• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Gia tăng tiêu thụ thủy sản đóng gói: Lực đẩy cho doanh nghiệp sản xuất, chế biến

Nguồn tin: Báo Công Thương, 08/05/2019
Ngày cập nhật: 9/5/2019

Sự gia tăng sử dụng sản phẩm thủy sản đóng gói của người tiêu dùng tại các thành phố lớn đang là lực đẩy để các doanh nghiệp sản xuất chế biến thủy sản Việt Nam tích cực đưa ra thị trường những sản phẩm mới, phù hợp với thị hiếu của khách hàng.

Xu hướng sử dụng thủy sản đóng gói tiện lợi gia tăng

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) - cho biết: nhu cầu thủy sản đang tăng lên bởi người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến vấn đề sức khỏe. Đồng thời, tiêu dùng thủy sản tiện dụng (đã qua chế biến) đang là một xu hướng mới nhằm đáp ứng điều kiện thời gian cho công việc cũng như giải trí của các bà nội trợ.

Theo đánh giá của ông Hòe, chính nhịp sống sôi động theo hướng công nghiệp hóa ở các thành phố lớn đã tạo cho người tiêu dùng xu hướng cần đến những sản phẩm tiện lợi. Cụ thể, người tiêu dùng hiện đại đang tìm kiếm các sản phẩm đóng gói dễ sử dụng (dễ đóng/mở, có thể đóng kín lại được, chia phần và gói riêng rẽ), hiệu quả (chống rỉ nước, dễ thao tác), giàu thông tin (thông tin dinh dưỡng, hướng dẫn chế biến), và bền vững (có thể tái chế, tái sử dụng, kéo dài thời hạn sử dụng/giảm rác thải)”.

Xu hướng sử dụng thủy sản đóng gói tiện lợi gia tăng. Ảnh minh họa

Khảo sát tại các hệ thống siêu thị như Co.opmart, Big C, Emart, Aeon… cho thấy, các sản phẩm được chế biến từ thủy hải sản đang chiếm phần lớn quầy kệ ngành hàng thực phẩm của các nhà bán lẻ này. Các siêu thị cũng ghi nhận sức mua của nhóm hàng thủy sản đã gia tăng đáng kể trong thời gian vừa qua.

Những yếu tố này cho thấy thói quen tiêu dùng của người Việt đã có sự dịch chuyển sang sử dụng các sản phẩm thủy sản nhiều hơn. Cụ thể, theo Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, sản lượng các sản phẩm thủy sản chế biến kinh doanh nội địa hiện nay đạt khoảng 600.000 tấn/năm, gồm thủy sản đông lạnh, nước mắm, mực khô, cá khô, tôm khô... Đây là một con số không nhỏ và là cơ hội để các doanh nghiệp chế biến thủy sản tiếp cận người tiêu dùng.

Lực đẩy doanh nghiệp thủy sản phát triển

“Trong số hàng trăm doanh nghiệp chế biến thủy sản đang hoạt động, chúng tôi nhận thấy đã có rất nhiều đơn vị đã đưa vào chiến lược kinh doanh của mình là phải sản xuất ra nhiều sản phẩm dễ sử dụng, tiện lợi cho khách hàng ngay tại nội địa. Đơn cử với sản phẩm cá basa, rất nhiều doanh nghiệp thủy sản đã chế biến dưới nhiều hình thức như cá basa phi lê, cá basa đông lạnh… với hình thức đóng gói tiện lợi hơn để đáp ứng kịp nhu cầu của thị trường”, ông Hòe cho biết thêm.

Thực tế, rất nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản đã bắt kịp xu thế này và có kết quả kinh doanh khả quan. Chẳng hạn Công ty cổ phần Chế biến XNK thủy sản Bà Rịa - Vũng Tàu (Baseafood), trong năm vừa qua và những tháng đầu năm nay, lượng sản phẩm thủy hải sản chế biến tiêu thụ trong nước đã tăng đáng kể. Hiện tại công ty có trên 200 mặt hàng thủy hải sản chế biến với những hình thức đông lạnh, một nắng, khô và nướng chín ăn liền.

Theo doanh nghiệp này, ngoài xuất khẩu, công ty rất chú trọng thị trường nội địa, tập trung ở phía Nam gồm các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, miền Tây Nam bộ.

Hay Công ty Saigon Food cũng đã có hẳn một danh mục hải sản chế biến (lẩu hải sản, lẩu cua, lẩu tôm…) và thủy sản đông lạnh (đầu cá hồi làm sạch, cá hồi tẩm gia vị, cá ba sa hấp…). Theo bà Lê Thị Thanh Lâm - Phó Tổng giám đốc Saigonfood, năm 2018 vừa qua đơn vị này đã đạt doanh thu 1.900 tỷ đồng và sẽ tăng doanh thu lên 50% trong năm nay. Trong số này, doanh thu nội địa là 40% và xuất khẩu chiếm 60%. Tất cả sản phẩm được sản xuất trên quy trình hiện đại, đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, giúp người tiêu dùng tiết kiệm thời gian chế biến.

Thùy Dương

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang