• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Đầu năm “vựa lúa” chuyển mình

Nguồn tin: Báo Hậu Giang, 26/02/2018
Ngày cập nhật: 27/2/2018

Sau Tết Nguyên đán, nông dân trong vùng ĐBSCL đang phấn khởi khi trúng mùa, trúng giá lúa. Cùng lúc này vùng lúa nguyên liệu đang có hướng chuyển biến tích cực, cả nông dân và doanh nghiệp đều tập trung sản xuất và “o bế” lúa chất lượng cao, lúa thơm để gia tăng giá trị hạt lúa.

Xây dựng thương hiệu cho hạt lúa ĐBSCL là một nhu cầu cấp bách.

Trúng mùa, được giá

Đến nay, nông dân ĐBSCL đã thu hoạch khoảng 200.000ha lúa Đông xuân sớm. Dự kiến đến hết tháng 2, ĐBSCL sẽ thu hoạch khoảng 300.000/1,5 triệu héc-ta lúa Đông xuân.

“Sau tết, thật vui! Tôi vừa thu hoạch 5 công lúa Đông xuân trồng giống lúa thơm, được thương lái mua 7.200 đồng/kg. Có thể nói đây là mức giá cao nhất tôi bán được trong nhiều năm qua khi làm lúa Đông xuân. Ra giêng gia đình chắc ăn tết lớn”, chị Sáu Bảnh, ở phường Vĩnh Tường, thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, tươi cười cho biết. “Không chỉ trúng mùa, trúng giá mà điều phấn khởi hơn là hiện nay thương lái đặt cọc mua lúa của nông dân với giá cao cũng khá phổ biến. Với giá lúa thường đang bán trên 6.000 đồng/kg, lúa thơm khoảng 7.400 đồng/kg, trừ giá thành sản xuất lúa Đông xuân khoảng 4.000 đồng/kg, nông dân sẽ đạt lợi nhuận vượt xa mức 30% lợi nhuận như lâu nay Chính phủ yêu cầu”, ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, nhận định. Cũng theo ông Đồng, năng suất trà lúa thu hoạch sớm đạt khoảng 6,5 tấn (khá cao), nhưng trà lúa thu hoạch sau sẽ còn cao hơn.

“Gia đình tôi sản xuất gần 1ha lúa chất lượng cao. Trước tết thương lái đặt cọc mua 120.000 đồng/giạ lúa (tương đương 6.000 đồng/kg). Vài ngày nữa thu hoạch là thương lái mua ngay”, anh Trần Văn Hết, ở huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, cho biết. Tương tự, tại vùng Bắc Xà No, thuộc xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang, đang chuẩn bị thu hoạch lúa. “Vụ Đông xuân này, nông dân ở đây rất vui, vì doanh nghiệp đến đặt cọc mua lúa Tài Thơm 8 từ khi nông dân mới xuống giống trên diện tích 300ha”, lão nông Nguyễn Văn Tốt, xã viên hợp tác xã (HTX) Bắc Xà No, huyện Vị Thủy, cho biết. Được biết, HTX Bắc Xà No là một trong những HTX đầu tiên của Hậu Giang sản xuất lúa theo mô hình hữu cơ. Hiện có 16 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Hậu Giang đang bàn phương án bao tiêu lúa Đông xuân với gần 20 HTX sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh.

Gia tăng giá trị hạt gạo

Năm 2017 khép lại với những “gam sáng” của xuất khẩu gạo Việt Nam khi số lượng xuất khẩu đạt gần 5,8 triệu tấn, tăng khoảng 900.000 tấn so năm 2016. Đáng chú ý là số lượng gạo cao cấp và gạo thơm các loại xuất khẩu đang chiếm trên 60% (khoảng 3 triệu tấn), hai phân khúc xuất khẩu gạo này tăng trên 50% so năm 2016. Trong khi đó, phân khúc gạo trung bình và phẩm cấp thấp chỉ còn chiếm khoảng 12% (khoảng 700.000 tấn). Các chuyên gia lúa gạo nhận định: Đây là sự thay đổi đáng ghi nhận của nông dân trồng lúa - nhất là ở vựa lúa ĐBSCL.

Tại Hậu Giang, bước đầu một số HTX cũng đã tiến hành trồng lúa chất lượng cao, lúa thơm, lúa sạch. Cầu nối giữa doanh nghiệp và nông dân làm nông sản sạch không ai khác là chính quyền địa phương. Chính vì lẽ đó, Hậu Giang đã và đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp thông qua tín dụng ưu đãi, tiền thuê đất... Đặc biệt, tỉnh đang triển khai thực hiện đề án nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX, tổ hợp tác. Tạo nền tảng cho mối liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, góp phần hình thành vùng nguyên liệu sản xuất lúa chất lượng cao, lúa sạch. Đặc biệt, tại xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A, tỉnh đang triển khai cho nông dân trồng khoảng 300ha lúa áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến, để tiếp cận vào thị trường xuất khẩu khó tính ở châu Âu và Mỹ. “Muốn có gạo chất lượng cao, đảm bảo tiêu chí gạo sạch thì người dân trước hết phải liên kết sản xuất. Mô hình này muốn thành công phải liên kết từ cấp thấp. Tức là nông dân phải liên kết từ tổ hợp tác, HTX. Trên cơ sở liên kết tổ chức hẳn hoi, ngành hữu quan, cũng như ngành nông nghiệp sẽ có trách nhiệm tìm đầu ra. Phải xây dựng theo mô hình cánh đồng lớn rồi kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư đầu vào cũng như đầu ra cho nông dân. Đồng bộ với các nhà khoa học, đầu tư hạ tầng cũng như là chuyển giao khoa học kỹ thuật”, ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết.

Hiện các doanh nghiệp ngành lúa gạo đang “chạy đua” tập trung đầu tư vào vùng nguyên liệu để tạo các phân khúc xuất khẩu gạo của riêng mình. Tập đoàn Lộc Trời là một điển hình. Doanh nghiệp này xác định: Để xuất khẩu đi các thị trường nước ngoài phải “ngon từ đất” và “chất từ tâm”. Hay nói đúng hơn là vùng nguyên liệu phải được cách ly hoàn toàn với phân, thuốc hóa học từ hơn 1 tháng trước. Không dừng lại ở đó, trong suốt quá trình canh tác, nông dân cũng chỉ phun thuốc và rải phân, phun thuốc khi thật sự cần thiết và tuân thủ tuyệt đối những hướng dẫn từ đội ngũ kỹ sư “3 cùng”. Tập đoàn Lộc Trời hiện là doanh nghiệp có hệ thống “chân rết” đầu tư từ cơ sở vật chất đến đội ngũ cán bộ kỹ thuật phủ rộng các tỉnh ĐBSCL. Mục tiêu của họ là giúp nông dân tiết giảm gần một nửa chi phí sản xuất. Từ đó nâng lợi nhuận trên mỗi héc-ta lên gấp đôi so với canh tác thông thường. Sự thay đổi trong tư duy sản xuất của nông dân từ việc chạy theo sản lượng sang chú trọng chất lượng, có thể nói là một kỳ công khi họ đã chú ý đến nhu cầu của thị trường thông qua “đơn đặt hàng” của doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Tất nhiên, điều này cũng tạo ra lực đẩy để ngành nông nghiệp ĐBSCL tạo ra “cú hích” gia tăng các giống lúa chất lượng cao, lúa thơm…

Thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2018 sẽ bị chi phối bởi các nước nhập khẩu, như: Malaysia, Bangladesh, Philippines, Sri Lanca, Trung Quốc và châu Phi. Trong đó, Trung Quốc là thị trường gần, có lợi thế vận chuyển và nhu cầu đa dạng, phù hợp với cơ cấu chủng loại gạo Việt Nam nhưng cũng tùy thuộc vào giá cạnh tranh. Châu Phi tiếp tục duy trì thị phần gạo thơm nhưng Việt Nam sẽ phải cạnh tranh quyết liệt với Thái Lan. Tương tự xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng phải “kình địch” với Thái Lan tại thị trường Philippines và Malaysia.

Với những gì thay đổi trong tư duy sản xuất của nông dân khi tiếp cận các giống lúa chất lượng cao, lúa thơm và đầu tư căn cơ của doanh nghiệp và vùng nguyên liệu, chúng ta có quyền đặt niềm tin gạo Việt sẽ tiến xa trong thời gian tới trên thương trường.

Thu hoạch 679 ha lúa Đông xuân sớm

Vụ lúa Đông xuân 2017-2018 nông dân toàn tỉnh xuống giống được 77.917ha, hiện nay đã thu hoạch 679ha lúa Đông xuân sớm ở huyện Phụng Hiệp, Long Mỹ và thị xã Ngã Bảy, ước năng suất đạt 6,3 tấn/ha. Các trà lúa còn lại đang ở giai đoạn đẻ nhánh đến trổ chín.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, tuần qua có 7.190,3ha lúa nhiễm sinh vật gây hại (tăng 1.631,3ha so với tuần trước) gồm các đối tượng gây hại như rầy nâu, sâu cuốn lá nhỏ, chuột, đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, vàng lùn - lùn xoắn lá, bạc lá, lem lép hạt... Các đối tượng sinh vật gây hại trên đều được nông dân chủ động phòng trừ, khống chế mật số và tỷ lệ gây hại nên ảnh hưởng không đáng kể.

Do ảnh hưởng của thời tiết sáng sớm có nhiều sương mù, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm lớn nên dự báo trong thời gian tới bệnh đạo ôn, bạc lá và lem lép hạt sẽ tiếp tục gây hại trên các trà lúa giai đoạn làm đòng đến trổ chín, vì vậy Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh khuyến cáo nông dân thường xuyên thăm đồng kiểm tra sinh vật gây hại để phát hiện sớm và phòng trừ kịp thời. Bên cạnh đó, tranh thủ lúc điều kiện thuận lợi để thu hoạch lúa Đông xuân khi đã đạt độ chín nhằm giảm thất thoát.

Bài, ảnh: VĨNH TƯỜNG, H.THU

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang