• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Trầy trật với nông nghiệp hữu cơ

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng, 05/03/2018
Ngày cập nhật: 6/3/2018

Nông nghiệp hữu cơ (NNHC) được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây và được nhiều bạn trẻ đi theo con đường sản xuất nông nghiệp này. Nhưng trên thực tế, để biến ước mơ thành hiện thực là điều không dễ và khiến nhiều người phải trầy trật với NNHC.

Người dân dùng phân bón vi sinh để dưỡng lá tại một trang trại chè hữu cơ tại Cầu Đất (TP. Đà Lạt). Ảnh: G.Thịnh

Tuy đã được nhiều tổ chức phi chính phủ đưa vào Việt Nam cách nay hơn 20 năm, song đến nay, so với nhiều nước trong khu vực, NNHC ở Việt Nam vẫn còn nằm trong nhóm mới manh nha.

Trồng làm sao, bán ở đâu?

Nhiều bạn trẻ có chút vốn liếng và đam mê nông nghiệp tìm đến Lâm Đồng trồng nông sản hữu cơ đã bất ngờ vì không biết bắt đầu từ đâu với hai câu hỏi “trồng làm sao?” và “bán ở đâu?”. Họ nhìn bản đồ quy hoạch nông nghiệp, chỉ thấy những vùng phát triển nông nghiệp công nghệ cao và không có một khoảng nào dành riêng cho NNHC. So với những loại hình canh tác khác, nông nghiệp hữu cơ có những đòi hỏi riêng biệt về đất, nước và môi trường canh tác xung quanh. Vì vậy, nhiều người đã tìm con đường khác để bảo tồn vốn, số ít còn lại đi về những vùng nông nghiệp xa xôi, thưa người và tự tìm cho mình một khu vực phù hợp để sản xuất NNHC bằng kiến thức học được từ những người có cùng đam mê ở nhiều quốc gia khác.

“Tìm đến một vùng nông sản có tiếng như Đà Lạt là chúng tôi có ý tìm đến một con đường phân phối nông sản tiện lợi để chắp cánh cho nông sản hữu cơ nhưng thất bại. Vì không có quy hoạch NNHC nên quỹ đất đã dành hết cho những phương thức canh tác khác. Người nông dân muốn tối đa lợi nhuận trên thửa đất của gia đình nên chuyển đổi canh tác liên tục từ rau sang hoa và ngược lại khiến đất không còn sạch. Đất sạch không có thì NNHC cũng không thể nhắc đến ở đây”, anh Nguyễn Hoàng Phương (nông dân canh tác rau hữu cơ tại huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) tâm sự.

Bà Từ Tuyết Nhung, Trưởng ban điều phối PGS Việt Nam - Hệ thống đảm bảo có sự tham gia trong sản xuất nông sản hữu cơ hiện đang được áp dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới như Hoa Kỳ, Ấn Độ, Brazil,... kể lại những câu chuyện trong hơn 15 năm thực hiện các dự án nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam với nông dân. Năm 2005, một dự án hỗ trợ người dân canh tác nông sản hữu cơ tại các tỉnh phía Bắc bắt đầu với cả trăm nông dân tham gia. Đến khi nghiệm thu dự án, chỉ còn 20 hộ nên dự án bị đánh giá là thất bại. Khi đóng dự án, những nông dân còn bám trụ với nông sản hữu cơ như đứng trước vực sâu, ngơ ngác hỏi “Ai sẽ mua rau cho chúng tôi? Ai sẽ là người chứng nhận rau cho chúng tôi?”. “Một vùng nông sản và một lối canh tác tốt đổ gãy vì không có đầu ra. Một công trình 7 năm của những người nghĩ xa về nông sản sạch trở về ban đầu” - bà Nhung nói. Và đây cũng là một yếu tố dẫn đến hàng trăm hộ dân không bám trụ với nông sản hữu cơ trong khi có hàng trăm cơ hội khác hấp dẫn hơn ngay trên thửa đất của họ.

Vườn rau cải canh tác theo quy trình nông nghiệp hữu cơ của người dân Chu Ru (xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng). Ảnh: G.Thịnh

Ở Việt Nam, canh tác hữu cơ đi trên một con đường không có hướng dẫn. Người nông dân, người sản xuất nhỏ rất dễ “gặp nạn” vì thiếu định hướng. Bà Nhung thường xuyên xuống những vườn mới canh tác hữu cơ của những nông dân mới tham gia. Như một thói quen, bà con hỏi “phun gì đây, nhiều sâu lắm thì lấy gì mà bán”. Câu chuyện về một nhóm trưởng trồng rau hữu cơ suýt bị loại khỏi mạng lưới NNHC khiến bà Nhung trăn trở. Bà kể: “Có ông nhóm trưởng thật thà nghe một “nhà khoa học” mang một loại phân tự chế đến bảo phun vào luống cải thử nghiệm và hứa mua hết. Nhóm giám sát phát hiện lập biên bản vì sử dụng phân bón không có trong danh mục được phép. Toàn bộ 10 thành viên bị đình chỉ chứng nhận và không được bán sản phẩm hữu cơ. Khi làm biên bản, ông xin thôi làm nhóm trưởng một cách tự trọng. Ông mếu máo, cả đời không bị ai lừa mà bị lừa bởi một “nhà khoa học” đang thử thuốc”, mà nhà khoa học hiển nhiên hiểu được sự khắt khe của nông nghiệp hữu cơ”. Làm nông sản hữu cơ có nghĩa người nông dân sống chung với sự khắt khe đôi khi đến cực đoan về mức độ cách ly với tất cả các loại hóa chất, phân bón hóa học. Nhưng, đôi khi nông dân không đủ tỉnh táo hoặc bị cố tình khuyến cáo sai.

Mở đường

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Trưởng dự án Nông dân chuyên nghiệp, là đơn vị hướng dẫn sản xuất và tổ chức mạng lưới kết nối nông dân sản xuất nông sản hữu cơ với người tiêu dùng, cho biết NNHC ở Việt Nam vẫn còn là một con đường rất dài và nhiều khó khăn. 10 trang trại trồng, 9 trang trại đóng cửa sau 2 năm. 10 cửa hàng thực phẩm hữu cơ mở ra, có lẽ thì 2 cửa hàng có thể tồn tại sau 2 năm. Tất cả vì chúng ta vẫn còn bị khủng hoảng niềm tin. Niềm tin bị xâm phạm bởi nhiều người sản xuất nông sản gian dối về tiêu chuẩn canh tác nên đến khi có những người làm tốt chúng ta lại không tin. Điều này khiến nông sản hữu cơ thực sự không tiếp cận với người dùng. Các giấy chứng nhận không còn tạo được lòng tin, vì chúng ta có thực sự làm theo các quy trình trong quá trình sản xuất hay không mới là quan trọng?. “Niềm tin của thị trường với nông dân và niềm tin sản phẩm là thực sự hữu cơ còn thấp. Do đó, đầu ra của nông sản hữu cơ rất hẹp khiến nông dân không dám trồng, không dám mở rộng, không dám đầu tư”, ông Hải nhấn mạnh.

Quản lý chặt thuốc bảo vệ thực vật

Kỹ sư Shugo Hama cho rằng việc quản lý chặt chẽ kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật là tạo điều kiện cho nông nghiệp hữu cơ phát triển. Ông nói: “Làm điều ấy có nghĩa là đất sẽ ngưng bị thoái hóa, không khí bớt ô nhiễm, hệ sinh thái xung quanh không bị mất cân bằng. Đây là những yếu tố nền tảng để bắt đầu sản xuất hữu cơ. Nhật Bản trước năm 1945 có một nền nông nghiệp không mấy phát triển nhưng hầu như không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đó là nền nông nghiệp tuyệt vời dù quy mô nhỏ và sản lượng thấp. Sau những biến động lịch sử, Nhật Bản dùng nhiều phân thuốc hóa học hơn cả Việt Nam hiện nay. Nhật Bản đã mất kiểm soát sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chỉ sau một thời gian ngắn, hậu quả về môi trường có thể nhận thấy rõ mà không cần những nghiên cứu chuyên sâu. Dư luận đã gây áp lực để năm 1971 các quy định quản lý sản xuất sử dụng thuốc bảo vệ thực vật được siết chặt. Đây là tiền đề tạo nên nền nông nghiệp sạch ở Nhật Bản hôm nay.

Có một khoảng trống thông tin rất lớn hướng dẫn thực hành nông nghiệp hữu cơ”, kỹ sư Shugo Hama (Tốt nghiệp ngành nông lâm tại Đại học Shizuoka, Nhật Bản; Nghiên cứu thuốc bảo vệ thực vật sinh học tại Đại học Nông nghiệp - Công nghệ Tokyo, Nhật Bản) có 16 năm gắn bó với nông nghiệp Việt Nam và tham gia vào các dự án ứng dụng công nghệ vi sinh trong nông nghiệp hữu cơ. Có kinh nghiệm trong việc phát triển các sản phẩm bảo vệ thực vật dùng trong nông nghiệp hữu cơ, Shugo Hama còn có một nỗi lo khác. Ông nói: “Nông nghiệp hữu cơ phải phát triển, vì thực chất đó là một lối canh tác thuận tự nhiên, đảm bảo an toàn cho người canh tác lẫn tiêu dùng và phù hợp trong bối cảnh môi trường sống đang thay đổi dữ dội và diễn tiến xấu đe dọa trực tiếp đến sức khỏe con người. Nông nghiệp thế giới đang đi theo con đường này. Việt Nam sẽ sớm có những lộ trình như đã từng làm với GAP (Good Agriculture Practices - Thực hành nông nghiệp tốt). Theo ông Hải, các nước châu Âu, Nhật, Israel,… NNHC phát triển mạnh ngoài yếu tố lịch sử phát triển NNHC nhiều chục năm thì những đất nước họ có ý thức và chủ trương mạnh mẽ trong việc bảo vệ sức khỏe của người dân thông qua nông nghiệp sạch. Điều này được xây dựng dựa trên cả ý thức xã hội và chính sách.

Ông Shugo Hama phân tích, một thách thức khác trong phát triển NNHC tại Việt Nam là việc giám sát thực hành sản xuất nông sản hữu cơ khiến ông lo ngại. Ông nói: “Tôi đã đến những đại lý phân bón và thấy rất rõ người bán muốn bán gì thì bán. Nông dân muốn dùng ra sao thì dùng. Người bán chỉ cần lời nhiều, nông dân chỉ cần mau chết sâu, mau hết bệnh. Ở Nhật Bản và nhiều quốc gia tiên tiến trong nông nghiệp, họ quản lý rất chặt đối với đại lý phân thuốc và nông dân thông qua nhật ký bán hàng và nhật ký đồng ruộng. Nếu không có hệ thống giám sát tốt thì NNHC chỉ là vẻ bề ngoài và sẽ đổ vỡ. Nông sản hữu cơ là giá trị cuối cùng, lớn nhất họ tin giữa rất nhiều loại nông sản sản xuất bằng nhiều tiêu chuẩn khác nhau”.

Giữa rất nhiều lo lắng, kỹ sư Shugo Hama vẫn khẳng định: “Chính phủ Việt Nam cần mở đường cho nông sản hữu cơ như đó là con đường duy nhất để phát triển nông nghiệp. Không cần phải trồng rau nhiều hơn mà cần trồng rau sạch hơn. Đến lúc phải có quỹ đất hoặc cải tạo đất dành cho nông nghiệp hữu cơ”. Theo Shugo Hama, sẽ mất khoảng 5 năm để bắt đầu và những khoảng trống thiếu thốn về phương thức, vật tư cho nông nghiệp hữu cơ sẽ được lấp dần quá trình lớn lên của ngành nông nghiệp hữu cơ thông qua nhập khẩu công nghệ, vật tư và cả những sáng kiến trong nước.

Chưa có bộ tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ

Theo bà Từ Tuyết Nhung, Trưởng ban điều phối PGS Việt Nam, NNHC được đưa vào Việt Nam qua các dự án nhỏ có nguồn vốn đầu tư ngoài nước từ 1997. Khi đó Việt Nam mới đang có những dự án với thuật ngữ “sạch” rồi sau đổi thành “an toàn”, khi đó phổ biến nhất là chương trình Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) Quốc gia trên lúa sau đó là rau. Vào năm 2005, một dự án tương đối bài bản kéo dài trong 7 năm: Phát triển khung sản xuất và thị trường cho NNHC ở miền Bắc Việt Nam do Đan Mạch tài trợ thực hiện qua Hội Nông dân Việt Nam. Khi đó Việt Nam đang thúc đẩy chương trình GAP (thực hành nông nghiệp tốt) nên không được quan tâm từ các bộ ngành. Bà nói: “Khi đó, NNHC ở cả châu Âu và châu Á, mà Thái Lan là nước gần nhất đã đi cả chặng đường dài trong khi chúng ta còn chưa bắt đầu. Nói là chưa bắt đầu bởi khi thực hiện dự án, chúng tôi cũng tìm đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất phương án phát triển hệ thống chứng nhận hữu cơ và bộ tiêu chuẩn hữu cơ đầu tiên được ban hành vào tháng cuối năm 2006 dưới áp lực của dự án. Tuy nhiên, bộ tiêu chuẩn này đã không được hướng dẫn cách vận dụng và đến nay vẫn chưa được phổ biến cũng như hướng dẫn vận dụng.

GIA THỊNH

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang