• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Sẽ duy trì ổn định 300.000ha mía trên cả nước đến năm 2030

Nguồn tin: Báo Cần Thơ, 20/4/2018
Ngày cập nhật: 22/4/2018

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa phê duyệt Đề án “Phát triển mía đường đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành mía đường; đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, từng bước hướng tới thị trường xuất khẩu.

Người nông dân thu hoạch mía. (Ảnh: Hoài Nam/TTXVN)

Cụ thể, đến năm 2020, diện tích mía đường ổn định 300.000ha, sản lượng mía trên 20 triệu tấn, sản lượng đường 2 triệu tấn; trong đó, đường tinh luyện 1,3 triệu tấn, còn lại đường trắng và đường khác. Trong giai đoạn này sẽ không xây dựng thêm nhà máy sản xuất đường mới, chỉ mở rộng công suất các nhà máy hiện có ở vùng còn khả năng phát triển vùng nguyên liệu. Tổng công suất thiết kế của các nhà máy là 174.000 tấn mía/ngày. Đồng thời, tập trung đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ để thay đổi cơ cấu sản phẩm (tăng tỷ lệ đường trắng, đường tinh luyện), nâng cao công suất ép và hiệu suất thu hồi.

Đến năm 2020, có ít nhất trên 70% nhà máy, cụm nhà máy có công suất trên 4.000 tấn mía/ngày, rút ngắn thời gian ép bình quân còn 110-115 ngày/vụ. Các phế phụ phẩm từ bã mía để sử dụng sản xuất điện khoảng 5,5 triệu tấn/năm, chiếm 90% sản lượng bã mía từ sản xuất đường; sản lượng điện đạt 1,1 triệu kWh/năm; trong đó 20-30% điện lên lưới. Để sản xuất cồn từ rỉ mật, sẽ có từ 200.000-220.000 tấn/năm rỉ mật được sử dụng sản xuất cồn, chiếm 22-24% tổng lượng mật rỉ từ sản xuất đường, sản xuất ra được khoảng 70.000 lít/năm. Dự kiến khối lượng bã bùn được sử dụng sản xuất phân vi sinh hữu cơ khoảng 600.000 tấn/năm, chiếm 60% tổng lượng bã bùn từ sản xuất đường và đạt 350.000 tấn phân vi sinh hữu cơ/năm.

Đến năm 2030, giữ ổn định 300.000ha mía, tăng năng suất để đạt sản lượng mía 24 triệu tấn, chữ đường bình quân từ 12-13 CCS, sản lượng đường 2,5 triệu tấn. Có trên 90% nhà máy đạt công suất từ 4.000 tấn mía/ngày trở lên. Khối lượng bã mía được tái sử dụng để sản xuất điện đạt 7 triệu tấn/năm, chiếm 91% tổng khối lượng bã mía sản xuất từ đường và sản xuất được từ 1.500-1.600 triệu kWh. Cùng với đó sẽ sản xuất được 100.000 lít/năm cồn từ mật rỉ; 500.000 tấn/năm phân hữu cơ vi sinh từ bã bùn trong sản xuất đường.

Ngành nông nghiệp sẽ rà soát, xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu mía theo hướng phát huy lợi thế vùng; nâng cao hiệu quả sản xuất, hạ giá thành mía nguyên liệu. Đồng thời nâng cao năng lực chế biến, cơ cấu lại ngành đường. Ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục rà soát những nhà máy, những vùng không có khả năng đáp ứng nguyên liệu để có thể di chuyển nhà máy đến vùng có lợi thế hơn. Cơ cấu lại sản phẩm chế biến theo tiêu chuẩn quốc tế; hỗ trợ các nhà máy đầu tư đa dạng hóa sản phẩm mía đường.

Về tiêu thụ, sẽ nâng cao vai trò của Hiệp hội Mía đường Việt Nam trong việc xây dựng và thực hiện các cơ chế kiểm soát giá thu mua nguyên liệu mía của nông dân; giá bán buôn đường của các nhà máy; giá đường xuất khẩu; giá bán đường trên thị trường nội địa. Cùng với đó, đẩy mạnh các hoạt động ngăn chặn đường nhập lậu hiệu quả; xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu, cập nhật về thị trường đường thế giới.

Để thực hiện, ngành nông nghiệp sẽ tuyển chọn, phục tráng giống mía tốt hiện có, khảo nghiệm nhập khẩu giống phù hợp, nghiên cứu phát triển giống mới có năng suất, chữ đường cao phù hợp với từng vùng miền và thích ứng với biến đổi khí hậu. Phấn đấu đến năm 2020, có 100% diện tích mía được trồng bằng giống từ cơ sở nhân giống của doanh nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh cơ giới hóa từ khâu làm đất, chăm sóc, thu hoạch... giảm tổn thất sau thu hoạch; thực hiện quy trình thâm canh theo chiều sâu từ làm đất, chăm sóc, thu hoạch.

Thực hiện đề án, có một số dự án ưu tiên như: dự án nghiên cứu, lai tạo các giống mía chịu hạn, chịu mặn trong điều kiện biến đổi khí hậu; dự án hỗ trợ xây dựng các mô hình giống ba cấp; dự án phát triển chế biến phụ phẩm từ đường... Nguồn kinh phí thực hiện dự án từ ngân sách trung ương, địa phương và huy động nguồn lực xã hội thông qua các chương trình dự án khoa học-công nghệ và dự án đầu tư.

Theo TTXVN

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang