• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Tây Nguyên mùa cà phê

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng, 03/01/2018
Ngày cập nhật: 4/1/2018

Cả vùng Tây Nguyên đang rộn rã mùa vụ cà phê, từ Lâm Ðồng đến Ðăk Lăk, Ðăk Nông, Gia Lai, Kon Tum, bà con nông dân đang tất bật thu hái.

Những mô hình sản xuất cà phê bền vững. Ảnh: Bích Hiền

Cuối năm, chúng tôi về vùng trọng điểm cà phê Lâm Đồng. Từ Đà Lạt đến Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lộc, Bảo Lâm, đâu đâu cũng không khí mùa vụ. Lượng cà phê thu hái đã nhiều, có nhà coi như đã xong, nhưng nhiều vườn vẫn trĩu cành, một phần do đợi cà chín đều, nhưng phần khác cũng vì chưa có người hái. Năm nào cũng vậy, vào mùa thu hoạch rất khó tìm lao động. Mặc dù, người làm các nơi đổ về đây rất đông, từ miền Tây lên, miền Trung vào, và các tỉnh lân cận như Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận… nhưng vẫn thiếu, vì cả Tây Nguyên cùng vào vụ. Cả vùng có đến hơn 500 ngàn ha cà phê, riêng Lâm Đồng cũng hơn 155 ngàn ha. Chị Trần Thị Minh Tâm (xã Lộc Nga, Bảo Lộc) cho biết: Hiếm người, nên công hái cũng cao, từ 1 ngàn đến 1,2 ngàn đồng/kg. Công hái cà phê chè còn cao hơn nữa. Anh Đinh Ngọc Tú (xã Trạm Hành, Đà Lạt) cho biết, nhà anh phải thuê đến 2,2 ngàn đồng/kg. Như vậy, mỗi ký nhân mất từ 5-10 ngàn đồng công hái.

Bộn bề lo toan, nhưng niềm vui ngày mùa vẫn cứ nôn nao mỗi người. Ở vùng đất Tây Nguyên này, cây cà phê vẫn là cây gắn bó nhất với bà con nông dân. Từ vài chục năm nay, nhiều gia đình các miền quê khác nhau đến đây lập nghiệp và đi lên từ cà phê, xóa nghèo, làm giàu từ cà phê, nhiều thôn xã lên nông thôn mới cũng nhờ cà phê. Sau bao năm vất vả, bà con có thêm kinh nghiệm làm ăn. Giờ mọi người nói chuyện làm cà thạo như chuyện làm lúa ở quê. Những năm qua, nhiều chương trình, dự án của nhà nước, của các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư về nông thôn, hỗ trợ bà con nông dân phát triển cà phê theo hướng bền vững, tăng năng suất, chất lượng, tăng thu nhập cho nông dân. Nhiều người đã qua các lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất cà phê, biết ghi chép sổ nhật ký nông hộ, theo dõi sử dụng nước tưới, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, theo dõi việc thu hoạch, bán sản phẩm, tính chi phí, doanh thu, lợi nhuận... Ông Nguyễn Văn Dũng (xã Lộc Phú, Bảo Lâm) cho biết: “Thực hành đúng kỹ thuật cho hiệu quả cao. Có kiến thức, có kinh nghiệm mới có thể nhận biết được các triệu chứng ở cây trồng để chăm sóc cho đúng. Nếu bón phân không đúng kỹ thuật thì lãng phí, coi như là “bỏ” phân”. Bà con cho biết, các lớp tập huấn kỹ thuật, thực hành ngay tại đồng ruộng mang lại kết quả tốt, giúp mọi người hiểu biết về canh tác bền vững, bảo vệ môi trường, nắm rõ kỹ thuật trồng trọt, ghép tái canh, tỉa cành, tạo tán, dùng phân hữu cơ, tưới nước tiết kiệm, cả việc chỉ thu hái khi cà đã đủ độ chín, để bảo đảm năng suất và chất lượng. Có nhiều hộ làm ăn rất bài bản, vườn có cây che bóng, tỉa cành tạo tán, tưới nhỏ giọt... Anh Lê Thân (xã Tân Nghĩa, Di Linh) cho biết: Gia đình đã lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt mấy năm nay. Phương pháp này giảm lượng nước, giảm phân bón và giảm công lao động rất nhiều. Khi mà nguồn nước ngày càng cạn kiệt thì tưới tiết kiệm là rất cần thiết. Nếu như trước đây năng suất cà phê chỉ khoảng 1,5-2 tấn/ha, thì nay chuyện 3-4 tấn, hay 5-6 tấn/ha không hiếm. Một nhà thu mấy chục tấn cũng là chuyện bình thường; nhiều diện tích cà phê đạt chứng chỉ 4C, UTZ. Nhiều tổ hợp tác, HTX hình thành, liên kết các hộ sản xuất- tiêu thụ sản phẩm, như các HTX Cầu Đất, Lâm Viên, Tân Nghĩa, Đồng Tâm, và các tổ hợp tác khác.

Ngày mùa ở Tây Nguyên là những vườn cà phê chín đỏ, những sân phơi cà phê, con đường cà phê, và những chiếc xe chất ngất cà phê. Những hạt cà phê đậm đà hương vị được kết tinh từ đất đỏ bazan và mồ hôi, công sức của người nông dân. Cả không gian cà phê tràn đầy cảm xúc về một đời sống ấm no.

Bích Hiền

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang