• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Đăk Hà (Kon Tum): Lợi ích từ trồng xen canh cây ăn trái trong vườn cà phê

Nguồn tin: Báo Kon Tum, 21/05/2019
Ngày cập nhật: 24/5/2019

Thời gian qua, người dân trên địa bàn huyện Đăk Hà (tỉnh Kon Tum) đẩy mạnh việc trồng xen canh cây ăn trái trong vườn cà phê. Hướng đi này ngày càng khẳng định ưu thế mang lại lợi nhuận kép, nâng cao hiệu quả sử dụng đất trên một đơn vị diện tích...

Ông Nguyễn Văn Hậu – Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Hà cho biết: Những năm gần đây, giá cả mặt hàng cà phê trên thị trường luôn biến động, nhận thấy lợi ích thiết thực từ các loại cây ăn trái trồng xen trong vườn cà phê mang lại, người dân trên địa bàn huyện học hỏi nhau, tìm hiểu khoa học kỹ thuật và từng bước mở rộng diện tích xen canh. Cách làm này giúp nâng cao giá trị sử dụng và thu nhập trên một diện tích đất, đa dạng hoá sản phẩm thu hoạch, giảm tỷ lệ rủi ro khi giá cả nông sản bấp bênh. Từ thực tế trên, huyện Đăk Hà đề ra chủ trương khuyến khích người dân canh tác theo hướng này, nhưng xen canh ở mức độ vừa phải, đảm bảo quy định trong trồng xen và lựa chọn những loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, ổn định đầu ra.

Toàn huyện Đăk Hà hiện có khoảng 600ha cây cà phê có trồng xen cây ăn trái, tập trung chủ yếu ở một số xã như Đăk Ngọk khoảng 100ha, Đăk Hring khoảng 100ha, Ngọc Wang khoảng 200ha… Các loại cây trồng xen trên rẫy cà phê được người dân lựa chọn chủ yếu là bơ, sầu riêng, cam quýt... Đây là những loại cây thu hoạch khác mùa với cà phê nên giúp người dân có thêm nguồn thu giữa các vụ cà phê và hạn chế sự phụ thuộc vào một loại sản phẩm nông nghiệp.

Tham quan vườn cà phê xen cam, hồng xiêm của gia đình anh Trần Văn Dũng (ở thôn 7, xã Ngọc Wang), chúng tôi thực sự bị thuyết phục, bởi cách làm bài bản đã tạo nên một khu vườn quy mô, các loại cây trồng đều phát triển rất tốt, ra quả nhiều.

Anh Dũng chia sẻ: Nhận thấy cây có múi phù hợp chân đất và thị trường tiêu thụ rất thuận lợi nên từ năm 2015, tôi bắt đầu đầu tư trồng xen canh các loại cam, quýt. Năm đầu trồng khoảng nửa héc ta, sau đó mở rộng dần diện tích và trồng thêm cây hồng xiêm. Cách làm này tuy phải bỏ nhiều công hơn, nhưng lợi nhuận rõ ràng cao hơn hẳn. Năm ngoái tôi thu được khoảng 150 triệu đồng từ tiền bán cam, quýt; năm nay, cây lớn hơn, số lượng cây cho thu quả nhiều hơn, dự kiến thu nhập cũng sẽ cao hơn.

Vườn cây trồng xen cà phê và cây ăn quả của gia đình anh Dũng. Ảnh: TH

Cách khu vườn nhà anh Dũng không xa, vườn cà phê xen canh bơ, cam của anh Quảng Thanh Thanh (thôn 8, xã Ngọc Wang) cũng cho hiệu quả kinh tế cao, được nhiều người trầm trồ khen ngợi và tìm đến học hỏi. Với diện tích hơn 1ha, ngoài cây cà phê, anh trồng gần 1.000 gốc cam, 200 cây sầu riêng, bơ…

Anh Thanh tính toán: Các loại cây trong vườn cho thu hoạch vào các thời điểm khác nhau trong năm, chẳng hạn như sầu riêng, bơ cho thu hoạch vào đợt tháng 3 – 5, cam tháng 9 – 10, sang tháng 11 -12 thu cà phê nên thu nhập của gia đình tương đối đều đặn và ổn định. Bình quân, mỗi loại cây ăn trái mang về cho nhà tôi từ 30 – 40 triệu đồng/vụ, trong khi chi phí đầu tư và công chăm sóc ít hơn cà phê nên tính ra lợi nhuận không thua kém gì cây trồng chính, thậm chí có những vụ còn vượt xa.

Vườn cây trồng xen cà phê và cam của anh Thanh. Ảnh: TH

Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Hà, ngoài lợi ích kinh tế nhìn thấy được, các loại cây ăn trái khi trồng xen trong vườn cà phê có tác dụng che bóng, hạn chế quá trình bốc hơi nước, từ đó giúp giảm bớt lượng nước tưới và giãn khoảng cách của các đợt tưới cho cây cà phê trong mùa khô. Đây chính là hiệu quả kinh tế gián tiếp từ việc trồng xen canh. Mặt khác, do thời vụ thu hoạch của các cây khác nhau nên còn tạo việc làm cho lao động nông thôn trong cả năm.

Đa dạng hoá cây trồng trên cùng một diện tích đất là một trong những giải pháp tốn ít chi phí, đem lại lợi nhuận cao và thích ứng tốt với biến đổi khí hậu. Xen canh cây ăn trái trong vườn cà phê của nông dân Đăk Hà là cách làm mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với xu hướng phát triển sản xuất nông nghiệp hiện nay- một mô hình kinh tế nông nghiệp rất đáng để bà con nông dân trên địa bàn học hỏi, nhân rộng.

Thiên Hương

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang