• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Lợi kép từ ca cao xen điều

Nguồn tin: Báo Bình Phước, 01/03/2018
Ngày cập nhật: 3/3/2018

Những năm gần đây, do ảnh hưởng của thời tiết bất thường khiến năng suất, chất lượng nông sản trên địa bàn huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước bị sụt giảm. Do đó, bên cạnh những cây trồng truyền thống, như: tiêu, điều, cao su, cà phê…, một số hộ dân đã trồng xen canh nhằm giảm rủi ro và nâng cao thu nhập gia đình. Tổ hợp tác ca cao xen điều xã Phú Văn bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, giúp các thành viên thêm yên tâm gắn bó với cách làm kinh tế này.

NHIỀU LỢI THẾ

Là một trong những hộ đầu tiên của xã Phú Văn mạnh dạn đưa giống ca cao vào trồng thử nghiệm, đến nay 1,2 ha ca cao của hộ ông Kim Ma Run (thôn 3) đã cho thu ổn định, với sản lượng khoảng 1,2 tấn hạt khô. Ông Kim Ma Run cho biết, ở địa bàn Phú Văn cây ca cao chưa có nhiều người trồng. Qua 8 năm gắn bó, ông nhận thấy đây là cây trồng có nhiều ưu điểm về công chăm sóc, phòng bệnh và ổn định giá. Thuận lợi hơn là sau khi ông tham gia Tổ hợp tác ca cao xen điều xã Phú Văn (năm 2014). Bên cạnh việc hỗ trợ kiến thức khoa học - kỹ thuật trong trồng, chăm sóc ca cao, gia đình ông còn được lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm nhỏ giọt từ nguồn vốn hỗ trợ của UBND tỉnh, giúp giảm chi phí chăm sóc, công lao động và nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng. Đây là điều kiện thuận lợi giúp gia đình ông tiếp tục gắn bó với loại cây trồng này. Ông Kim Ma Run nói: “Gia đình tôi được Nhà nước đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt và hỗ trợ phân bón 50%. Năm nay, cây ca cao năng suất cao hơn năm ngoái, giá ổn định. Chúng tôi cảm ơn Nhà nước đã quan tâm hỗ trợ người nghèo vươn lên phát triển kinh tế”.

Thành viên Tổ hợp tác ca cao xen điều xã Phú Văn thăm vườn thời kỳ thu hoạch

Ông Nguyễn Huy Nhất, thôn Đắk Khâu, thành viên tổ hợp tác chia sẻ: “Trồng cây ca cao dưới tán điều có tác dụng kép. Cây ca cao thích hợp dưới bóng râm của tán điều, một công chăm sóc được 2 loại cây nên năng suất trên cùng diện tích được tăng lên và giá thị trường cũng tương đối ổn định. Vì vậy, lợi nhuận thu về cao hơn nhiều”.

THU NHẬP CAO TRÊN CÙNG DIỆN TÍCH

Tổ hợp tác ca cao xen điều xã Phú Văn là mô hình sản xuất tập thể đầu tiên của xã. Tổ thành lập tháng 10-2014 với 25 thành viên thuộc 7 thôn trên địa bàn. Tham gia mô hình sản xuất tập thể này, các thành viên được phổ biến, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào tỉa cành tạo tán, chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, ủ lên men hạt ca cao đúng quy trình, đồng bộ nên năng suất dần nâng cao. Sau hơn 3 năm, đến nay, tổ hợp tác có 40 ha canh tác, tăng 12 ha so với ngày đầu thành lập và phát triển thêm 7 thành viên. Số diện tích ca cao này đều được trồng xen dưới tán điều. Tổng sản lượng năm 2017 của tổ hợp tác ước đạt 33 tấn hạt ca cao khô, năng suất bình quân 2,7kg/cây/năm, giá thu mua dao động từ 53-55 ngàn đồng/kg hạt khô.

Đến năm 2016, được sự quan tâm hỗ trợ của tỉnh, tổ hợp tác lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nhỏ giọt. Ban đầu có 4 hộ thành viên được thụ hưởng, với kinh phí gần 16 triệu đồng/hộ/ha, trong đó Nhà nước hỗ trợ 60%, số còn lại do các hộ đối ứng. Dự kiến, năm 2018 sẽ có thêm 11 hộ thành viên được đầu tư. Riêng với hộ đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ 100% kinh phí. Hệ thống tưới tiết kiệm nước nhỏ giọt được triển khai không chỉ góp phần giảm sức lao động cho nông dân mà năng suất, sản lượng ca cao cũng cải thiện đáng kể.

Ông Phan Quang Thinh, Chủ tịch Hội Nông dân xã, Chủ nhiệm tổ hợp tác cho biết: “Thành viên tổ hợp tác đầu tư rất đa dạng cây trồng, trong đó có cây ca cao, điều, cao su, tiêu, cà phê, tuy nhiên riêng ca cao trong thời gian qua được tỉnh quan tâm hỗ trợ đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt. Năm nay, nhận được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, chúng tôi phát triển trồng mới được 10 ha từ dự án của Trung tâm Khuyến nông quốc gia với hình thức hỗ trợ cây giống và phân bón, chi phí 1 ha khoảng gần 16 triệu đồng”.

Hiệu quả bước đầu mà mô hình ca cao xen điều ở Tổ hợp tác ca cao xen điều xã Phú Văn mang lại là tín hiệu vui giúp các thành viên trong tổ yên tâm gắn bó với cách làm kinh tế này. Tuy diện tích canh tác còn khiêm tốn, song trước tình hình sản phẩm các loại cây công nghiệp khác bị ép giá, mất mùa, thì đây cũng là mô hình mà các nông hộ trên địa bàn xã tham khảo, áp dụng nhằm tạo nguồn thu ổn định cho gia đình và đáp ứng nhu cầu thị trường hiện nay.

Phạm Công - Hoài Thanh

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang