• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Phú Yên: Người trồng tiêu điêu đứng vì dịch bệnh

Nguồn tin: Báo Phú Yên, 21/07/2018
Ngày cập nhật: 23/7/2018

Vườn tiêu nhà ông Lê Văn Thiệu tiếp tục héo rũ khả năng sẽ chết dần trong thời gian tới. Ảnh: NGUYỄN CHƯƠNG

Dịch bệnh kéo dài khiến hàng trăm héc ta tiêu ở huyện Tây Hòa và Sông Hinh (tỉnh Phú Yên) chết. Người trồng tiêu ở các địa phương này đang đối mặt với nhiều khó khăn vì chưa có cách điều trị hiệu quả.

Xơ xác vườn tiêu

Tháng 7, thời điểm vào vụ thu hoạch tiêu, nhưng năm nay, vòng qua khắp các vùng trồng tiêu trọng điểm của tỉnh chẳng thấy mấy người hái tiêu; các chủ vườn tiêu thì chẳng buồn ra vườn vì nhìn vườn tiêu chỉ thêm xót dạ. Chỉ vào lô tiêu xơ xác lá, ông Lê Văn Thiệu ở thôn Tịnh Thọ, xã Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa) cho biết: “1,9 sào tiêu này (1.900m2) năm ngoái tôi hái được 700kg tiêu khô, thu nhập 70 triệu đồng. Năm nay, dịch bệnh bùng phát ngay kỳ tiêu đậu trái.

Theo Sở NN-PTNT, cây tiêu là loại cây trồng rất kén đất đai, khí hậu; người trồng phải có kinh nghiệm, hiểu biết để chăm sóc tốt cho cây. Tuy nhiên, từ năm 2012 - 2018, diện tích trồng tiêu đã mở rộng lên gấp đôi nên không tránh được tình trạng bùng phát dịch bệnh liên tục trong thời gian gần đây. Hiện diện tích trồng tiêu toàn tỉnh khoảng 900ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Tây Hòa, Sông Hinh và một phần nhỏ tại huyện Sơn Hòa, Tuy An.

Ban đầu, tiêu ở một vài trụ bị úa lá, rụng dần. Sợ dịch bệnh lan rộng, gia đình rắc vôi bột xung quanh, đào rãnh thoát nước, mua đủ loại phân thuốc chữa trị nhưng tiêu vẫn chết dần và lan rộng ra khắp vườn. “Không chỉ lô tiêu này mà dịch bệnh tiếp tục bùng phát ở lô tiêu rộng hơn 4 sào gần đó với các triệu chứng bệnh tương tự. Mặc dù tôi đã dùng đủ cách nhưng càng đổ thuốc dây tiêu càng rũ, rồi lần lượt chết. Đến nay, 6 sào tiêu của gia đình tôi đã chết gần 5 sào, chỉ còn hơn 1 sào nhưng cũng bắt đầu phát bệnh. Đến giờ thì gia đình đành bó tay, không phân thuốc gì nữa”, ông Thiệu chua xót nói.

Cạnh lô tiêu gia đình ông Thiệu, các lô tiêu của ông Hoàng, bà Họa, bà Hiền... cũng chung tình cảnh. Theo bà Nguyễn Thị Minh Họa, lô tiêu rộng gần 4 sào của gia đình bà được trồng từ năm 2012, đến nay tiêu được 6 năm tuổi và bắt đầu vào kỳ kinh doanh, thu hồi vốn đầu tư. Nhưng giờ tiêu bị bệnh chết hơn 2/3 vườn, số còn lại cũng đang oằn mình với dịch. Để cứu vườn, gia đình bà Họa đã đầu tư hơn chục triệu đồng mua các loại thuốc đặc trị nấm rễ cho tiêu nhưng vẫn không có tác dụng, vườn tiêu vẫn lần lượt chết.

Theo những hộ trồng tiêu ở đây thì đến giờ bà con vẫn không thể lý giải được nguyên nhân khiến dịch bệnh bùng phát và kéo dài dai dẳng đến nay. Ông Trần Thành ở xã Sơn Thành Đông (huyện Tây Hòa) cho biết: Sau bão số 12 cuối năm ngoái, nhiều trụ tiêu bị gió lay lỏng gốc, khiến bộ rễ bị hư hại làm tiêu chết đã đành. Đằng này đến nay, sau hơn nửa năm, tiêu vẫn tiếp tục chết thì không thể nói do bão được. Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Thành Tây Ngô Trọng Luật cho biết: Diện tích trồng tiêu của xã có hơn 450ha với gần 900 hộ trồng. Hiện hầu hết các vườn tiêu ở đây đều nhiễm bệnh khiến tiêu chết với tỉ lệ khoảng 60%.

Không chỉ bùng phát trên vùng chuyên canh cây tiêu ở huyện Tây Hòa, mà những tháng qua, tại các vùng trồng tiêu ở huyện Sông Hinh dịch bệnh cũng đã xóa sạch nhiều vườn tiêu của người dân ở đây. Theo ông Nguyễn Đức Hóa ở xã Đức Bình Đông (huyện Sông Hinh), vườn tiêu nhà ông phát bệnh từ đầu năm và kéo dài đến nay. Hiện 4 sào tiêu chỉ còn được hơn nửa sào, số còn lại đã chết rụi. Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh Nguyễn Khắc Sự cho hay: Diện tích tiêu của huyện chủ yếu tại các xã Đức Bình Đông, Sông Hinh, Ea Bar và Ea Ly. Chưa năm nào dịch bệnh lại xảy ra trên diện rộng và gây thiệt hại nhiều như năm nay. Đến nay, nhiều diện tích tiêu của huyện bị chết do bệnh, nhưng dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, các vườn tiêu đang tiếp tục chết.

Chồng chất khó khăn

Ảnh hưởng dịch bệnh, năm nay, các vườn tiêu đều mất năng suất, có vườn gần như mất trắng, nông dân đang điêu đứng vì tiêu. Ông Cao Văn Cường ở xã Sơn Thành Tây cho biết: Nếu như mọi năm, với 1ha tiêu này, gia đình tôi phải thu hoạch khoảng 3,5 tấn tiêu, mang về thu nhập hơn 600 triệu đồng. Còn năm nay, vườn tiêu nhiễm bệnh chết hàng loạt, cả vườn chỉ thu hoạch được gần 100kg, chưa đủ chi phí phân thuốc điều trị cho đợt dịch bệnh này.

Đây cũng là tình cảnh chung của hàng trăm hộ trồng tiêu ở đây. Theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền, khi vườn tiêu khỏe mạnh thì chi phí đầu tư cho mỗi sào tiêu khoảng 10 triệu đồng/năm. Nhưng khi tiêu dịch bệnh thì chi phí chăm sóc, điều trị vườn tăng lên cỡ 15 - 17 triệu đồng/sào/năm. Trong khi chi phí đầu tư tăng thì năng suất của vườn tiêu bị bệnh lại giảm mạnh. 4 sào tiêu của gia đình bà Hiền mọi năm cho thu hoạch khoảng 1,3 tấn thì năm nay chỉ thu về khoảng 200kg, giảm hơn 60%.

Trong khi đó, giá tiêu trên thị trường đang chạm đáy, hiện thương lái thu mua tiêu với giá 55.000 đồng/kg và đây là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều chủ vườn tiêu nản lòng, bỏ vườn. Ông Cao Văn Cường cho biết: Hai năm liên tục dịch bệnh bùng phát mạnh trên cây tiêu, vườn tiêu liên tục mất mùa, chi phí cứu chữa, điều trị lại đắt đỏ trong khi giá tiêu giảm mạnh nên gia đình tôi đã phá bỏ 6 sào tiêu chuyển sang trồng bưởi da xanh.

Còn theo ông Trần Văn Dũng cũng ở xã này, năm 2015 thấy tiêu có giá cao, người trồng tiêu thu nhập khá nên gia đình ông mua lại 6 sào đất với giá 350 triệu đồng đầu tư trồng tiêu. Từ đó đến nay đã 2 năm liền vườn tiêu “dính” bệnh, hiện tiêu trong vườn đã chết gần hết. Chi phí gia đình ông đổ vào 6 sào tiêu này gần 800 triệu đồng và chưa thu lại được đồng nào. Hiện gia đình ông Dũng đang phá bỏ vườn tiêu để trồng bắp.

Đây cũng là tình cảnh chung của nhiều hộ dân đổ xô đi trồng tiêu trong giai đoạn từ năm 2012 - 2015 khi tiêu có giá. Và lúc này, cây tiêu chính là ngọn ngành của những món nợ hàng trăm triệu đồng mà chưa biết lấy gì để trả.

Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tây Hòa Nguyễn Dũng cho biết: Ngoài vùng trồng tiêu của Công ty CP Vina cà phê Sơn Thành, hiện nay người dân địa phương đã mở rộng hàng trăm héc-ta tiêu, tập trung ở các xã Sơn Thành Tây, Sơn Thành Đông, Hòa Phú. Vì chưa có kinh nghiệm, lại mở rộng diện tích một cách ồ ạt, nguồn giống không được kiểm soát, chọn lựa kỹ... nên thường xuyên xảy ra dịch bệnh. Cùng với đó, tiêu lại đang mất giá nên nhiều người phá bỏ vườn tiêu chuyển sang canh tác các loại cây trồng khác.

Giải pháp nào cho vùng trồng tiêu

Theo Sở NN-PTNT tỉnh, qua kiểm tra, khảo sát tại các vùng tiêu bị dịch bệnh thì hầu hết các vườn tiêu đều bị nhiễm 3 loại bệnh chủ yếu đó là tuyến trùng, chết nhanh và chết chậm. Đối với những vườn bị bệnh chết nhanh hầu hết do sau đợt bão lụt cuối năm 2017, lượng mưa nhiều, nước ngầm dâng cao nên tiêu bị ngâm nước dài ngày khiến cho bộ rễ bị úng, các loại nấm Phytophthora xâm nhập. Những vườn tiêu nhiễm bệnh này chết rất nhanh chỉ trong vòng 1-2 tuần sau khi phát triệu chứng ra ngoài. Khi tiêu bị bệnh này gần như không thể điều trị. Vì vậy, các vườn tiêu nhiễm bệnh chết nhanh đến nay đã chết sạch với diện tích khoảng 60ha. Các vườn tiêu hiện nay chủ yếu nhiễm bệnh tuyến trùng và chết chậm, đây là những loại bệnh thuộc hệ rễ nên việc điều trị rất khó và lâu dài. Cả hai loại bệnh này nguyên nhân phát bệnh ban đầu đều do vườn tiêu bị ngập nước dài ngày, độ ẩm tăng cao làm cho tuyến trùng phát sinh với mật độ dày tấn công vào bộ rễ của tiêu. Khi bộ rễ bị tổn thương thì các loại nấm xâm nhập làm cho hệ rễ tơ và rễ chùm bị u sưng, thối. Cây tiêu lúc này chỉ còn rễ cọc nên giảm khả năng hấp thu dinh dưỡng và vận chuyển nước gây nên hiện tượng vàng lá, cây còi cọc, lá và đốt dây rụng làm cây tiêu chết dần.

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lê Lanh Đa cho hay: Vừa qua, chi cục đã phối hợp cùng các địa phương hướng dẫn cho bà con cách điều trị vườn tiêu bị bệnh chết chậm và tuyến trùng. Để đạt được hiệu quả, trước tiên, bà con phải khai thông, tạo rãnh thoát nước, chống ngập úng cho vườn tiêu. Sau đó, bà con xử lý trừ tuyến trùng bằng các loại thuốc Chitosan, Ethoprophos, Carbosulfan... đồng thời phối hợp với các loại thuốc trừ nấm như Cuprous oxide và Dimethomorph, Fosetylaluminium... Sau khi xử lý thuốc 7 ngày thì bổ sung các loại thuốc kích thích ra rễ để phục hồi hệ rễ cho cây tiêu. Tuy nhiên, biện pháp này cũng chỉ có khả năng cứu sống được những trụ tiêu bị bệnh vừa phải. Những trụ tiêu bị bệnh nặng có khoảng 50% lá bị rụng thì bà con nên thu gom tiêu hủy luôn vì có cứu sống năng suất cũng rất thấp, không còn hiệu quả. Đồng thời, đơn vị cũng khuyến cáo những hộ trồng tiêu nên áp dụng các biện pháp canh tác hợp lý, phòng bệnh hơn chữa bệnh. Bà con không nên lạm dụng phân bón và thuốc BVTV sẽ gây nên những tác dụng ngược. Vào đầu và giữa mùa mưa nên sử dụng các chế phẩm sinh học xử lý bớt tuyến trùng và những loại nấm có sẵn trong đất để hạn chế dịch bệnh. Đặc biệt, các địa phương cần tuyên truyền hướng dẫn cho bà con cách canh tác hợp lý, không nên ồ ạt mở rộng diện tích trồng, sử dụng tiêu giống không rõ nguồn gốc... bởi điều này dễ gây bùng phát dịch bệnh ở cây tiêu.

THỦY TIÊN

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang