng về mặt hồ sơ theo Đạo luật Thanh tra Cá da trơn của Mỹ. Tính tới cuối tháng 3/2018, Cơ quan thẩm quyền Việt Nam là Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD) đã hoàn tất việc gửi hồ sơ tự đánh giá cho quy trình đánh giá tương đương của Cục kiểm tra An toàn Thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ. Từ ngày 13 - 26/5/2018, đoàn của USDA đã tiến hành đánh giá toàn bộ các cơ sở kiểm nghiệm, việc kiểm soát ATTP của cơ quan thẩm quyền Việt Nam (NAFIQAD), kiểm tra điều kiện nuôi và SX của DN XK. Ngày 14/9/2018, FSIS đã đề xuất với Văn phòng Đăng ký liên bang (Federal Register) đăng bản Dự thảo lấy ý kiến đề xuất công nhận 3 nước: Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan đủ điều kiện xuất khẩu sản phẩm cá và cá Siluriformes vào thị trường Hoa Kỳ. Tuy nhiên, cho tới hết năm 2018, các DN XK cá tra sang Mỹ vẫn chưa có thông tin về việc Mỹ công nhận chính thức công nhận Việt Nam đủ điều kiều XK sản phẩm cá và cá Siluriformes vào thị trường này.

10. Xuất khẩu thủy sản ước đạt 9 tỷ USD

Dự kiến XK thủy sản năm 2018 ước đạt gần 9 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm trước, trong đó, XK tôm ước đạt khoảng 3,5 tỷ USD; XK hải sản đạt khoảng 3,15 tỷ USD và XK cá tra đạt khoảng 2,25 tỷ USD. Năm 2018, thủy sản Việt Nam đã XK đi khoảng 160 quốc gia và lãnh thổ khác nhau trên thế giới. Trong đó, Mỹ, EU, Nhật Bản; Trung Quốc - Hồng Kông và Hàn Quốc là 5 thị trường XK lớn nhất. Dự kiến, trong năm qua, giá trị XK thủy sản sang 3 thị trường là: Mỹ; EU và Nhật Bản đều cán mốc trên 1,3 tỷ USD.

Tạ Hà

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang