• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Tiền Giang: Điểm nét một số vùng cây đặc sản giúp nông dân làm giàu

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Tiền Giang, 16/12/2019
Ngày cập nhật: 17/12/2019

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ lúc triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang (năm 2016) đến nay, chuyển dịch cơ cấu cây trồng đã diễn ra ngày càng rõ nét theo hướng tích cực. Diện tích đất lúa kém hiệu quả, manh mún hoặc bị thường xuyên tác động của thiên tai được chuyển dần sang trồng cây khác thích nghi, hiệu quả, trong đó, chỉ tính riêng từ đầu năm 2019 đến nay đã có 3.458 ha đất lúa chuyển sang trồng cây ăn trái. Việc ứng dụng cơ giới hóa đã góp phần giảm chi phí, giảm tổn thất sau thu hoạch được thực hiện trên cây ăn trái, và điểm khá đặc biệt là hiện có 10% diện tích cây ăn trái áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm, kết hợp bón phân - đây là tiến bộ kỹ thuật mới, hiệu quả, giúp giảm công lao động, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

Được mệnh danh là "vương quốc trái cây", lĩnh vực cây ăn trái luôn được xem là thế mạnh của tỉnh: Tiền Giang hiện đứng đầu cả nước về diện tích và sản lượng với hơn 79 ngàn ha và 1,5 triệu tấn, trong đó trên 85% diện tích tập trung ở 05 địa phương thuộc vùng kinh tế - đô thị phía Tây và vùng Trung tâm, cụ thể: Huyện Cái Bè 18.916 ha, huyện Cai Lậy 14.310 ha, huyện Tân Phước 16.946 ha, huyện Châu Thành 8.513 ha và huyện Chợ Gạo 9.216 ha. Tương ứng với tiềm năng này, hiện đã hình thành một số vùng trồng tập trung, giúp nhiều hộ nông dân vươn lên khá, giàu.

Trước hết phải kể đến là vùng trồng sầu riêng. Vùng này liên tục tăng nhanh diện tích trồng trong 05 năm gần đây: Từ 9.111 ha năm 2016 lên 13.500 ha năm 2019, tập trung chủ yếu ở huyện Cai Lậy hơn 9.000 ha, thị xã Cai Lậy 2.000 ha, huyện Cái Bè hơn 1.511 ha… với năng suất bình quân khá ổn định, trung bình gần 25 tấn/ha/năm, riêng năm 2019 cho sản lượng thu hoạch trên 277 ngàn tấn, với các giống được trồng phổ biến hiện nay là Ri6 chiếm 56%, Monthong chiếm 40%, số còn lại là các giống khác... Lợi nhuận trung bình 1 ha sầu riêng năm 2019 khoảng 924 triệu đồng, cao gấp 22 lần so với lúa (chưa kể nếu sản xuất nghịch vụ thì lợi nhuận còn cao gấp 1,5 - 1,7 lần so với sản xuất chính vụ), giúp phần lớn "nông dân sầu riêng" liên tục khá, giàu lên từ cây trồng này.

Thứ hai là cây bưởi. Diện tích bưởi toàn tỉnh hiện có 4.900 ha, tăng 819 ha so với năm 2016 với sản lượng thu hoạch năm 2019 khoảng 85.498 tấn. Vùng trồng tập trung chủ yếu cũng ở vùng phía Tây và vùng Trung tâm: Cái Bè 864 ha, Châu Thành 1.220 ha, Cai Lậy 3.276 ha, Chợ Gạo 948 ha và TP. Mỹ Tho 1.049 ha, trong đó có tới 3.172 ha là loại bưởi da xanh (giá trị cao), chiếm 2/3 diện tích bưởi toàn tỉnh. Cũng như các loại trái cây khác, lợi nhuận thu được từ cây bưởi da xanh phụ thuộc nhiều vào giá thị trường, trong giai đoạn 2016 - 2019 thì lợi nhuận cao nhất mà người dân thu được là 709 triệu đồng/ha (năm 2017) và năm nay, theo khảo sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì mức lời tuy "chưa ngon lắm", nhưng cũng đạt trên 600 triệu đồng/ha (nếu sản xuất nghịch vụ thì lợi nhuận gấp 1,5 lần so với sản xuất chính vụ), tính ra, hiệu quả cũng cao gấp 14 - 15 lần trồng lúa.

Vùng thứ ba là cây xoài. Vùng xoài với diện tích 3.996 ha, tập trung chủ yếu ở phía Tây: Cái Bè 2.821 ha, Cai Lậy 340 ha, Châu Thành 226 ha..., trong đó xoài cát Hòa Lộc 1.050 ha, tập trung chủ yếu tại 13 xã của huyện Cái Bè. Lợi nhuận thu được trên 01 ha xoài cát Hòa Lộc liên tục tăng trong những năm qua, hiện nay là 728 triệu đồng/ha, cũng gấp gần 20 lần so trồng lúa. Xoài cát Hòa Lộc của tỉnh được liên kết tiêu thụ với Công ty Hatchando Nhật Bản và được đưa lên phục vụ trên các chuyến bay của Vietnam Airline. Ông Đoàn Văn Sang, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất chế biến nông sản Cát Tường cho biết, từ cuối năm 2018, Công ty đã đưa vào hoạt động thiết bị xử lý nhiệt hơi nước nóng để "làm hàng" cho thị trường khó tính Hàn Quốc và gần đây (giữa năm 2019) cũng đã vào Nhật, công nghệ mới này đã giúp cho công ty đủ điều kiện xuất khẩu trái xoài tươi sang các nước này, mang về giá trị cao gấp 3 - 4 lần so với hàng chế biến hoặc tiêu thụ nội địa, góp phần ổn định thu nhập nông dân trong "chuỗi giá trị".

Vùng thứ tư là thanh long. Diện tích trồng thanh long liên tục tăng nhanh trong những năm gần đây, hiện nay khoảng 9.140 ha, tăng gần gấp 2 lần so với năm 2016, sản lượng thu hoạch năm 2019 khoảng 191.417 tấn. Vùng trồng tập trung chủ yếu ở huyện Chợ Gạo 7.033 ha, huyện Tân Phước 1.036 ha, huyện Gò Công Tây 697 ha, huyện Gò Công Đông 202 ha với hai giống phổ biến là thanh long ruột đỏ (61%) và thanh long ruột trắng. Lợi nhuận trung bình 1 ha thanh long năm 2019 đạt 479 triệu đồng (trong đó, lợi nhuận của thanh long ruột đỏ gần gấp 2 lần thanh long ruột trắng, và nếu sản xuất nghịch vụ thì lợi nhuận gấp 1,7 lần so với sản xuất chính vụ). Cũng cần nói thêm, trong các năm qua, lợi nhuận thu được từ thanh long ruột đỏ đều tăng do thị trường tiêu thụ khá thuận lợi, giá bán cao và có xu hướng cứ tăng dần qua các năm. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến cơ cấu giống thanh long có sự thay đổi từ 32% thanh long ruột đỏ năm 2015 đến nay đã tăng lên 61%.

Thứ năm là vùng trồng khóm. Diện tích khóm của tỉnh duy trì ổn định qua các năm, hiện toàn tỉnh có hơn 14.628 ha, chủ yếu trồng tập trung tại huyện Tân Phước với diện tích 14.544 ha, sản lượng thu hoạch trên dưới 250 ngàn tấn mỗi năm; trong đó, có 07/13 xã tập trung nhiều (từ 800 ha trở lên): Hưng Thạnh, Tân Lập 2, Mỹ Phước, Thạnh Tân, Thạnh Mỹ, Tân Hội Đông và Nông trường Tân Lập. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với giá bán bình quân 6.000 đồng/kg, tiêu thụ chủ yếu là trong nước, người dân trồng khóm có lợi nhuận bình quân 70 triệu đồng/ha/năm, nhiều hộ nông dân nhờ cây trồng này mà nhà cửa khang trang, có của ăn, của để.

Cuối cùng và cây vú sữa. Qua nhiều năm thăng trầm do cây bị thoái hóa, nhiễm bệnh, nhiều nhà vườn ngậm ngùi đốn bỏ chuyển sang cây trồng khác, vài năm gần đây, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt bằng nhiều giải pháp nhằm khôi phục loại cây đặc sản này, hiện diện tích trồng vú sữa toàn tỉnh duy trì được 454 ha với sản lượng khoảng 5.640 tấn, trồng chủ yếu tại các huyện Châu Thành, huyện Cai Lậy, thị xã Cai Lậy, huyện Cái Bè với các giống chủ yếu là sữa Lò Rèn (73%), sữa Nâu (23%)... Một số doanh nghiệp lớn cũng đang liên kết với nhà vườn, hợp đồng thu mua, xuất khẩu (hiện giá vú sữa được thu mua từ 60.000 - 65.000 đồng/kg đối với vú sữa Lò Rèn và từ 40.000 - 45.000 đồng/kg đối với vú sữa Nâu). Bên cạnh đó, tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp để đẩy mạnh xuất khẩu vú sữa như: Rà soát mã số vùng trồng, chuyển mã số vùng trồng giữa các công ty, tập huấn chuyển giao kỹ thuật, tổ chức gặp gỡ các doanh nghiệp, và từ đầu mùa thu hoạch vú sữa đến nay, các doanh nghiệp đã xuất khẩu được 8,96 tấn vú sữa sang thị trường Mỹ..., cho thấy một "tương lai mới" đã mở ra cho nhà vườn đã kiên trì, quyết tâm theo đuổi loại trái cây đặc sản này.

Q. Anh

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang