• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Gạo chất lượng cao: Vẫn khó đầu ra

Nguồn tin: Hà Nội mới, 09/05/2018
Ngày cập nhật: 10/5/2018

Đến thời điểm này, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã xây dựng thành công nhiều mô hình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao. Qua đó, nhiều vùng đã tạo dựng được thương hiệu gạo, tuy nhiên đầu ra ngành hàng này vẫn gặp nhiều khó khăn.

Nông dân huyện Chương Mỹ chăm sóc lúa chất lượng cao. Ảnh: Thái Hiền

Có thương hiệu, vẫn khó tiêu thụ

Diện tích gieo cấy lúa của Hà Nội khoảng 189.862ha, sản lượng đạt 1.052 nghìn tấn. Đến nay, thành phố đã hình thành 154 cánh đồng lớn sử dụng giống lúa chất lượng cao với quy mô hơn 100ha tại 86 hợp tác xã nông nghiệp của 14 huyện. Cùng với xây dựng cánh đồng mẫu lớn, Hà Nội từng bước xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho 4 nhãn hiệu gạo tập thể gồm: “Gạo Bồ Nâu”, “Nếp cái hoa vàng Sóc Sơn” “Nếp cái hoa vàng Đông Anh” và “Gạo thơm Bối Khê”.

Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh Văn (huyện Thanh Oai) Hoàng Văn Họa cho biết: "Lúa Bắc thơm số 7 là giống đặc sản lâu đời của xã Thanh Văn. Trước đây canh tác phục vụ vua chúa, bởi vậy gạo Bắc thơm Thanh Văn còn được gọi là “Gạo tiến vua”. Nhưng theo thời gian, sản xuất lúa cho năng suất, chất lượng thấp, cùng với kỹ thuật canh tác lạc hậu nên số hộ gia đình tham gia gieo trồng không nhiều". Từ năm 2010, được sự hỗ trợ của Sở NN&PTNT Hà Nội, xã Thanh Văn khôi phục sản xuất giống lúa Bắc thơm số 7.

Tham gia sản xuất, các hộ thành viên trong hợp tác xã được tập huấn kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc và mở rộng diện tích. Hiện, mỗi năm, lúa Bắc thơm số 7 cho thu hoạch hai vụ. Trong đó, vụ xuân năng suất đạt khoảng 60 tấn, vụ mùa khoảng 50 tấn/ha. Tới thời điểm này, diện tích canh tác lúa Bắc thơm số 7 của xã Thanh Văn đạt khoảng 435ha. Tháng 7-2013, nhãn hiệu tập thể "Gạo Bồ Nâu" Thanh Văn được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận. Sản phẩm cũng được công nhận thương hiệu: "Hàng hóa nông sản sạch, chất lượng cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm". Phần lớn gạo Bồ Nâu đang cung ứng cho thị trường Hà Nội với giá bán trung bình từ 17 đến 19 triệu đồng/tấn. “Mặc dù có thương hiệu, song việc tiêu thụ gạo còn khó khăn, chủ yếu thông qua thương lái và bán cho các đại lý nhỏ lẻ. Những năm gần đây việc tiêu thụ còn vất vả hơn khi người tiêu dùng Thủ đô có nhiều lựa chọn với gạo của các tỉnh, thành phố và nước ngoài nhập khẩu” - ông Họa nói.

Không riêng Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh Văn, thực trạng này cũng đang diễn ra ở nhiều địa phương trên địa bàn thành phố, chẳng hạn như với gạo Bối Khê của xã Tam Hưng (huyện Thanh Oai). Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hưng Đỗ Văn Kiên cho hay: Tam Hưng có khoảng 500ha sản xuất giống gạo chất lượng Bắc thơm số 7 và gần 300ha trồng Nếp cái hoa vàng. Đây là hai giống lúa chất lượng, cho hiệu quả kinh tế cao. Năm 2015, gạo thơm Bối Khê được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu tập thể. Khi có thương hiệu, hợp tác xã thường xuyên quảng bá, tham gia các hội chợ thương mại, tuy nhiên đến nay chưa có doanh nghiệp nào đứng ra ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm ổn định, chủ yếu vẫn là hợp tác xã tự sản - tự tiêu qua thương lái nhỏ lẻ…

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: Trong những năm qua, Hà Nội đã chuyển đổi 4.511ha đất trồng lúa hiệu quả thấp sang các loại cây trồng như rau, hoa, cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao. Diện tích trồng lúa còn lại, Hà Nội tập trung phát triển lúa hàng hóa chất lượng cao, hình thành vùng sản xuất lúa tập trung quy mô lớn, đưa ứng dụng khoa học vào sản xuất, đặc biệt là khâu chế biến, bảo quản. Hà Nội phấn đấu đến năm 2020, mở rộng diện tích trồng lúa chất lượng cao đạt từ 55.000 đến 60.000ha (chiếm 55-60% tổng diện tích gieo trồng lúa); sử dụng hạt giống cấp xác nhận trở lên đạt trên 80%. Diện tích gieo cấy tập trung tại các huyện trọng điểm lúa của thành phố gồm: Ứng Hòa, Sóc Sơn, Chương Mỹ, Ba Vì, Phú Xuyên, Mỹ Đức, Thanh Oai, Đông Anh...

Để thực hiện những mục tiêu trên, Hà Nội đang đẩy mạnh kết nối và quảng bá thương hiệu gạo Hà Nội trong các hội chợ thương mại và chương trình hội thảo, ký kết với ngành Nông nghiệp các tỉnh, thành phố. Theo Trưởng phòng Nông nghiệp (Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội) Nguyễn Bá Bằng, cùng với việc liên kết, quảng bá thương hiệu, sản xuất gạo Hà Nội nói riêng và nông sản Thủ đô nói chung cần được đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, các thành tựu của Cuộc cách mạng 4.0. Ngoài ra, cần khuyến khích doanh nghiệp, đơn vị khoa học hợp tác với các hợp tác xã trong nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao công nghệ sản xuất giống cây trồng, bảo quản, chế biến...

Thực tế, không chỉ Hà Nội mà tại nhiều tỉnh, thành phố hoặc ở những vựa lúa gạo lớn của cả nước, hoạt động tiêu thụ gạo chất lượng gặp rất nhiều khó khăn do thiếu doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất, khâu xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm chưa được đầu tư, quan tâm đúng mức. Nếu các giải pháp nêu trên được thực hiện có hiệu quả, đầu ra cho gạo chất lượng cao Hà Nội hẳn sẽ thoát khỏi cảnh "vướng", "khó" hiện nay.

Đỗ Minh

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang