• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Quảng Trị: Đẩy mạnh phát triển cây sắn dây ở Cam Lộ

Nguồn tin: Báo Quảng Trị, 27/04/2018
Ngày cập nhật: 1/5/2018

Thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác, những năm qua, huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) đã vận động nhân dân đưa vào trồng thử nghiệm các loại cây trồng mới, trong đó mô hình cây sắn dây của hộ gia đình anh Phan Thanh Hải ở thôn Mai Đàn, xã Cam Chính mang lại hiệu quả kinh tế cao, sau khi trừ chi phí đầu tư cho lãi ròng trên 100 triệu đồng/ha. Từ hiệu quả kinh tế của mô hình này, huyện Cam Lộ đã thực hiện các chính sách hỗ trợ về giống, phân bón, tín dụng ưu đãi, xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại, nhằm phát triển cây sắn dây trên địa bàn.

Thu hoạch sắn dây ở xã Cam Chính, huyện Cam Lộ

Ông Phạm Viết Thanh, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Cam Lộ, cho biết: “Sản phẩm bột sắn dây hiện được thị trường rất ưa chuộng. Để khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao, trong năm 2018, huyện Cam Lộ thực hiện chính sách hỗ trợ 70% giống, 30% phân bón và hỗ trợ chuyên gia tư vấn kỹ thuật, tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi giải quyết việc làm cho các hộ dân tham gia phát triển mô hình trồng cây sắn dây. Đến thời điểm này, các hộ dân đã làm thủ tục vay vốn giải quyết việc làm với tổng số tiền hơn 500 triệu đồng để đầu tư phát triển diện tích 2,75 ha cây sắn dây, trong đó riêng xã Cam Chính trồng mới 2,6 ha. Định hướng năm 2019, huyện Cam Lộ sẽ chủ động xây dựng vườn ươm giống cây sắn dây tại chỗ, phát triển vùng nguyên liệu sắn dây với diện tích trên 10 ha; đồng thời hỗ trợ một phần kinh phí khuyến khích chế biến và xây dựng thương hiệu sắn dây Cam Lộ nhằm nâng cao giá trị sản phẩm sắn dây cho người dân. Với các chính sách ưu đãi đó, nông dân rất phấn khởi chuẩn bị xuống vụ trồng sắn dây”.

Sắn dây là cây trồng sống tốt trong môi trường khô hạn, chịu đựng được nhiều loại chất đất, ít tốn công chăm sóc, chi phí đầu tư thấp và sản phẩm được thị trường rất ưa chuộng. Đặc biệt, qua 2 mô hình thử nghiệm trồng sắn dây trong năm 2017 ở xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, cho thấy cây sắn dây phát triển rất tốt trên vùng đất đỏ ba dan tơi xốp, năng suất cao. Mô hình trồng sắn dây của hộ gia đình anh Phan Thanh Hải ở thôn Mai Đàn, xã Cam Chính trồng 100 ụ sắn trên diện tích gần 0,5 ha. Mỗi ụ sắn được đắp nổi cao 1,5- 2m, rộng cách nhau khoảng 5m, bên trên làm thành giàn lưới để cây sắn dây leo. Giống sắn dây được anh Hải đưa từ tỉnh Hải Dương về. Sau thời gian 8 tháng trồng thử nghiệm, cây sắn dây phát triển rất tốt, mỗi ụ sắn thu hoạch được gần 1 tạ củ tươi. Với giá bán trên thị trường 15.000 đồng/kg củ tươi và 150.000- 200.000 đồng/kg tinh bột (6- 7 kg củ tươi chế biến được 1 kg tinh bột), thì mỗi ụ sắn thu hoạch bán được hơn 1 triệu đồng. Như vậy, tính tổng thu nhập 100 ụ sắn bán ra thị trường sẽ thu về được hơn 100 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư khoảng 70- 80 triệu đồng/ha, thì với diện tích gần 0,5 ha sắn dây của anh Hải thu lãi ròng hơn 50 triệu đồng/vụ/năm. Khi bước vào trồng từ vụ năm thứ 2 trở lên sẽ tận dụng được nguồn giống tại chỗ và chi phí đầu tư làm giàn lưới cho sắn dây leo, nên thu nhập lãi ròng sẽ còn cao hơn.

Anh Phan Thanh Hải cho biết: “Sắn dây là cây quen thuộc trong vườn nhà của nhiều hộ dân địa phương trước đây, đặc tính rất dễ trồng. Tuy nhiên, để thu hoạch được sản lượng củ tốt, giá trị kinh tế cao, thì phải thực hiện thâm canh theo đúng quy trình kỹ thuật. Theo đó, không cắt đoạn dây ở thân vùi xuống đất như cách làm trước đây vì cây sẽ ra nhiều rễ, củ nhỏ, mà giâm đoạn thân cho mọc mầm rồi chiết cây, khi cây ra rễ mới đem trồng; đồng thời phải làm giàn lưới đảm bảo đủ cho sắn dây leo, không để sắn dây chạm đất sẽ mọc rễ tạo gốc mới, năng suất thấp. Phương pháp trồng này sắn dây cho củ to hơn, lượng bột nhiều và ít xơ hơn. Mặt khác, giống sắn dây của địa phương có năng suất thấp ít củ, củ dài và nhỏ, nhiều xơ, hàm lượng tinh bột thấp, khi chế biến có mùi hôi, nên cần thay đổi giống sắn dây từ tỉnh Hải Dương cho củ to, hàm lượng tinh bột cao hơn. Cùng với việc mở rộng diện tích trồng cây sắn dây, nếu được huyện hỗ trợ công nghệ chế biến sản phẩm tinh bột sắn dây, xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại nông sản, thì sắn dây là cây chiến lược để xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho người dân trên địa bàn”.

Việc trồng thử nghiệm thành công mô hình cây sắn dây theo phương pháp mới cho năng suất củ cao, hàm lượng bột nhiều, đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ, mở ra hướng đi hiệu quả trong tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng trên đơn vị diện tích cho xã Cam Chính nói riêng và huyện Cam Lộ nói chung. Đây là loại cây rất dễ trồng, tốn ít công chăm sóc, suất đầu tư thấp, nên thích hợp để nhân rộng phát triển mạnh trên địa bàn trong thời gian tới.

Khánh Ngọc

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang