• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

TP. Hồ Chí Minh: Tăng cường cơ giới hoá vào sản xuất

Nguồn tin: Khuyến Nông VN, 18/07/2018
Ngày cập nhật: 20/7/2018

Thời gian qua nhằm giải quyết tình trạng thiếu lao động và giá lao động cao trong nông nghiệp, nhất là trong sản xuất rau, hoa đòi hỏi nhiều công lao động ở khâu chăm sóc, tưới nước và bón phân; Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ nông dân tăng cường ứng dụng cơ giới hoá vào sản xuất, được nông dân hưởng ứng và áp dụng góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giảm giá thành sản phẩm.

Từ tháng 12/2017 đến 7/2018, Trung tâm Khuyến nông TP. Hồ Chí Minh đã chuyển giao mô hình cơ giới hoá hệ thống tưới nhỏ giọt trong trồng rau với quy mô 3 hộ trên 6.000m2 tại xã Thái Mỹ và mô hình máy phun thuốc trong trồng lan với quy mô 11 hộ/11 máy tại xã Trung An, Phú Mỹ Hưng, Thái Mỹ và Phú Hoà Đông (huyện Củ Chi).

Tưới nhỏ giọt là kỹ thuật tưới cung cấp nước vào rễ cây dưới dạng các giọt nước nhỏ ra chậm với lưu lượng không đổi nhờ cơ chế điều tiết áp lực nước của các đầu nhỏ giọt gắn chìm trong ống dẫn. Các thiết bị chính của hệ thống gồm máy bơm, ống nhỏ giọt, hệ thống lọc, hệ thống định hướng và châm phân bón. Theo đánh giá kết quả, năng suất hệ thống tưới nhỏ giọt đạt 10 giờ/ha, giúp giảm giá thành sản xuất rau 17%, thay thế được 10 công lao động/ha so với tưới thủ công. Hiệu quả kinh tế trong 01 lần tưới nhỏ giọt trên diện tích 1.000m2 là tiết kiệm được hơn 48.000 đồng so với tưới thủ công. Ngoài ra tưới nhỏ giọt giúp cây sinh trưởng tốt, giảm sâu bệnh hại, tăng năng suất, tiết kiệm được 37% lượng nước tưới, góp phần hạ giá thành sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân.

Với máy phun thuốc, năng suất máy phun thuốc động cơ điện đạt 11 giờ/ha, giá thành sản xuất lan giảm 18%, thay thế 05 lao động/ha so với phun bằng bình bơm tay; sử dụng máy phun thuốc cho lan thu lợi gần 60.000 đồng cho 01 lần phun thuốc, phun phân; rút ngắn thời gian phun thuốc xuống 1,3 lần; mỗi tháng phun 14 lần, mỗi năm phun 168 lần, tính ra tiết kiệm được gần 10 triệu đồng/1.000m2.. Máy hoạt động bền, áp suất phun đảm bảo đều khắp vườn lan, tăng hiệu quả phun thuốc, phun phân, tiết kiệm chi phí sản xuất và công lao động.

Mô hình cơ giới hóa máy phun thuốc trong trồng lan tại xã Phú Hòa Đông

Bà Nguyễn Thị Liên, xã Thái Mỹ, hộ tham gia mô hình cho biết: Hai vợ chồng bà làm khoảng 04 ha rau ăn quả an toàn, vì là chân đất gò cao, đất cát nên trước đây khâu làm đất, tưới nước, bón phân thủ công rất mệt và tốn nhiều công lao động. Từ khi gia đình được nhà nước hỗ trợ cơ giới hóa hệ thống tưới nhỏ giọt đã giúp khắc phục việc tưới nước ở các vùng đất không thuận lợi, thời gian tưới nhanh, ít tốn công lao động, chỉ cần mở van tưới và tính giờ tắt cầu dao điện là xong. Nước thấm đều hơn và không thất thoát nước, chỉ cần thường xuyên kiểm tra hệ thống ống xem có nghẽn không thôi. Ngoài ra, còn có thể sử dụng hệ thống tưới để bón phân giúp cây hấp thụ, sinh trưởng tốt. Lưu ý chỉ sử dụng các loại phân hoà tan hoàn toàn. “Sau khi sử dụng 4 - 5 lần cần dùng nước sạch để rửa hệ thống, mở các nút thắt dây nhỏ giọt cuối các luống, nước sẽ đẩy các cặn bã trong hệ thống ra ngoài làm sạch hệ thống. Khó khăn là chi phí đầu tư ban đầu hơi cao nhưng được sự hỗ trợ 50% của nhà nước đã tạo điều kiện cho nông dân áp dụng, thời gian khấu hao lâu dài nên chi phí cũng tạm ổn mà lợi nhuận mang lại rất cao. Bình thường mỗi năm sản xuất rau ăn quả khoảng 3 vụ, thì áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt có thể tăng được 04 vụ/ năm” anh Tuấn – chồng chị Liên cho biết thêm.

Hệ thống tưới nhỏ giọt tại vườn rau nhà bà Nguyễn Thị Liên, xã Thái Mỹ

Với mô hình máy phun thuốc, anh Trần Thanh Liêm, xã Phú Hoà Đông cho hay: “Trước đây phải sử dụng bình xịt bơm tay rất vất vả và tốn nhiều thời gian, nay sử dụng máy phun thuốc bằng điện giúp tiết kiệm được thời gian, công lao động, lại hiệu quả, giảm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Từ khi áp dụng cơ giới hoá thì việc trồng lan của gia đình rất dễ dàng, thời gian rảnh còn nhiều, tôi làm thêm nghề lái xe du lịch”.

Ông Võ Ngọc Đẹp – Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Ứng dụng cơ giới hoá là yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hoá và tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Để việc sản xuất rau, lan ngày càng mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần tích cực phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố theo hướng nông nghiệp đô thị thì người nông dân cần lựa chọn những đối tượng cây con phù hợp, có giá trị kinh tế cao, đáp ứng yêu cầu thị trường tiêu thụ. Ngoài ra, cần liên kết sản xuất thành tổ hợp tác, hợp tác xã để trao đổi, học tập kinh nghiệm sản xuất, liên kết thành vùng sản xuất hàng hoá lớn để dễ tiêu thụ sản phẩm, tránh tư thương ép giá.

Với kết quả như trên, cho thấy ứng dụng cơ giới hoá trong nông nghiệp nói chung và trong trồng rau, lan nói riêng là một trong những chủ trương lớn thiết thực của thành phố, thông qua đó đã giúp giải quyết vấn đề lao động, giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả sử dụng đất, tiết kiệm nước, phân bón, nâng cao năng suất chất lượng, giá trị sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thúc đẩy nông dân mạnh dạn mở rộng quy mô, góp phần tăng thu nhập nông hộ.

Trúc Minh

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang