• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Tìm giải pháp gắn kết sản xuất và tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Tiền Giang, 17/12/2019
Ngày cập nhật: 19/12/2019

Nhằm nắm bắt tình hình thực tế khó khăn, thuận lợi của ngành hàng sầu riêng, giúp giải quyết đầu ra bền vững cho trái cây đặc sản, nông dân hưởng lợi và nông nghiệp - nông thôn đổi mới, vừa qua, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh đã tổ chức Tọa đàm tình hình sản xuất và tiêu thụ sầu riêng Tiền Giang - 2019. Có gần 100 hộ nông dân vùng chuyên canh sầu riêng tỉnh Tiền Giang tham gia.

Ông Đặng Văn Tuấn, Phó Giám đốc Sở Công Thương phát biểu tại buổi tọa đàm.

Theo ông Võ Văn Men, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), sầu riêng là một trong những trái cây chủ lực của tỉnh, có chất lượng và giá trị kinh tế lớn, là nguồn nông sản xuất khẩu quan trọng. Ước tính, toàn tỉnh có khoảng 13.000 ha sầu riêng trồng dưới dạng chuyên canh, chiếm 14,7% tổng diện tích cây ăn trái toàn tỉnh với sản lượng khoảng 250.000 tấn quả/năm. Điểm mạnh trong sản xuất sầu riêng của tỉnh là thổ nhưỡng phù hợp, khí hậu và thủy văn thuận lợi cho cây sầu riêng phát triển tốt, có vùng nguyên liệu rộng, cung cấp nông sản chất lượng và đồng đều hướng đến xuất khẩu. Mặt khác, nông dân có trình độ thâm canh cao, giàu kinh nghiệm trong xử lý rải vụ tránh tình trạng “trúng mùa, mất giá” cũng như nắm vững khoa học - kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao. Để phát triển bền vững cây sầu riêng trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chú trọng các giải pháp kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng, tăng năng suất và sản lượng sầu riêng gắn kết với chuỗi giá trị và liên kết tiêu thụ sản phẩm xuất khẩu...

Ông Đặng Văn Tuấn, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, trong những năm qua, sầu riêng Tiền Giang được tiêu thụ thông qua thương lái mà 70% sản lượng được xuất tươi, xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro, 29% còn lại tiêu thụ nội địa, 1% còn lại xuất sang các nước khác. Tuy nhiên, gần đây Trung Quốc thắt chặt nhập khẩu qua con đường tiểu ngạch gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp trong nước và bất an nhà vườn. Trước tình hình trên, lãnh đạo Sở Công Thương định hướng trong tương lai phải giảm dần và tiến tới xóa bỏ thương mại tiểu ngạch; tập trung xuất khẩu chính ngạch để giảm thiểu rủi ro pháp lý. Muốn vậy, phải từng bước xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, mẫu mã sản phẩm...

Đóng góp ý kiến tại buổi tọa đàm, ông Trần Thanh Tuyền, Chủ tịch Hội Làm vườn huyện Cai Lậy chia sẻ, trong năm 2019, được sự hỗ trợ của các ngành hữu quan, đặc biệt là Sở Khoa học và Công nghệ, huyện Cai Lậy đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Sầu riêng Cai Lậy”. Đây là tin vui cho nông dân huyện Cai Lậy, nơi có vùng chuyên canh sầu riêng lớn nhất tỉnh, trên 9.000 ha, sản lượng mỗi năm gần 200.000 tấn quả. Để phát huy hơn nữa nhãn hiệu tập thể “Sầu riêng Cai Lậy”, Hội Làm vườn huyện Cai Lậy kiến nghị các ngành: Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương và UBND tỉnh Tiền Giang tiếp tục hỗ trợ Hội trên các lĩnh vực ứng dụng khoa học, công nghệ trong thâm canh, phát triển kinh tế tập thể để hình thành liên kết chuỗi giá trị giải quyết đầu ra cho trái sầu riêng, xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm...

Đại diện Công ty TNHH Một thành viên xuất nhập khẩu Như Thủy Tiên (tỉnh Tiền Giang) thông tin, từ đầu năm đến nay doanh nghiệp đã xuất khẩu trên 800 tấn sầu riêng. Qua thực tế sản xuất và kinh doanh, xuất khẩu trái sầu riêng, doanh nghiệp cho rằng, để khắc phục khó khăn do rào cản thương mại cũng như để giải quyết đầu ra bền vững cho trái sầu riêng, cần nhanh chóng thành lập Hiệp hội sản xuất sầu riêng Việt Nam có sự quản lý của cơ quan Nhà nước với sự tham gia của các cơ quan hữu quan, các đơn vị và doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sầu riêng và nông dân vùng chuyên canh. Sự gắn kết của các thành phần này sẽ kịp thời đưa ra giải pháp phù hợp, hỗ trợ nhau bình ổn giá cả, thu lợi cho các bên nói riêng và ngành hàng sầu riêng nói chung.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Đặng Văn Tuấn, Phó Giám đốc Sở Công Thương nhận định, những ý kiến đóng góp trong buổi tọa đàm rất hữu ích, là cơ sở để tỉnh Tiền Giang trong thời gian tới có những giải pháp phù hợp trong định hướng và phát triển ngành hàng sầu riêng mang tính chiến lược, lâu dài và bền vững. Tạo điều kiện để trái sầu riêng mạnh mẽ thâm nhập và mở rộng thị trường xuất khẩu, đem lại lợi ích kinh tế, xã hội to lớn cho tỉnh nhà, đồng thời nông dân không còn phải nơm nớp lo giá cả tiêu thụ trồi sụt thất thường như thời gian vừa qua.

Minh Trí

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang