• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Ứng dụng khoa học kĩ thuật trong trồng cây dược liệu

Nguồn tin: Báo Quảng Trị, 19/7/2018
Ngày cập nhật: 20/7/2018

Phát triển cây dược liệu là lĩnh vực tương đối mới ở tỉnh Quảng Trị. Những năm qua, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhiều địa phương đã tìm tòi trồng thử nghiệm cây dược liệu và bước đầu mang lại kết quả khả quan. Cùng với việc đưa vào trồng thử nghiệm nhiều loại cây dược liệu mới, được sự hỗ trợ của nguồn vốn khoa học và công nghệ, các địa phương đã ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật nhằm tạo ra điều kiện sống tốt cho cây trồng, tiết kiệm chi phí và mang lại hiệu quả sản xuất cao.

Phủ bạt ni lon trồng cây chè vằng ở thôn Cam Vũ, Cam Thủy, Cam Lộ

Với thế mạnh vùng gò đồi và đất đỏ ba dan phù hợp với nhiều loại cây trồng cạn, huyện Cam Lộ là địa phương phát triển nhiều loại cây dược liệu. Trước đây, một số cây dược liệu truyền thống được người dân lấy từ tự nhiên như cà gai leo, chè vằng… nhưng do nhu cầu tăng cao, dược liệu tự nhiên không đáp ứng đủ nên người dân đã trồng dược liệu. Vùng trồng dược liệu trên địa bàn huyện Cam Lộ phát triển nhanh, đến nay toàn huyện có hơn 120 ha cây dược liệu các loại. Để đảm bảo cho vùng dược liệu phát triển tốt trong điều kiện thường xuyên bị khô hạn, được sự hỗ trợ của nguồn vốn khoa học và công nghệ, một số nơi trên địa bàn huyện Cam Lộ ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trong trồng và chăm sóc cây dược liệu, đặc biệt là trong khâu tưới tiêu. Nhờ đó, hầu hết diện tích dược liệu trên địa bàn huyện đều cho năng suất cao, chất lượng đạt yêu cầu.

Sau khi nghỉ hưu, vợ chồng chị Trần Thị Lài và anh Lê Xuân Thể từ Gio Linh vào thuê 6ha đất ở thôn Cam Vũ, xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ, cùng một người bạn đầu tư 2,3 tỷ đồng lập trang trại trồng cây dược liệu, trong đó chè vằng 4 ha; đinh lăng 1ha; ngưu tất và các loại cây dược liệu khác 1ha. Vợ chồng chị Lài đầu tư khá bài bản về thiết kế trang trại cũng như cơ sở vật chất phục vụ sản xuất và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật như xây dựng hệ thống tưới nước nhỏ giọt, phủ bạt ni lon, tuân thủ đúng quy trình bón phân và thuốc bảo vệ thực vật. Nhiều diện tích chè vằng của trang trại được phủ bạt ni lon ở gốc cây để giữ ẩm cho cây và hạn chế cỏ dại mọc. Kết hợp với việc phủ bạt nilon, trang trại của chị Lài đầu tư thêm hệ thống tưới nước nhỏ giọt gồm ống dẫn, đầu phun được đặt ở các vị trí hợp lý trong trang trại nên phát huy khá tốt hiệu quả tưới. Cây dược liệu được đầu tư đồng bộ hệ thống tưới và giữ ẩm đã chống chịu hạn tốt, sinh trưởng tốt trong điều kiện khô hạn. Giống cây dược liệu được chị Lài lựa chọn kỹ càng, mua tại các cơ sở cung ứng có uy tín như Công ty dược Traphaco nên sạch sâu bệnh. Nhờ đó, trang trại ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình trồng các loại cây dược liệu, nếu có sử dụng thì cũng đảm bảo thời gian cách ly an toàn tuyệt đối. Sau 3 năm đầu tư trồng dược liệu, năm 2018, trang trại của gia đình chị Lài thu hoạch lứa dược liệu đầu tiên. Giá trị sản phẩm ban đầu được chị Lài đầu tư trở lại cho trang trại để tiếp tục thâm canh. Hiện tại, gia đình chị Lài đang ươm hơn 20.000 cây giống đinh lăng để đầu tháng 9/2018 xuống giống trên diện tích 1ha.

Chị Lài cho biết: “Vì ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, vốn đầu tư tương đối nhiều nên trang trại phải đầu tư dần dần. Mỗi loại cây dược liệu là một mô hình trình diễn về cây trồng mới và ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật nên từ thành công ở trang trại, người dân trong vùng có thể học hỏi và nhân rộng mô hình này.” Ngoài đầu tư trồng dược liệu tại trang trại, anh Thể còn tham gia hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân thôn Nhật Lệ, xã Cam Thủy, Cam Lộ trồng, chăm sóc và thu hoạch cây trạch tả. Đây là năm đầu tiên trồng thử nghiệm loại cây này nên thời gian trồng cũng như quy trình chăm sóc đều được kiểm chứng qua thực tế để lựa chọn lịch thời vụ và cách chăm sóc phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương.

Cũng giống như các loại cây trồng nông nghiệp, việc đầu tư ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trồng vào cây dược liệu sẽ giúp tác động nhanh vào việc tăng sản lượng và nâng cao chất lượng nguồn dược liệu. Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Cam Lộ Phạm Viết Thanh cho biết: “Hiện trên địa bàn huyện Cam Lộ đã có nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học- kỹ thuật vào trồng dược liệu mang lại hiệu quả sản xuất cao. Nhờ đó các địa phương đã phát triển tốt vùng dược liệu, tạo ra sản lượng nhiều và chất lượng ổn định, đáp ứng tốt nhu cầu chế biến dược liệu trên địa bàn. Thời gian tới, bằng nhiều nguồn vốn đầu tư, trong đó có nguồn vốn hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, huyện sẽ nhân rộng các mô hình sản xuất dược liệu nhằm tạo nguồn nguyên liệu ổn định cho chế biến dược liệu”.

Trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao giá trị sản xuất, trồng dược liệu là một trong những hướng đi được lựa chọn. Những năm qua, nhiều địa phương trong tỉnh đã phát triển tốt vùng dược liệu mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người trồng. Việc áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào trồng dược liệu vừa giúp tăng năng suất, vừa đảm bảo chất lượng dược liệu, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm dược liệu đã qua chế biến, một trong những nghề mới mang lại hiệu quả khá trên địa bàn tỉnh.

Võ Thái Hòa

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang